Nhân sĩ Sài Gòn phản đối 'trấn áp’
Cập nhật: 11:05 GMT - thứ hai, 10 tháng 12, 2012
Hành động lên án của hai người gây chú ý trong dư luận vì đây đều là những người nhiều năm gắn bó với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong thư đăng trên mạng internet, ông Lê Hiếu Đằng, từng là Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. HCM, nói ông muốn “tố cáo trước công luận trong và ngoài nước hành động bắt bớ, trấn áp, bao vây các thành viên đứng tên trong thông báo tổ chức cuộc mitting vào sáng ngày Chủ nhật”.
'Vũ lực cưỡng ép'
Ông nói GS. Tương Lai, “đã bị công an phường Tân Phong, Q7 dùng vũ lực cưỡng ép bắt về phường và sau đó truy đuổi đến tận nhà”.
“Đây là một hành động trấn áp vô nhân đạo đối với một trí thức đã có nhiều cống hiến như GS. Tương Lai, lại đang bị bạo bệnh.”
Theo ông Lê Hiếu Đằng, bản thân ông cùng các ông Hồ Ngọc Nhuận, Lê Công Giàu, Cao Lập “đã bị lực lượng công an chìm nổi bao vây không cho ra khỏi nhà”.
Ông Đằng dẫn thêm tên một số người khác mà theo ông “trên đường đi đều bị công an chặn lại, dùng vũ lực khống chế ‘áp tải’ về đến tận nhà”.
Trong khi đó, GS. Tương Lai, từng cố vấn cho các Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, ra tuyên bố “phản đối hành động trấn áp thô bạo” của công an.
Vị giáo sư từng nhận Huân chương Kháng Chiến Hạng Nhất kể lại việc công an “quyết liệt” đòi đưa ông về trụ sở phường trong khi ông có dự tính đi đến quảng trường Nhà hát thành phố.
"Những hành động trấn áp, bắt bớ nói trên là như thế nào, ai chủ trương và ai chịu trách nhiệm?" Lê Hiếu Đằng
“Là một công dân, tôi đề nghị các cơ quan hữu quan tại TP. HCM cần kiểm tra và có giải pháp thích đáng đối với những cán bộ phạm pháp, vi phạm quyền công dân đối với tôi, một cán bộ về hưu đã gần kề tuổi 80.”
Còn ông Lê Hiếu Đằng “xin hỏi ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBNDTP: những hành động trấn áp, bắt bớ nói trên là như thế nào, ai chủ trương và ai chịu trách nhiệm?”
'Chuyện của dân'
Sự kiện ngắn ngủi ở TP. HCM có điểm nhấn khi ông Huỳnh Tấn Mẫm, thủ lĩnh sinh viên Sài Gòn chống Mỹ trước 1975, xuất hiện.
Ông Huỳnh Tấn Mẫm nói với BBC: "Nếu như mà Đảng và Nhà nước tuyên bố chống thì đó cũng chỉ là Đảng và Nhà nước thôi, còn nhân dân phải được quyền nói lên tiếng nói của người ta chứ."
"Vậy thì tại sao nhà cầm quyền Việt Nam không cho biểu tình mà lại coi chuyện đó là của Đảng và Nhà nước, mà không phải là chuyện của dân?"
"Tiếng nói đó là góp phần ủng hộ cho đấu tranh của dân tộc, thì không có lý do gì ngăn cản cả." Huỳnh Tấn Mẫm
"Và tiếng nói đó là góp phần ủng hộ cho đấu tranh của dân tộc, thì không có lý do gì ngăn cản cả."
Còn nhà văn Phạm Đình Trọng, cũng đang sống ở TP. HCM, viết trên mạng về việc ông bị ngăn cản không cho tham gia sự kiện.
Vị đại tá quân đội, đã xin ra khỏi Đảng Cộng sản năm 2009, cảm thán: “Thật buồn cho cách ứng xử của nhà nước với người dân có nỗi lòng đau đáu với nước và thật cám cảnh cho người dân Việt Nam sống trong xã hội cộng sản độc tài đến quyền yêu nước cũng không có.”
Trên bình diện truyền thông chính thống, một ngày sau khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra ở cả Hà Nội và TP HCM, báo chí trong nước hoàn toàn im hơi lặng tiếng.