samedi 24 décembre 2011

Dân lành nhờ sống tự do


Gặp nhau hồi Tháng Tám năm 2011 này, anh bạn tôi ở Heksinki, Phần Lan, nói tình hình kinh tế nước anh cũng đang khó khăn.

Anh kể có lần chính phủ Finland làm cuộc thăm dò xem cuộc sống của người dân đã xuống đến mức nào, với mục đích là tùy theo đó mà thay đổi chương trình an sinh xã hội. Nếu những người dân khốn khó quá thì nhà nước sẽ tăng thêm trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp y tế, xã hội, mặc dù ngân sách đang thiếu thốn. Còn nếu những người dân nghèo nhất mà vẫn tự cảm thấy họ chưa đến nỗi khốn cùng, thì không cần tăng trợ cấp xã hội làm gì vội, vì chi tiêu nhiều sẽ sinh thêm lạm phát, tai hại chung cho tất cả mọi người.

Giải thích cuộc thăm dò như trên, thực ra chỉ là cách tôi suy luận thôi. Còn anh Nguyễn Trùng Dương, người Phần Lan gốc Việt chỉ kể tôi nghe một câu chuyện. Anh bảo chính phủ muốn thử xem dân chúng có nghèo khó quá không, và kết quả là họ thấy kinh tế đang lâm nguy thật. Họ thử bằng cách nào? Phương pháp “nghiên cứu dư luận” (survey) đại khái thế này: Cho người giả bộ đánh rớt một cái bóp (ví) đựng tiền, rồi coi có bao nhiêu người đem trả!

Họ để vào trong mỗi chiếc bóp một chút ít tiền, thí dụ 5 hoặc 10 hoặc 20 markkaa (tương đương 1 đô la tới 5 đô la Mỹ). Trong mỗi chiếc bóp có tờ giấy ghi địa chỉ để ai bắt được cứ theo đó mà đem lại trả. Tất cả những chiếc bóp này ban đêm được mang trải ra ở những nơi công cộng như ga xe lửa, bến xe buýt, gần cửa chợ và gần những nơi có đông người qua lại.

Sau đó, họ đếm xem có bao nhiêu người đem những cái ví tiền rớt đó đến trả lại; nếu tỷ số đem trả lại mà cao thì chính phủ biết dân tình vẫn chưa đến nỗi khốn khó. Còn nếu số tiền nộp nhỏ hơn mọi khi, tức là có nhiều người lượm được tiền rơi bèn bỏ túi, thì nhà nước biết dân chúng đang khốn khó lắm rồi. Bởi vì, bình thường người dân Phần Lan rất lương thiện, họ không bao giờ lượm được của rơi mà lại giữ không đem nộp cho cảnh sát. Chỉ khi khốn khó cùng cực thì con người mới sinh gian dối thôi.

Phương pháp nghiên cứu này không theo khoa thống kê học kinh tế! Nó không cốt đo lường bằng những chỉ số khách quan, mà lại suy đoán tâm trạng con người. Như các cụ nhà ta vẫn nói: Bần cùng sinh đạo tặc, chính phủ Finland xem tính tình người ta thay đổi, thấy số người lương thiện giảm đi thì biết nói chung dân đang túng thiếu quá.

Người ta chỉ có thể suy đoán từ tính tình dân chúng mà biết tình trạng tài chánh của họ nếu giả thiết là dân Phần Lan bản tính là thực thà, tử tế. Mà giả thiết này đúng sự thật.

Người Phần Lan rất hiền, những người Việt bạn tôi ở đây đều nói như vậy. Anh bạn tôi có lần thú nhận rằng ở đây người Việt mình có khi phạm lỗi “đụng rồi chạy” (hit and run), tức là lỡ đụng vô chiếc xe đang đậu thì bỏ đi luôn, nếu không ai thấy. Còn người Phần Lan thì khác; nếu lái xe lỡ quệt vô làm trầy chợt xe người khác là họ viết một mảnh giấy nhận lỗi; để chủ nhân chiếc xe bị đụng liên lạc với mình đòi thu xếp việc sửa xe. Trên miếng giấy cài trên kính xe, ghi tên, số điện thoại và số bảo hiểm của người gây tai nạn.

Dân như vậy thì hiền lành tử tế thật. Mà thói tốt nào cũng phải tập, cần nhiều thời gian mới quen được. Trong xã hội có một người lương thiện sẽ làm một người khác bắt chước, cứ thế, dần dần cả xã hội lương hảo. Dân Phần Lan hầu hết đã tập được tư cách đàng hoàng từ kiếp nào đó rồi, cho nên bây giờ tính lương thiện là bản tính tự nhiên của họ. Tất nhiên gần đèn thì rạng, cho nên nhiều người Việt sống tại đây, nhất là trẻ em, cũng nhiễm tính thật thà của dân bản xứ rất nhanh.

Tôi vẫn tin rằng loài người ở đâu cũng như nhau. Người Việt, người Tàu, người Nga hay người Phần Lan đều là người cả, dân tộc nào vốn cũng đủ những người tánh tốt lẫn tánh xấu. Tánh tình dần dần khác nhau là do hoàn cảnh sống, “tính tương cận, tập tương viễn,” nói theo kiểu Tam Tự Kinh mà các cụ ngày xưa vẫn học.

Vậy cái hoàn cảnh nào đã khiến cho người dân ở Phần Lan thực thà, hiền hậu hơn người khác? Có nhiều lý do phức tạp, từ đời sống kinh tế đến hệ thống giáo dục. Nhưng một điều dễ thấy nhất là người Phần Lan đã sống trong một thể chế dân chủ tự do từ lâu. Sống trong một chế độ tự do dân chủ, người ta không có nhu cầu nói dối nhiều, không có nhu cầu phải tập nói dối cho quen, như khi phải sống trong sự sợ hãi thường xuyên dưới một chế độ áp bức.

Một nước mà người ta lúc nào cũng sợ chính quyền, lúc nào cũng lo mình bị nhà nước tra hỏi, bắt bớ, trừng phạt vô lý, thì thường dân chúng phải biết nói dối. Nhiều khi không ai hỏi tội, bị hỏi đến tên là đã nói: “Không phải tôi!” Nói dối lâu dần sinh ra thói quen khó sửa lắm. Nhất là khi nhìn thấy nhóm người cai trị chính họ cũng luôn luôn dùng những thủ đoạn dối trá làm lợi khí tranh quyền đoạt vị với nhau và thống trị dân, thì người dân phải coi dối trá là một chuyện bình thường. Người biết nói dối có khi được coi là khôn ngoan, đáng khen ngợi, có thể đáng kính trọng; còn những anh thật thà bị coi là khờ, dại, cù lần!

Một điều dễ so sánh nhất là thái độ của người dân đối với cảnh sát, công an, trong hai nước độc tài và dân chủ rất khác nhau. Ở bên Nga người dân thường được chính quyền kiểm soát rất kỹ, một di sản của chế độ cộng sản. Chế độ độc quyền đảng trị đã chính thức được bãi bỏ tại Nga hơn 15 năm, nhưng các thói quen sống trong một chế độ độc tài thì chắc phải hàng thế hệ mới bỏ được. Năm trước, khi tới Volgagrad theo ông thầy Lý Hồng Thái sang Nga dậy võ, anh bạn tôi vào tiệm mua miếng chíp để gắn vô máy điện thoại di động; anh phải trình thẻ thông hành, hộ chiếu, cho người bán hàng ghi vào sổ. Ðó là một hình thức kiểm soát người dân, khi cần cảnh sát có thể biết ai đã dùng máy nào, nói những chuyện gì vào ngày giờ nào. Những người bạn Nga ở Volgagrad mời chúng tôi qua Nga đã yêu cầu chúng tôi phải đưa anh ta cả hộ chiếu, các vé máy bay đi, về, để anh đem đi khai báo, giữ mấy ngày mới trả lại. Lúc nào cũng thấy mình đang bị guồng máy nhà nước nhòm ngó!

Cảnh sát ở Nga vẫn còn thói quen của chính quyền một nước vô sản chuyên chính: Nhà nước có quyền bắt người dân phải chứng minh mình vô tội! Nhà nước đặt ra luật pháp, tùy tiện giải thích luật pháp theo ý mình, đó là thói quen chung của các chế độ độc tài, nhưng không đâu lại củng cố thói quen đó mạnh và sâu như ở các nước cộng sản. Anh không cần phạm lỗi mới bị bắt giam. Chỉ cần gán cho anh những tiếng “phản động,” “có ý định chống nhà nước,” là có thể bắt anh như một người đã vi phạm pháp luật.

Bình thường ở các nước dân chủ chính quyền phải chứng minh là người dân có phạm lỗi trước khi được quyền hỏi giấy tờ làm phiền phức cho người ta. Ở Phần Lan người dân không sợ cảnh sát, mấy ngàn người Việt ở đây cũng tập được thói quen đó rồi. Người dân chỉ sợ pháp luật mà thôi. Anh lái xe sai luật thì bị phạt, giá tiền phạt nặng không khác gì ở Bắc Mỹ. Và khi anh được cảnh sát hỏi tới thì hết đường chạy. Không thể nào năn nỉ, hối lộ cảnh sát được. Ở Việt Nam cảnh sát thổi còi xong rồi lại tha là chuyện bình thường, nhiều người giải thích lý do là lương bổng của họ thấp quá nên họ phải “kiếm thêm”. Nhưng, các bạn tôi cũng cho biết lương bổng của các cảnh sát viên, nhất là cảnh sát lưu thông ở Phần Lan rất thấp, thấp hơn cả những người lao công đi quét dọn ở phi trường hay ở các cửa hàng. Như vậy thì tại sao cảnh sát ở đây không ăn hối lộ? Tại vì người dân không có thói quen mua chuộc quan chức. Những người khác nắm quyền hành trong tay cũng không quen bán quyền thế. Cả thế kỷ mới có chuyện một vị bộ trưởng phải từ chức vì được một công ty thương mại biếu quà, làm cho thủ tướng bị Quốc Hội chất vấn.

Có phải vì bản tính người Phần Lan là chất phác, hiền từ hay không? Họ tập được cái tính thành thật, tử tế là nhờ sống lâu ngày trong một thể chế chính trị dân chủ tự do; hàng trăm năm kể từ khi lập quốc “nhân lúc bên Nga có loạn”. Ngay từ khi giành được độc lập, người Phần Lan đã chọn thể chế dân chủ. Trong cái chế độ đó, con người phải sống minh bạch, công khai, nhất là người cầm quyền luôn luôn bị người dân theo dõi, soi mói, kiểm soát cho nên không thể nói dối tất cả mọi người mãi mãi được.

Chế độ chính trị ảnh hưởng đến phong hóa, đến tánh tình người dân. Trong những chế độ dân chủ tự do, mọi người bình đẳng trước luật pháp nghiêm minh, người ta tập được tính thật thà, vì cuối cùng sống gian dối không có lợi bằng thành thật. Trong đời sống kinh tế tự do cạnh tranh, những người bán hàng gian dối, làm hàng giả, hàng xấu, thế nào sau cũng bị mất khách.

Trong đời sống chính trị thì các đảng phái tự do tranh cử cuối cùng họ cũng thấy nói dối dân thì về lâu về dài sẽ khó được dân tin, cuối cùng gian dối quá sẽ bất lợi. Tự do báo chí, tự do lập đảng, lập hội, tự do ứng cử, tranh cử, tất cả những định chế đó buộc những người làm chính trị phải chọn đường lối thành thật. Cũng như nhà buôn vậy, nhà chính trị thấy về lâu về dài thì hãy cứ tin: “Thật thà là cha quỷ quái”.

Những ai đã sống qua hai loại chế độ, dân chủ và độc tài, thì nghiệm ra ngay rằng khi được sống tự do con người cũng dễ trở thành lương thiện hơn. Một chế độ độc tài tự nó đã phải nói dối. Chế độ đó nói toàn những lời hoa mỹ, huênh hoang, nhưng trong thực tế thì toàn là tham ô, tàn bạo và dối trá, cho nên nó làm gương cho mọi người, từ các trẻ em trở lên. Sống trong một chế độ như vậy làm sao người ta tập được thói quen thành thật? Không phải ai cũng trở thành gian dối khi phải sống trong chế độ độc tài, nhưng nghe nói dối mãi thì rất dễ tập được thói quen gian dối.

Khi tới đất Phần Lan, nhìn nếp sống hồn hậu của người dân ở đây, chúng ta càng thấy nhu cầu phải dân chủ hóa nước Việt Nam chúng ta. Vì chỉ khi nào người mình được sống tự do dân chủ thì nước mình mới có cơ hội bắt đầu phục hồi phong hóa, đạo lý của tiền nhân. Sống dân chủ tự do rồi, hy vọng trong vòng một thế hệ cả nước sẽ coi cách sống thật thà, lương thiện là một tính tự nhiên, ai cũng sống như vậy. Chứ còn như bây giờ, rất khó làm thống kê về tình trạng kinh tế lên xuống ở Việt Nam bằng cách giả bộ đánh rơi bóp ở ngoài đường xem bao nhiêu người đem trả lại. Chắc chắn sẽ có, nhưng rất ít. Nhiều người nghèo có thể mang trả, nhưng người giầu có khi lại giữ lấy làm kỷ niệm!

Ngô Nhân Dụng