vendredi 21 décembre 2012

HOA KỲ CHUẨN BỊ HỢP TÁC QUÂN SỰ VỚI MIẾN ĐIỆN

 

Trọng Thành, theo RFI

Theo AFP hôm qua 19/12/2012, một giới chức quốc phòng cao cấp của Mỹ cho biết Washington dự định bước đầu hợp tác quân sự với Miến Điện, nhằm cổ vũ làn sóng cải cách của tân chính quyền Miến Điện. Việc hợp tác quân sự song phương sẽ được tiến hành « từng bước một ».
Giới chức Mỹ xin giấu tên tuyên bố : « Chúng tôi ủng hộ chủ trương : Một mối quan hệ quân sự thận trọng và có trọng điểm, là tích cực đối với các cải cách tại Miến Điện ». Giới chức quân sự Mỹ giải thích thêm, hợp tác quân sự với chính quyền Naypyidaw sẽ diễn ra trong một « tương lai gần ». Mỹ sẽ hỗ trợ Miến Điện trong các hoạt động phi tác chiến như tập huấn quân y, trợ giúp nhân đạo, cũng như hỗ trợ cải cách bộ máy quản lý quốc phòng.
Mới đây, hai viên chức Lầu Năm Góc đã tới Miến Điện trong đoàn công du của Bộ Ngoại giao Mỹ để thảo luận về khả năng hợp tác giữa hai nước.


Hồi tháng 10/2012, Washington cho biết sẵn sàng mời Miến Điện tham gia cuộc tập trận tại Thái Lan, giữa Hoa Kỳ và các nước đồng minh, vào năm tới 2013 với tư cách quan sát viên.
Quan hệ song phương Hoa Kỳ – Miến Điện hoàn toàn thay đổi về chất, kể từ khi chính quyền gồm những cựu quân nhân theo đường lối cải cách lên thay thế tập đoàn quân sự vào đầu năm 2011. Quan hệ nống ấm giữa hai bên được đánh dấu đặc biệt với chuyến công du của tổng thống Barack Obama tới Miến Điện vào ngày 19/11/2012, tức là chỉ một tuần sau khi ông tái đắc cử. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đương nhiệm đặt chân tới quốc gia Đông Nam Á này.

***

Mỹ ‘triển khai vũ khí mới ở Châu Á’

Theo BBC
Mỹ đang có kế hoạch triển khai môt số mẫu chiến hạm mới nhất và vũ khí công nghệ cao tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, hãng thông tấn Pháp AFP dẫn lời một nguồn quốc phòng cho biết.
Đây là một phần trong việc chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực này, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ giấu tên nói hôm thứ tư 19/12.
Lầu Năm Góc sẽ gửi loại chiến cơ chống tàu ngầm P-8, tên lửa đầu đạn hạt nhân tầm thấp, tàu ngầm lớp Virginia, tàu chiến ven bờ và chiến cơ F-35 đến tại các cảng ở Châu Á trong những năm sắp tới.
“Những gì quý vị đang thấy là phần nhỏ của một chiến lược lớn, khu vực Thái Bình Dương sẽ là nơi nhận được vũ khí hiện đại nhất trước,” vị quan chức giấu tên này nói.
Lầu Năm Góc trong thời gian gần đây đã thể hiện ý muốn tăng cường sự hiện diện ở Châu Á sau những cuộc chiến trên bộ kéo dài một thập niên tại Iraq và Afghanistan, phản ánh quan ngại trước sự trỗi dậy về sức mạnh quân sự của Trung Quốc cũng như thái độ của nước này trong tranh chấp chủ quyền biển đảo với các nước láng giềng.
Mỹ đã lên kế hoạch đưa một nửa các hạm đội đến châu Á – Thái Bình Dương và bốn chiến hạm với khả năng di chuyển nhanh, chiến đấu ven bờ để triển khai tại Singapore.
Hôm thứ Ba, 18/12, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Leon Panetta nói loại chiến cơ tàng hình F-35, vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, có thể được triển khai tại Nhật Bản vào năm 2017.
Washington cũng sẽ cung cấp cho Nhật loại radar hiện đại X-band để tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa, một động thái được công bố hồi tháng Chín.


Quan ngại trước Trung Quốc 


Việt Nam, Philippines và các nước khác ở Đông Nam Á, vốn đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, cũng đang tìm cách tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ nhằm chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Vị quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, trong lúc nhắc lại những cuộc đối thoại gần đây tại khu vực Đông Nam Á, cho rằng chính phủ các nước khu vực này đang theo dõi sít sao việc chuyển giao lãnh đạo mới tại Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến tranh chấp chủ quyền như thế nào.
Tỉnh Hải Nam tháng vừa qua đã công bố những luật mới cho phép cảnh sát biển địa phương được bắt giữ và khám xét tàu nước ngoài vào khu vực mà chính phủ Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Trong khi đó, hộ chiếu mới nhất của Trung Quốc, in hình bản đồ “lưỡi bò” khẳng định chủ quyền của nước này với gần như toàn khu vực Biển Đông, đã làm cho các nước láng giềng giận dữ.