lundi 14 janvier 2013

Mất nước kiểu gì?




 



Nếu đảng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục cai trị đất nước, duy trì chế độ độc tài đảng trị, bóp nghẹt quyền tự do dân chủ, đàn áp những người yêu nước, bất đồng chính kiến, u mê với “tình hữu nghị 4 tốt, 16 chữ vàng”,… thì Việt Nam sẽ mất nước vào tay Trung Quốc là điều không tránh khỏi. Đó là một cảnh báo mà nếu tìm hiểu, theo dõi diễn biến quan hệ Việt- Trung từ xưa đến nay, biết rõ thực chất các việc đã làm của chính quyền Trung Quốc với các nước khác, chứng kiến sự khiếp nhược hèn hạ của chính quyền cộng sản Việt Nam,… thì thấy cảnh báo trên là hoàn toàn chính xác.
Trước đây 50 năm ông Ngô đình Nhu có nhận định "nếu năm 2011 mà đảng cộng sản VN không sụp đổ thì VN sẻ bị TQ thôn tính"


Nhưng mất nước kiểu gì?



Bị sáp nhập vào để trở thành như Tây Tạng, Tân Cương, một tỉnh của Trung Quốc hay một “kiểu nào” khác?



Thử tưởng tượng Việt Nam là khu tự trị của Trung Quốc: Khẩu hiệu “thách thức” thời gian “Nước CHXHCN Việt Nam muôn năm” vốn phổ biến nay sẽ không còn. Ông Trọng sẽ từ tổng bí thư “tụt xuống” làm bí thư khu ủy. Ông Dũng đang từ địa vị một thủ tướng “xuất sắc nhất châu Á” (tuy rằng bịp) giờ chỉ còn là một lãnh đạo của khu. 14 ông trong BCT không còn là "vua tập thể" nữa nên "sơ sảy"có thể mất "ghế" thậm chí mất đầu. Các bộ trưởng mà thời phong kiến gọi là các quan thượng thư là các đại thần giờ đây là giám đốc hoặc hơn một chút là tổng giám đốc. 



Và cứ như vậy, một loạt các loại cán bộ cao cấp vốn có truyền thống thích oai, sĩ diện hão bỗng dưng đều bị “bớt oai” đi một bậc. 



Hẳn là có tới 99% là không muốn như vậy. Nhưng có cái họ còn không muốn hơn đó là: Quyền lực giảm kéo theo số đặc quyền đặc lợi cũng giảm. 



Chẳng còn những khoản béo bở như “chia chác” vốn vay ODA bằng tham nhũng tương tự vụ PMU18 hay hưởng “hoa hồng” kếch sù trong hợp đồng kiểu vụ in tiền Polime với Úc. Không được bán rừng đầu nguồn, bán tài nguyên trực tiếp cho nước ngoài. Không được… Chẳng còn… Dẫn tới mất đi nhiều nguồn để gia tăng số tài sản của họ cùng người thân, phe cánh. 



Với người dân Việt Nam thì việc không chấp nhận Bắc thuộc đã thành truyền thống từ hàng ngàn năm kể từ khi lập quốc. Truyền thống đó đã giúp dân tộc Việt Nam dù phải sống cạnh một người láng giềng xấu tính luôn tìm cách xâm lược và đồng hóa, vẫn đứng vững, tồn tại. Do vậy chủ trương của Trung Quốc biến Việt Nam thành như Tây Tạng hoặc Tân Cương sẽ gặp phải sức kháng cự rất quyết liệt của nhân dân và có thể của cả chính quyền hèn nhát, nhu nhược. Không còn cách nào khác Trung Quốc phải phát động cuộc chiến. Đây là vấn đề không đơn giản vì Việt Nam là một nước có chủ quyền, là thành viên của liên hiệp quốc khác với Tây Tạng, Tân Cương ít được biết tới như một quốc gia độc lập. Hơn nữa Trung Quốc đang nuôi giấc mộng trở thành một siêu cường dưới vỏ bọc “trỗi dậy hòa bình” và cũng chưa thực sự tới thời điểm lột bỏ. 




Chiến tranh Trung - Việt sẽ làm chậm tốc độ phát triển của Trung Quốc, bùng phát các bất ổn tiềm tàng trong nước. Các vụ bạo động, biểu tình ở các khu tự trị Tây Tạng, Tân cương cũng như các nơi khác ở Trung Quốc liên tiếp xảy ra trong những năm gần đây đều là những mồi lửa cho “cách mạng Hoa Lài” chỉ chờ châm ngòi. 



Cũng có thể (dù là rất ít khả năng xảy ra) chiến tranh Trung - Việt giúp chính quyền cộng sản tỉnh ngộ trở về với dân tộc xây dựng một thể chế tự do dân chủ. Với thể chế này Việt Nam sẽ trở nên rất khó thôn tính, đồng thời có một nước tự do dân chủ sát nách sẽ là mối đe dọa với chế độ độc tài độc đảng ở Trung Quốc. Rõ ràng, để biến Việt Nam thành khu tự trị chính quyền Trung Quốc sẽ phải trả một giá rất “đắt” (vì có khi dẫn tới sự sụp đổ của cả một chế độ). Đồng thời phải loại bỏ một chính quyền mà từ năm 1992 ngày càng trở nên hèn hạ, khiếp nhược và hầu như đáp ứng mọi yêu cầu đòi hỏi của họ.



Năm 1999 họ muốn lãnh thổ rộng ra thì có ngay hiệp ước phân định biên giới công nhận hàng chục cây số vuông biên giới, các địa danh quen biết như Ải Nam Quan, một nửa thác Bản Giốc, bãi Tục Lãm,… từng là của Việt Nam nay đã thuộc Trung Quốc.



Cách đây vài năm, để tiêu thụ hàng giá rẻ nhưng độc hại Trung Quốc chỉ cần lệnh cho báo chí nhà nước của Việt Nam không được nêu thông tin trên.



Sợ mất lòng Trung Quốc báo, chí "lề đảng" chỉ dám gọi những tàu của họ đã đâm chìm tàu của ngư dân là “tàu lạ”, tấm bia kỷ niệm chiến thắng cầu Khánh Khê năm 1979 cũng bị đục bỏ đi bốn chữ "Trung Quốc xâm lược", những hy sinh mất mát của quân dân trong cuộc chiến biên giới đã cố tình bị lãng quên trong thông tin của "lề đảng".



Khi họ không thích ở Việt Nam có những cuộc biểu tình phản đối là lập tức công an Việt Nam trấn áp những cuộc biểu tình đó “chu đáo” hơn bất kỳ một cuộc nào khác. Những người bày tỏ lòng yêu nước mà có liên quan tới phản đối Trung Quốc dù dưới bất kỳ hình thức nào: từ biểu tình, mang khẩu hiệu, viết báo,... thậm chí chỉ là ngồi nhà tọa kháng đều bị nhà nước Việt Nam nếu không sách nhiễu thì cũng vu cho một tội nào đó để bắt cho kỳ hết.



Khai thác bauxite ở trong nước có hại cho môi trường bị người dân phản đối, Trung Quốc chuyển sang khai thác ở Tây Nguyên Việt Nam liền được chính quyền cộng sản đón nhận coi là “chủ trương lớn”để thực thi.



Thấy nhà nước Trung Quốc thường xuyên đàn áp, bắt bớ những người luyện tập Pháp luân công lãnh đạo cộng sản Hà Nội dù chưa rõ lợi hại cũng trù dập, sách nhiễu họ.




Thác Bản Giốc thuộc chủ quyền Việt Nam, nay một nửa thác đã rơi vào tay Trung Quốc



Những năm gần đây sau hàng loạt hành động xâm lấn công khai, vi phạm chủ quyền biển như: bắn giết, bắt bớ ngư dân, cắt cáp tàu thăm dò của tàu Bình Minh, Viking trên hải phận của Việt Nam,... làm tình hình biển Đông ngày thêm căng thẳng, Trung Quốc muốn Việt Nam chỉ đàm phán song phương không đưa ra quốc tế. Việt Nam luôn đáp ứng bằng lập trường trước sau như một “đàm phán song phương, không muốn bên thứ ba xen vào".



Mẫn cán, cúc cung, trung thành vượt xa bất kỳ một chính quyền địa phương nào của Trung Quốc.



Thật tình cờ các câu thơ sau của nhà thơ quá cố Tường Vân đã mô tả rất đúng.



“Bảo ra đường

Ra đường

Bảo nằm gầm giường

Nằm gầm giường

Bảo sủa

Sủa

Bảo im

Im..."



Đây là kiểu chính quyền mà Bắc Kinh rất muốn có ở một nước chư hầu thuộc vùng “đệm” vì nó phục vụ tốt nhất cho giấc mộng siêu cường của đại hán. Do vậy trước mắt họ chưa cần biến Việt Nam trở thành khu tự trị hay tỉnh của Trung Quốc.



Việc Trung Quốc ngang nhiên, trắng trợn, ngày càng leo thang các hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam ngoài mục đích độc chiếm Biển Đông còn có một mục đích khác nữa. Đó là thực hiện một trong những bước cuối cùng để kiểm tra sự "mẫn cán, dễ bảo” của chính quyền cộng sản Việt Nam. Tuy rằng đã có những phản đối trên diễn đàn ngoại giao, những cuộc tập trận gần bờ của hải quân, mua sắm thêm vũ khí, tàu ngầm, lãnh đạo cao cấp thăm viếng các nước làm ra vẻ tìm đồng minh làm đối trọng với Trung Quốc,... Nhưng tựu trung kết quả của “bài kiểm tra” đó vẫn là hết sức khả quan với cả “giám khảo” lẫn “thí sinh” :



Việt Nam vẫn kiên quyết: "giải quyết các bất đồng bằng đàm phán song phương không muốn một bên thứ ba xen vào, không để biển Đông ảnh hưởng tới mối quan hệ Việt-Trung, duy trì mối quan hệ đối tác hợp tác toàn diện trên tinh thần hữu nghị “4 tốt, 16 chữ vàng”.



Vẫn nhất trí “quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định, đáp ứng nguyện vọng chung và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước Việt-Trung, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực" sau những lần hội đàm giữa các thứ trưởng ngoại giao.



Gần đây bất chấp viêc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), cho in hàng loạt "hộ chiếu lưỡi bò", lại một lần nữa cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh trên hải phận của Việt nam, ra lệnh lục soát khám xét tàu thuyền trên biển Đông, trong cuộc gặp gỡ với phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn khẳng định "không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng, hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước là chủ trương nhất quán, lâu dài mang tầm chiến lược và là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam".




Đàn áp các cuộc biểu tình yêu nước để làm vừa lòng Bắc Kinh.



Vừa qua đại tá Trần Đăng Thanh tuy không chính danh nhưng đã chính thức truyền đi thông điệp về thái độ với Trung Quốc của chính quyền cộng sản: “Đối với Trung Quốc hai điều không được quên: họ đã từng xâm lược chúng ta nhưng ta cũng không được quên họ đã từng nhường cơm xẻ áo cho chúng ta. Ta không thể là người vong ơn bội nghĩa”.



Dễ dàng hình dung ra tương lai của Việt Nam sau khi “bài kiểm tra cuối cùng” hoàn tất.



Về lãnh thổ: Ngoài các vùng đất biên giới, các địa danh quen thuộc, quần đảo Hoàng Sa, một số đảo ở Trường Sa đã mất sẽ mất thêm Biển Đông, các đảo còn lại ở Trường Sa.



Về chính trị: Tiếp tục duy trì chế độ độc tài độc đảng dập khuôn theo mô hình của Trung Quốc với một chính quyền tay sai mẫn cán như đã nói ở trên.



Về kinh tế: Hàng Trung Quốc giá rẻ tràn ngập thị trường bóp chết các ngành sản xuất hàng hóa trong nước. Tài nguyên bị Trung Quốc khai thác cạn kiệt. Việt Nam trở thành nơi để Trung Quốc xuất khẩu các công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường. Các yết hầu kinh tế của quốc gia đều do Trung Quốc nắm giữ điều hành.



Về ngoại giao: Với Trung Quốc thì triệt để tuân theo tinh thần hữu nghị 4 tốt 16 chữ vàng, với các nước khác thì “Trung Quốc thế nào Việt Nam như thế”. Phương châm này đã thể hiện ngay từ đại hội đảng 11 là 14 ủy viên bộ chính trị không có nhân vật nào làm bộ trưởng bộ ngoại giao.



Về an ninh quốc phòng: Xây dựng ngành công an, quân đội chủ yếu để đối phó với bạo động, biểu tình của dân, các phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ. Hợp tác chiến lược toàn diện với quân đội Trung Quốc chỉ nhằm mục đích khi các vụ nổi dậy, biểu tình trong nước mà công an, quân đội không đàn áp, dập tắt được sẽ nhờ quân đội Trung Quốc can thiệp.



Về xã hội: Người Trung Quốc tràn ngập Việt Nam gây hỗn loạn, làm đảo lộn mọi sinh hoạt, tập quán của người Việt. Đại bộ phận người Việt bị chèn ép, bị bần cùng hóa trở thành công dân hạng hai ngay trên tổ quốc của mình.



Và khi Trung Quốc đã đạt được giấc mộng là siêu cường của mình thì việc sáp nhập Việt Nam thành khu tự trị hay một tỉnh chỉ còn là thủ tục.



Phải chăng đó cũng là một kiểu mất nước.



1/2013 




Trần Hoàng Lan