HAI NHÂN VẬT BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN VIỆT NAM MÃN ÁN TÙ
Trà Mi, theo VOA
Hai nhà hoạt động Nguyễn Văn Túc và Phạm
Văn Trội ở miền Bắc bị tù về tội danh ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’
lần lượt mãn án 4 năm vào ngày 10 và 11 tháng 9 năm nay.
Ông Túc đã được phóng thích sáng ngày
10/9, theo nguồn tin từ gia đình của ông. Tối cùng ngày, bà Bùi Thị Rè,
vợ nhà hoạt động Nguyễn Văn Túc, xác nhận tin này với VOA Việt ngữ:
“Ông Túc về lúc 9 giờ sáng hôm nay
ngày 10/9, đúng 4 năm, không được ân xá một ngày nào cả. Anh ấy không
nhận anh ấy có tội, không ký vào giấy phạt tù 4 năm, và cũng không trả
tiền án phí. Anh bảo anh chẳng có tội gì mà phải trả tiền án phí. Anh
bảo trong trại giam khổ cực lắm, ăn uống không ra sao, bị o ép mọi vấn
đề. Anh ốm đau như thế mà bị họ o ép mọi vấn đề, khổ lắm. Sức khỏe của
anh thì ốm yếu, nhưng tinh thần thì vững chắc lắm. Bốn năm chồng tôi đi
tù chỉ vì dân, vì nước. Mẹ con tôi ở nhà rất tự hào. Chồng tôi vì dân vì
nước, chứ không phải ăn trộm, ăn cắp.”
Tối ngày 10/9, gia đình nhà hoạt động
Phạm Văn Trội cũng cho biết là nhân vật bất đồng chính kiến này sẽ được
phóng thích vào ngày 11/9, đúng ngày mãn án 4 năm. Bà Nguyễn Thị Huyền
Trang, vợ ông Trội, cho biết:
“Gia đình nhà em cũng đã được chính
quyền thông báo chính thức, nhận được giấy mời của Ủy ban nhân dân xã
báo rằng 14 giờ ngày 11/9 anh Trội có mặt tại Ủy ban nhân dân xã. Anh
Trội bị kết án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế. Tính đến ngày mai, 11/9,
anh Trội không được giảm án một ngày một giờ nào hết. Anh ấy vẫn luôn
khẳng định việc anh ấy làm là hoàn toàn đúng và chính đáng.”
Cả hai nhà hoạt động Nguyễn Văn Túc và
Phạm Văn Trội bị bắt từ năm 2008 sau khi có các hoạt động kêu gọi dân
chủ, đa đảng-đa nguyên tại Việt Nam.
Ông Túc từng tham gia treo biểu ngữ ở Hải Phòng kêu gọi bảo vệ chủ quyền Việt Nam trước sự xâm lấn của Trung Quốc.
Ông Trội là tác giả của nhiều bài viết về
nhân quyền, chủ quyền lãnh thổ, và quyền lợi đất đai của người dân. Ông
từng được tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch trao tặng giải
thưởng quốc tế Hellman/Hammett vinh danh các ngòi bút can đảm bị đàn áp
chính trị hồi năm 2010.
Năm 2009, Nhóm công tác của Liên hiệp
quốc chống Giam giữ tùy tiện khẳng định rằng việc Hà Nội giam giữ ông
Trội là hành động sai trái, vi phạm nhân quyền.
°°°
Nhà bất đồng chính kiến ra tù
Theo BBC
Ông Nguyễn Văn Túc,
thành viên khối đấu tranh dân chủ 8406 ở Thái Bình, vừa mãn
hạn bốn năm tù giam và được cho về với gia đình.
Vợ ông, bà Bùi Thị Rề, xác
nhận với BBC rằng ông Túc đã về tớ́i nhà ở xã Đông La, huyện
Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, vào lúc 9 giờ sáng thứ Hai 10/9.
Được biết một nhân vật khác
cùng bị xử một đợt với ông Túc nhưng tại Hà Nội và cũng
lãnh án bốn năm tù, ông Phạm Văn Trội, sẽ hoàn thành án tù
vào thứ Ba 11/9.
Ông Túc, 49 tuổi, bị bắt tháng
9/2008 và ra tòa hồi tháng 10/2009 tại Hải Phòng với năm người
khác vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước theo Điều 88 Bộ Luật
Hình sự.
Những người kia là các ông
Nguyễn Xuân Nghĩa, 64 tuổi, Nguyễn Văn Tính, 71 tuổi; Nguyễn Kim
Nhàn, 64 tuổi; Ngô Quỳnh, 29 tuổi và Nguyễn Mạnh Sơn, 70 tuổi.
Sáu người này bị buộc tội đã
“lưu trữ, phát tán những tài liệu vu khống chế độ, sau đó chụp hình và
phát tán lên mạng Internet”.
Họ cũng bị cáo buộc là vào
hồi tháng 8/2008 đã tổ chức treo biểu ngữ và rải truyền đơn với
nội dung “chống chính quyền” tại cầu vượt Lạch Tray (Hải Phòng) và
Lai Cách (Hải Dương) rồi chụp ảnh và viết bài đưa lên mạng Internet.
Cả sáu người còn bị nói đã tham gia vào một vụ “treo khẩu hiệu bất thành tại Thái Bình”.
Quản chế tại gia
Sau khi mãn hạn tù về địa phương, ông Nguyễn Văn Túc sẽ còn phải chịu thêm ba năm quản chế tại gia nữa.
Trong khi đó, thời hạn quản chế đối với ông Phạm Văn Trội ở Hà Nội là bốn năm.
Trong số sáu người ra tòa ở Hải
Phòng, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa bị án nặng nhất là 6 năm tù
giam và 3 năm quản chế tại gia vì bị cho là người lãnh đạo.
Án nhẹ nhất là ông Nguyễn Kim
Nhàn – hai năm tù. Tiếp đó là án ba năm tù cho sinh viên Ngô
Quỳnh, sau được giảm ba tháng.
Hai ông Nguyễn Văn Tính và Nguyễn Mạnh Sơn lãnh ba năm sáu tháng tù.
Tất cả số trên như vậy đều đã
mãn hạn hoặc chuẩn bị ra tù, ngoại trừ ông Nguyễn Xuân Nghĩa,
người mà sức khỏe được nói là không tốt lắm.
Bản thân ông Nguyễn Văn Túc cũng bị mắc một số bệnh trong tù.
Ông Túc đã có quá trình tham gia khiếu kiện từ năm 2003 và là một trong vài đầu đơn khiếu kiện ở tỉnh Thái Bình.
Trong thời gian từ tháng 12/2007 đến
tháng 9/2008, ông Nguyễn Văn Túc đã viết nhiều bài có nội dung chống bị
nói là “chống đối”, đồng thời chuyển cho một số người dân tham gia
khiếu kiện.
_______