vendredi 28 septembre 2012

Tiền đang chảy đi đâu?


Ngân hàng đang trở thành “túi hút tiền không đáy” khi huy động bao nhiêu dường như vẫn thiếu. Vậy tiền đang chảy đi đâu, khi tín dụng tăng không cao?

 Image
 







Cho vay sân sau với lãi suất siêu rẻ và...
 
Cuộc đua lãi suất của các ngân hàng đang lan rộng, khi đến nay, đã có ít nhất 6 - 7 ngân hàng đưa lãi suất huy động kỳ hạn dài lên mức 13%/năm như Eximbank, Sacombank, Bắc Á, Đại Á… Điều kỳ lạ là, từ đầu năm đến nay, lượng tiền huy động của các ngân hàng vẫn tăng trưởng rất tốt, trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ bằng 1/10 vốn huy động. Vậy các ngân hàng vẫn cấp tập huy động vốn để làm gì?


Theo chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí, câu trả lời rất đơn giản: “Tiền đang chảy vào các công ty sân sau”. Đây cũng là lý do tại sao nhiều DN vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng hoặc phải vay với lãi suất cao.
Thừa nhận tình trạng này, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội cho hay, tình trạng cho công ty sân sau vay đáng báo động hơn những gì mà dư luận báo chí phản ánh. Một số ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động là do đang dồn vốn cho các công ty sân sau và đang bị mắc kẹt, không có tiền cho doanh nghiệp khác vay.


Rõ ràng, tình trạng sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng đang ngày trở nên phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy khó xử lý. Nếu tình trạng này tiếp tục được dung dưỡng, tình trạng cho vay công ty sân sau thiếu minh bạch, chắc chắn con số nợ xấu sẽ ngày càng phình to và khó xác định.


Do đó, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Đại Lai đề nghị, Ngân hàng Nhà nước cần sớm có biện pháp xóa bỏ mọi hình thức sở hữu chéo giữa các doanh nghiệp với ngân hàng, mạnh tay xử lý các vi phạm loại này. Với những ngân hàng quản lý tài chính quá yếu, Nhà nước có thể cho giải thể, bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và cổ đông chính bằng nguồn thanh lý ngân hàng đó và sự vào cuộc của Bảo hiểm Tiền gửi.
 
Ngoài ra, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đưa ra kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước phải từng bước bắt buộc tất cả các tổ chức tín dụng phải niêm yết trên sàn chứng khoán để đảm bảo minh bạch, không tùy tiện bơm tiền cho các công ty sân sau.

... đảo nợ


Giải thích cho hiện tượng thừa vốn, không thể cho vay, nhưng nhiều ngân hàng vẫn tăng huy động, ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho rằng, sở dĩ nhiều ngân hàng đang “đua” lãi suất huy động là do từ đầu tháng 9/2012, Thông tư 21/2012/TT-NHNN có hiệu lực. Theo đó, nguồn vốn liên ngân hàng bị thu hẹp, các ngân hàng buộc phải tăng huy động trên thị trường dân cư để bù đắp. Nhiều ngân hàng cũng cho rằng, việc tăng huy động vốn cũng là để phòng thủ thanh khoản cuối năm, đón nhu cầu vốn tăng cao.


Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế, việc ngân hàng đua huy động, thậm chí là vượt trần lãi suất dù tín dụng không tăng đã cho thấy, thanh khoản của ngân hàng đang có vấn đề. Nói cách khác, nợ xấu hiện nay như cục nam châm hút vốn huy động, khiến luồng vốn huy động chảy vào ngân hàng rất mạnh, song chủ yếu được các ngân hàng tập trung vào đảo nợ.


Lý giải trên được coi là hợp lý, bởi dù Ngân hàng Nhà nước đã thừa nhận, nợ xấu của hệ thống ngân hàng lên tới hơn 200.000 tỷ đồng. song chưa có phương án xử lý cụ thể nào được đưa ra.


Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng khẳng định, tính đến ngày 7/9, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đạt 1,82%. Tuy nhiên, số lượng vay mới rất khiêm tốn. Cho vay theo hình thức cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay cơ cấu tài chính, miễn giảm lãi, cho vay bù đắp dư nợ theo mức lãi suất mớiõ… chiếm tới hơn một nửa.


Chính vì vậy, trong lúc nhiều ngân hàng xin nới chỉ tiêu tín dụng lên tới 25-30%, thì một số ngân hàng lớn vẫn chật vật tăng trưởng tín dụng. Chính ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank khẳng định, hiện nhiều doanh nghiệp vay vốn không phải để sản xuất, kinh doanh, mà là để đảo nợ.


TS. Nguyễn Đại Lai cho rằng, dù tín dụng tăng trưởng rất thấp, song hiện nay dư nợ tín dụng vẫn bằng khoảng 125% GDP đã cho thấy, khách hàng của ngành ngân hàng vẫn rất lớn, hoặc chưa đến hạn trả nợ hoặc không trả được nợ, vì thế, sẽ là có sức thuyết phục nếu lý giải “tín dụng chủ yếu vẫn dùng vào đảo nợ”.


Xem ra, nghẽn mạch tín dụng vẫn là căn bệnh khó chữa nhất trên thị trường tiền tệ thời gian tới, khi luồng tiền hình như vẫn chạy lòng vòng trong thị trường tài chính và các công ty sân sau của hệ thống ngân hàng.


Theo Baodautu