Chính phủ tự phê: ‘Có nhiều thành tích’
Cập nhật: 09:23 GMT - thứ năm, 20 tháng 9, 2012
Đảng bộ chính phủ Việt Nam
do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm bí thư vừa thông báo kết quả
họp kiểm điểm phê bình và tự phê bình hôm thứ Tư ngày 19/9.
Theo kết quả này, được công bố trên trang
mạng của Chính phủ Việt Nam, thì nội các của Thủ tướng Dũng
đã có ưu điểm và thành tích nổi trội hơn nhiều so với khuyết
điểm và thiếu sót.Đợt phê và tự phê này bắt đầu từ đầu não của Đảng là Bộ chính trị và Ban bí thư hồi cuối tháng Bảy đầu tháng Tám vừa rồi. Khi đó, từng cá nhân trong số 14 ủy viên Bộ chính trị đã phê và tự phê trong vòng 12 ngày.
Theo thông báo trên trang chinhphu.vn thì lần tự kiểm điểm này của Ban cán sự đảng chính phủ đã kéo dài trong năm ngày, từ ngày 11 đến ngày 15/9.
Ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Văn Quynh, phó trưởng Ban tổ chức trung ương, đại diện cho trung ương Đảng đã tham dự đợt sinh hoạt chính trị này của chính phủ.
‘Hết lòng vì dân vì nước’
Theo thông báo được chính phủ phát đi thì Ban cán sự Đảng của chính phủ đã làm tốt trên tất cả các mặt mà Đảng yêu cầu tự kiểm điểm.Về tư tưởng chính trị, Đảng bộ chính phủ khẳng định họ ‘không suy thoái về tư tưởng chính trị’.
“Qua kiểm điểm đã khẳng định Ban Cán sự đảng Chính phủ luôn kiên định với Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu lý tưởng Chủ nghĩa xã hội, cương lĩnh, đường lối của Đảng,” thông báo của chính phủ cho biết.
Về đạo đức lối sống, các đảng viên trong chính phủ cũng ‘không suy thoái’, ‘không cục bộ, bè phái’, ‘không lợi ích nhóm’ và kiên quyết đấu tranh chống ‘tham nhũng lãng phí’.
Về cung cách làm việc, đảng bộ chính phủ ‘luôn nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ... phát huy vai trò tập thể và cá nhân người đứng đầu.”
“Ban cán sự Đảng chính phủ là một tập thể đoàn kết, thống nhất cao,” thông báo viết.
Về thành tích điều hành kinh tế-xã hội, Đảng bộ chính phủ cho rằng họ đã đạt nhiều thành tích như ‘điều hành ổn định kinh tế vĩ mô’, ‘duy trì tăng trưởng hợp lý’, ‘giữ vững quốc phòng an ninh’, ‘bảo đảm trật tự xã hội’ và ‘cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân’, đặc biệt ‘trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn thách thức’.
Ban Cán sự đảng Chính phủ cho rằng tất cả hành động của họ là ‘vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, vì độc lập chủ quyền quốc gia, vì sự ổn định và phát triển của đất nước’.
Khuyết điểm yếu kém
Về mặt quản lý điều hành, họ cho rằng đã làm ‘chưa tốt’ với ‘năng lực tư duy, tổ chức triển khai (các chính sách) còn hạn chế’.
Họ cũng nhìn nhận hiệu quả điều hành ‘chưa cao’ nên kinh tế-xã hội đất nước ‘còn nhiều mặt yếu kém’.
Chính phủ thừa nhận họ ‘chưa ngăn chặn được’ tình trạng tham nhũng lãng phí.
Việc ‘một số lãnh đạo tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về kinh tế và bức xúc trong xã hội’ cũng được nhắc đến trong kết quả kiểm điểm này.
Mặc dù khẳng định toàn Đảng bộ chính phủ không phai nhạt lý tưởng chính trị và ‘không suy thoái’ về đạo đức lối sống, kết quả kiểm điểm cũng thừa nhận ‘một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức’ đang ở trong tình trạng này.
Theo thông báo của chính phủ thì họ đã tiến hành phê và tự phê một cách ‘nghiêm túc, cầu thị, thẳng thắn, trách nhiệm’ và có tiếp thu ý kiến đóng góp của các tổ chức và cá nhân.
“Ban Cán sự Đảng Chính phủ khẳng định quyết tâm phát huy ưu điểm, khắc phục yếu kém, khuyết điểm; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao,” thông báo kết luận.
Các kết quả kiểm điểm của Ban Cán sự Đảng Chính phủ cũng như của Bộ chính trị và Ban bí thư dự kiến sẽ được trình lên toàn thể các ủy viên trung ương Đảng xem xét đánh giá tại Hội nghị trung ương 6 sắp tới.
Chính phủ của Thủ tướng Dũng đang hứng chịu nhiều chỉ trích từ các sai phạm và tham nhũng tại các tập đoàn kinh tế nhà nước gây thiệt hại hàng tỷ đô la cho đất nước. Bản thân thủ tướng là người cổ súy mạnh mẽ cho việc xây dựng các tập đoàn trở thành trụ cột của nền kinh tế quốc dân.
Ai dám phê thủ tướng?
Trước khi phê và tự phê với nhau, hồi cuối tháng Năm, Ban cán sự Đảng của ông Dũng đã mời các vị nguyên thủ tướng và nguyên phó thủ tướng đến họp ‘góp ý’ cho chính phủ đương nhiệm, trong đó có cựu Thủ tướng Phan Văn Khải và các cựu phó thủ tướng Đồng Sỹ Nguyên, Nguyễn Mạnh Cầm, Phạm Gia Khiêm, Nguyễn Khánh, Vũ Khoan và Nguyễn Công Tạn.
Trong một lần trả lời phỏng vấn BBC trước đây, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên là phó chủ tịch Mặt trận tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh, đã từng nhận xét rằng ‘Trong chi bộ chính phủ thì ai dám phê bình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng’.
Ông cho biết ông có nhận định như vậy từ kinh nghiệm phê và tự phê tại Đảng bộ cơ quan ông khi mà ‘bao nhiêu đảng viên im như thóc không ai dám phê bình lãnh đạo’.
Ông đưa ra dẫn chứng là nhiều chi bộ đảng được đánh giá là ‘trong sạch vững mạnh’ mà cuối cùng ‘té ra vi phạm rất nhiều’ như Vinashin để chứng minh rằng việc phê và tự phê ‘chỉ là hình thức’.
“Phải dùng pháp luật để giám sát hoạt động của các vị trong Đảng và Nhà nước,” ông nói.
Ông cũng phê bình bộ máy chính phủ là ‘bị đồng tiền chi phối nên không đặt lợi ích quốc gia, lợi ích của quần chúng lên trên mà làm theo mệnh lệnh của đồng tiền, của các chủ đầu tư’.
Ông Đằng cũng không cho rằng chính phủ của ông Dũng có ‘thành tích gì nổi bật cả trong 5 năm qua’ cả.
“Tôi thường đi chợ thấy vật giá tăng khủng khiếp. Đời sống nhân dân rất khó khăn,” ông nói, “Các vị có con cái đưa qua Mỹ, qua Tây mua nhà, mua xe hơi xịn sẽ không thấy điều đó.”