jeudi 6 décembre 2012

VIỆT NAM CẦN PHẢI BẮT GIỮ TÀU CÁ CẮT CÁP


Nguyên trưởng ban Biên giới Trần Công Trục:

SGTT.VN - Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị về vụ việc tàu Bình Minh 2 của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) một lần nữa bị tàu cá Trung Quốc “làm đứt cáp” hôm 30.11 , ông Trần Công Trục nhấn mạnh, Việt Nam cần phải bắt giữ tàu cá xâm phạm trái phép đó.


- Thưa ông, bất chấp những nỗ lực ngoại giao, tàu Trung Quốc vẫn cắt cáp tàu khai thác dầu khí trên vùng biển của Việt Nam, theo ông cần có giải pháp gì?


-- Tôi băn khoăn là tại sao chúng ta có Cảnh sát biển, Hải quan mà lại không lập biên bản đàng hoàng. Nếu họ sai thì có thể bắt áp giải về để xử lý theo luật pháp, tránh các hành động mà luật pháp quốc tế không cho phép như là giam cầm, đánh đập, tịch thu phương tiện…


Chúng ta muốn xử lý bằng tòa án thì có đại sứ Trung Quốc đến chứng kiến các việc chúng ta làm, nếu họ không chịu thì chúng ta đưa ra tòa án quốc tế xem xét. Còn nếu nói chung chung thì họ sẽ chối là có làm đâu, bằng chứng nào vi phạm?



- Ông có lo ngại là việc sử dụng tàu cá dân sự sẽ thành xu hướng của Trung Quốc?


-- Điều đó nguy hiểm, vì nói tàu cá là đánh cá, những rắc rối gây ra là không cố tình, và thế giới có thể bị hiểu lầm bởi cái đó. Đấy là điều chúng ta phải nói rõ thực chất tàu đánh cá là gì? Không có lý gì tàu cá lại đi với đội hình đông như vậy.


Tàu cá mà không tránh khi được thông báo, chạy ngang chạy dọc làm đứt cáp. Chúng ta phải làm rõ tàu đánh cá thì cá đâu, phương tiện thế nào?


Việc sử dụng tàu cá không những là lo ngại mà là nguy cơ. Trước đây Trung Quốc cũng đã dùng tàu cá để gây ra xung đột như năm 1958 họ dùng tàu đánh cá trá hình nhảy lên phía Tây phía Hoàng Sa bị chính quyền VN cộng hòa bắt giam ở Đà Nẵng sau đó mới trả.


- Vì sao Trung Quốc lại ưa thích sử dụng tàu cá dân sự?


-- Theo các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước thì tàu cá Trung Quốc không những mấy trăm mà hàng nghìn tàu ở cảng phía Nam của Trung Quốc, thậm chí có các tàu hải giám đi theo. Sử dụng dân sự để tránh hải quân vì sử dụng hải quân bây giờ là vấn đề lớn.


Cùng với việc sử dụng tàu cá dân sự, Trung Quốc còn khẳng định chính thức yêu sách đường lưỡi bò trên hộ chiếu, cùng lúc giao cho ủy ban hành chính Hải Nam có quyền khám xét bắt bớ trục xuất các tàu trên vùng biển mà họ nói liên quan đến Tam Sa, trong đường biên giới chữ U. Rõ ràng đây là tính toán hoạt động của họ, liên tục nhiều hoạt động khác nữa. Đây là cố tình, trong loạt sắp xếp họ khống chế và giành lấy sự công nhận trên thực tế yêu sách phi lý của họ là yêu sách đường lưỡi bò.



- Ông có cho rằng phản ứng của Việt Nam lần này chậm?


-- Tôi đồng ý rằng tất cả các phản ứng phải có tính toán, cân nhắc cực kỳ thận trọng.


Nhưng đến nay thông tin không phải là chưa rõ. Chúng ta phải có thái độ công khai, lập trường kiên quyết rõ ràng. Có thái độ phản đối rõ ràng, không còn là vùng biển chồng lấn, về nguyên tắc quốc tế.


Với thông tin tôi được đọc (về tàu Bình Minh 2), chúng ta có thể có phản ứng về ngoại giao, nên thông báo với các nước trong khu vực, các tổ chức quốc tế như LHQ, gửi lưu chiểu các ý kiến lên các cơ quan đó vì rõ ràng là có những hành động trắng trợn.



Việt Anh


SÀI GÒN TIẾP THỊ , 5/12/2012

http://sgtt.vn/Thoi-su/173044/Viet-Nam-can-phai-bat-giu-tau-ca-cat-cap.html





* Ảnh: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh tặng kỷ niệm chương cho Vương Tây Hân, Phó hiệu trưởng trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc dẫn đoàn cán bộ sang tham quan, nghiên cứu thực tế tại Việt Nam từ ngày 27 đến 30/11/2012.