Căm thù Mỹ, mang ơn Trung Quốc có phải là chính sách?
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012-12-19
Một giảng viên thuộc học viện Chính trị Bộ quốc Phòng vừa có bài diễn thuyết về Biển Đông khiến ai nghe cũng phải ngạc nhiên trước lập luận giữ lòng thù hận với Mỹ và cố xoa dịu những gì mà Trung Quốc đang làm.
Chủ trương của Đảng?
Những phát biểu của ông phản ánh lập trường của chính phủ Việt Nam trước mối quan hệ Việt-Trung-Mỹ về Biển Đông đã phần nào giải mã các động thái của chính phủ chống biểu tình hay phản ứng yếu ớt trước các hành vi xâm lấn của Bắc Kinh.Trên trang mạng Ba Sàm vừa phổ biến một băng ghi âm quan trọng bài diễn thuyết của ông Trần Đăng Thanh, được giới thiệu là Nhà giáo ưu tú, Đại tá Phó giáo sư Tiến sĩ thuộc Học viện Chính Trị Bộ Quốc phòng nói chuyện trước một cử tọa gồm các nhân sự về mặt Đảng trong các trường Đại học như: lãnh đạo Đảng ủy khối, lãnh đạo Đảng, Tuyên giáo, Công tác chính trị, Quản lý sinh viên, Đoàn, Hội thanh niên các trường Đại học - Cao đẳng Hà Nội. Trước một số người nghe quan trọng như vậy chứng tỏ ông Trần Đăng Thanh là người có thẩm quyền nói tiếng nói của Đảng Cộng sản Việt Nam mặc dù trong một môi trường khép kín và không công khai với dư luận.
Thông thường, các bài giảng chính trị luôn được phổ biến nội bộ và đó là kim chỉ nam trong các chính sách, đặc biệt là an ninh quốc phòng và ngoại giao. Nó thể hiện lập trường của đảng trong tình hình đang xảy ra và đảng viên phải tuân theo mà không được tranh cãi hay bàn thảo. Cuốn băng dài và khá đơn điệu. Sau khi giảng giải những gì đang xảy ra hầu như khắp thế giới ông Phó giáo sư quay lại tình hình Biển Đông với các chi tiết mà nhiều học giả đã nói trong sách hay trong các cuộc hội thảo.
Không có điều gì mới do ông Thanh phát hiện, cái mới là những điểm ông nêu ra về lập trường, nhận định và giải pháp mà Việt Nam đang theo và ông yêu cầu cử tọa phải lĩnh hội để uốn nắn sinh viên vào quỹ đạo này. Mặc dù cố minh chứng rằng chính phủ không ưa gì Trung Quốc bằng cách trích dẫn những chiến thắng lịch sử mà sách vở đã ghi, ông Trần Đăng Thanh đã làm người ngồi nghe nếu ai có ý thức về vai trò Trung Quốc trong các cuộc chiến tranh với Việt Nam phải tức giận bỏ ghế đứng lên rời phòng họp nếu không sợ mất nồi cơm của mình. Ông Phó giáo sư Tiến sĩ nói: Trong 4 năm kháng chiến chống Pháp, 21 năm chống Mỹ, nhân dân Trung Quốc, nhà nước Trung Quốc đã từng nhường cơm xẻ áo dành cho chúng ta từ hạt gạo, từ khẩu súng, từ đôi dép để chúng ta giành thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp và thắng Mỹ. Như vậy ta không quên họ đã từng xâm lược chúng ta nhưng ta cũng không được quên họ đã từng nhường cơm xẻ áo cho chúng ta. Ta không thể là người vong ơn bội nghĩa, đấy là đối với Trung Quốc hai điều không được quên (*).
Chính ông Thanh mới là người không được quên khi ông không nhắc lại các cuộc xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 cướp Hoàng Sa năm 1974 và Gạc Ma năm 1988. Ba cuộc chiến ấy đã vượt xa con số tiền bạc, khí tài mà ông Thanh luôn nặng nợ với Trung Quốc. Bao nhiêu bộ đội, anh hùng liệt sĩ cùng người dân vô tội đã ngã xuống dưới họng súng của Trung Quốc đã bị ông Thanh bỏ quên một cách cố ý trong bài giảng chính trị này. Lời kêu gọi nhớ ơn Trung Quốc giúp Việt Nam chiến thắng trở thành lạc điệu đối với những người đã ngã xuống để cho ông Thanh có cơ hội đăng đàn diễn thuyết hôm nay. Trung Quốc không giúp Việt Nam vì tình nghĩa mà lý do thật sự là dùng Việt Nam để đánh Mỹ nhằm phát triển hệ thống Cộng sản Chủ nghĩa, vì vậy công ơn mà Trung Quốc nếu có thì chỉ riêng bản thân Đảng Cộng Sản Việt Nam phải mang chứ không liên can tới người dân Việt. Cũng vậy, Mỹ tham dự vào chiến tranh Việt Nam trong chiến lược ngăn chặn Chủ nghĩa Cộng sản mà nước này thấy rất sớm sự nguy hại của nó, vì vậy nếu căm thù Mỹ thì người Cộng Sản có lý do hơn người dân Việt Nam.
Trung Quốc vào Việt Nam bằng tiền, Mỹ vào Việt Nam bằng cả hai thứ: tiền và sinh mạng. Giữa Mỹ và Trung Quốc khác nhau chỗ đó và ông Thanh nên tỉnh táo nhìn nhận bi kịch lịch sử để không ngộ nhận về lòng tốt của Trung Quốc và nhắc nhở cái mà ông gọi là tội ác trời không dung đất không tha của Mỹ khi ông nói: Các đồng chí nhớ người Mỹ chưa hề, chưa từng và không bao giờ tốt thật sự với chúng ta cả. Phải nói rõ luôn. Nếu có tốt chỗ này, có ca ngợi chúng ta chỗ kia, có ủng hộ chúng ta về Biển Đông chẳng qua vì lợi ích của họ. Họ đang thực hiện “thả con săn sắt, bắt con cá rô”. Họ chưa bao giờ tốt thật sự với chúng ta, tội ác của họ trời không dung, đất không tha.
Phải biết ơn TQ, căm thù Mỹ
Nhà giáo ưu tú, Đại tá-PGS-TS Trần Đăng Thanh, giảng viên Học viện Chính trị thuộc Bộ Quốc phòng chưa ngừng ở đó, giữa hội trường Đại học ông công kích sự mở rộng giáo dục của người Mỹ tại Việt Nam là diễn tiến hòa bình của các đại học Mỹ. Ông Thanh khẳng định: Để thay đổi Việt Nam, Mỹ cần phải dựa vào kinh tế và chất xám của thế hệ trẻ Việt Nam được học tập và đào tạo tại Mỹ và phương Tây. Và họ khẳng định hợp tác giáo dục là con đường ngắn nhất để cải thiện hình ảnh con người Mỹ trong con mắt người Việt Nam ở thế hệ tương lai. Thông qua giáo dục đào tạo là con đường ngắn nhất, con đường hiệu quả nhất để cải thiện hình ảnh người Mỹ trong con mắt thế hệ trẻ người Việt Nam. Cho nên một trong 9 mũi tiến công là người Mỹ đang thực hiện diễn biến hòa bình trên lĩnh vực giáo dục đào tạo của chúng ta.
Một mặt kỳ vọng vào Hoa Kỳ điều này điều khác nhưng mặt khác trong một buổi lên lớp kín đáo lại không tiếc lời mạt sát đối tác của mình là một hành động thiếu lương thiện không nên có đối với một người mang học vị Phó giáo sư. Tuy nhiên những điều vừa nêu không có ý nghĩa gì nếu so với ý đồ thật sự bài nói chuyện của ông Đại tá giảng viên Học Viện chính trị Bộ Quốc phòng Trần Đăng Thanh. Điều then chốt mà ông muốn gửi tới người nghe là thuyết phục họ không nên đả kích Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, ông nói: Chúng ta không được phép là chĩa mũi dùi vào một phía nào đó mà hiện nay thiên hướng là cứ tập trung vào mỗi ông Trung Quốc. Xin thưa với các đồng chí nếu chúng ta chỉ tập trung vào mỗi một mình ông Trung Quốc là hoàn toàn chưa đúng, chưa chính xác mà phải đặt trong mối quan hệ tổng thể Việt Nam với Trung Quốc, Việt Nam với Mỹ, và Việt Nam với các nước ASEAN.
Nếu theo dõi tình hình Biển Đông không ai là không thấy sự quyết đoán và lộng hành của Trung Quốc đối với hai nước Việt Nam và Philippines. Khi kêu gọi đừng chĩa mũi dùi vào Trung Quốc phải chăng ông Thanh muốn thay mặt Bắc Kinh để phân trần cho hành động bá quyền của họ? Ông Trần Đăng Thanh còn nói thay tiếng nói của Đảng và chính quyền hiện nay trong chính sách Biển Đông qua thông điệp: Cái không được mất thứ ba đó là mối tình đoàn kết nhân dân hai nước. Nói điều này thì có người bĩu môi, có người chưa đồng tình. Nhưng thôi xin thưa với các đồng chí, lịch sử giao cho dân tộc chúng ta phải sống bên cạnh cái nước ta bảo họ tư tưởng nước lớn, không phải tư tưởng, họ là nước lớn thật sự. Nói tư tưởng thế nào được, họ là nước lớn thật sự. Dân số của họ là 1 tỷ 354 triệu người dân, ta có 87 triệu, họ là nước lớn thật sự, cứ bảo tư tưởng nước lớn, họ nước lớn ,không phải tư tưởng, thật sự!
Trong khi cả nước chán ngán cái khẩu hiệu “Mối tình đoàn kết nhân dân hai nuớc” kể từ sau bài học chiến tranh biên giới thì đến năm 2012, hơn ba mươi năm sau, ông Trần Đăng Thanh đem con số 1 tỷ 354 triệu người Trung Quốc để đe dọa đất nước và con người Việt Nam.
Người có lòng tự trọng không ai lại sợ đất nước của người khác đến như thế. Bài thuyết giảng của ông Phó Giáo sư Tiến sĩ, giảng viên Học Viện chính trị Bộ Quốc phòng Trần Đăng Thanh làm cho những nghi ngờ bấy lâu trong người dân được giải mã một cách trọn vẹn. Chỉ tiếc một điều bài nói chuyện này chưa được chuyển sang tiếng Anh để các học giả Hoa Kỳ, nhất là những người khuynh tả còn tin tưởng vào sự đổi mới của Đảng và chính phủ Việt Nam thấy rõ hơn một góc tối khác của “tư duy căm thù đế quốc Mỹ” vẫn còn đó, ăn sâu và mòn ruỗng trong từng tế bào của một bộ phận không nhỏ ngày nay.
(*) Trích từ BaSam's blog