mercredi 28 décembre 2011

Cuộc sống người lao động ăn lương


Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2011-12-27

Mặc dù Nhà nước đã cho tăng lương tối thiểu cách nay 2 tháng, nhưng phần lớn công nhân Việt Nam cho biết họ vẫn sống rất chật vật, túng thiếu.
AFP photo
Các bạn trẻ tìm việc tại một Trung tâm giới thiệu việc làm ở TPHCM

Đây là câu chuyện dài được báo chí cho là “vui ít, buồn nhiều” mỗi khi có đợt tăng lương. Vì sao lại có sự mâu thuẫn ấy?  Và người lao động thu nhập thấp có phản ứng ra sao?

Thắt lưng, buộc bụng…

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy hiện có tới gần 49% người lao động Việt Nam có thu nhập thấp, nên hầu hết đều phải là thêm việc, thêm giờ, hoặc đành phải sống thắt lưng, buộc bụng.
Mức thu nhập trung bình của công nhân lao động đạt trên dưới hai triệu đồng một tháng, bao gồm các loại phụ cấp tiền nhà trọ, tiền xăng.
Nhưng với tỷ lệ lạm phát tăng vọt, gía cả, hàng hóa, dịch vụ leo thang, cuộc sống của giới lao động không những không được cải thiện, mà còn eo hẹp, chật vật, điều kiện sống thấp kém hơn, cần kiệm mấy cũng khó đủ sống, khi đau yếu, bất trắc thì dễ lâm cảnh nợ nần.
Được biết, lương tối thiểu được định nghĩa là mức lương thấp nhất được sử dụng làm cơ sở để chủ nhân và công nhân thỏa thuận với nhau về tiền lương.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa cho lao động được hưởng mức lương sàn tối thiểu, mà không bị cơ quan hữu trách kiểm tra, nhắc nhở hay xử lý.
Theo khảo sát của Viện Công Nhân thì mức chi trả của doanh nghiệp cho người lao động lâu nay vẫn không đáp ứng được mức sống hàng ngày, tối thiểu của công nhân.
Với khẩu phần ăn gồm gạo, thịt rau, mắm muối thì người lao động cũng phải chi tới hơn 35 ngàn đồng, một ngày, có nghĩa là mỗi tháng người lao động phải cần trên một triệu đồng để chỉ lo miếng ăn.
Nói cách khác là đồng lương khó nuôi sống bản thân người lao động chứ chưa nói đến những người khác trong gia đình.
Báo Lao Động cho biết, lương tối thiểu của người lao động Việt Nam còn rất xa mức sống tối thiểu, cho dù trong vòng 10 năm qua lương tối thiểu đã được điều chỉnh tăng 7 lần, nhưng vẫn “hụt hơi” so với cuộc chạy đua với lạm phát.

Vai trò của Nhà nước

000_Hkg4060360-250.jpg
Công nhân sơn lại một cây cầu qua sông Hồng tại Hà Nội vào ngày 24 tháng 9, 2010. AFP photo

Giải thích về chuyện lương bổng của người lao động Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế tại Hà Nội nhấn mạnh:
“Tới đây chính phủ sẽ có các biện pháp cải cách mạnh mẽ, có hiệu quả để cho khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng năng suất lao động thì sẽ có tăng lương.
Chỉ có thể tăng lương dựa trên tăng năng suất lao động, thì tăng lương mới có bền vững, kế đó là phải kiềm chế lạm phát, nếu không thì lương tăng không đủ cho sự thiệt thòi của người dân, phải chịu đựng mức tăng giá, như thế mới có thể giải quyết được vấn đề tiền lương, một cách cân bằng, ổn định và bền vững.
Tình hình thu nhập của người dân Việt Nam đã bị giảm sút đáng kể do yếu tố lạm phát, năm 2011 dự kiến lạm phát sẽ vào khoảng 18, 19%, như vậy đó là một thứ thuế vô hình đánh vào tất cả những người nào dùng tiền Việt Nam, vì đồng tiền mất giá trên dưới 19%, và mức tăng lương sẽ phải bù đắp cho đủ cái sự giảm sút đó.”
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh khẳng định rằng muốn bảo đảm được mức sống tối thiểu của hàng chục triệu lao động khắp nước thì chính phủ cần sớm giải quyết nguyên tắc cơ bản, chứ không phải là cách bù đắp hay chấp vá tạm thời:
“Chỉ có thể khắc phục được một cách cơ bản là cải cách biên chế, cách quản lý của nhà nước; tức là dựa trên hiệu quả công việc, mà không cần có điều kiện gì.
Phải khắc phục tình trạng rất là phổ biến trong hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây, trả lương giả vờ thì cũng làm việc giả vờ và đấy là một việc làm tha hóa con người.
Người Việt Nam yêu lao động, cần cù nhưng nếu hệ thống tiền lương, động lực vật chất không phù hợp, thì có thể dẫn đến chuyện con người giả vờ làm việc, lãnh lương giả vờ, điều ấy là một bi kịch mà chúng ta phải chấm dứt.”
Theo những người lao động ăn lương ở Việt Nam thì việc nhà nước xem xét tăng lương không phải là để chạy đuổi kịp vật giá, quy định mức lương tối thiểu không thể đáp ứng được mức sống tối thiểu của công nhân.
Trước tình trạng này, người lao động mong mỏi các cơ quản quản lý thị trường, giá cả áp dụng chặt chẽ các biện pháp ngăn chặn việc tăng giá bất hợp lý tránh chuyện lương chưa tăng mà vật giá đã leo thang gấp bội.

Người lao động nói gì?

Nói về chuyện đồng lương eo hẹp mà mình nhận lãnh để sống qua ngày, trước ảnh hưởng của cơn bảo giá, cô Mai, một công nhân ngành dệt may ở Bình Dương giải thích:
“Nói chung tăng lương chỉ đỡ một phần nào thôi, với điều kiện là giá bên ngoài phải bình ổn. Ở đây, nhà nước cũng đã cho bình ổn giá một số mặt hàng, số khác là do thị trường tự do, trôi nổi, nên không bình ổn.
000_Hkg4285787-250.jpg
Công nhân lao động ăn sáng trên vỉa hè Hà Nội ngày 17 tháng 11 năm 2010. AFP photo

Dù lương tối thiểu tăng được chút ít nên cuộc sống cũng đỡ hơn, bây giờ còn đang chờ luật tăng lương ra đời, mới dự kiến thôi. Đối với tư nhân từ qua đầu năm mới áp dụng, để điều chỉnh mức lương cho lao động, ngoài quốc doanh.” 
Như bao lao động khác trong nước, cô lo lắng rồi đây năm mới, hàng hóa nhu yếu cũng sẽ được bán ra với giá mới:
“Một số mặt hàng như xăng, dầu, gas đang được bình ổn, nhưng dường như sang năm, điện, nước sẽ được điều chỉnh, tăng giá lên, hy vọng lương cũng sẽ nhích lên chút ít, chứ lao động thì chắc chịu không nỗi.”
Một khi đồng lương không theo kịp vật giá, không bảo đảm mức sống tối thiểu của bản thân thì người lao động phải xoay sở ra sao, chị Mai kể tiếp:
“Mình ráng mà làm thêm một, hai nơi nữa thôi, chứ làm một chỗ, sống không nổi thì phải chạy làm thêm, cho có đồng lương khả dĩ, chút xíu.
Tiền lương làm ra chỉ đủ một người ăn thôi, chứ không nói là nuôi được ai khác, nhất định mình phải làm thêm việc để kiếm thêm thu nhập.”
Khi góp ý về vấn đề vật giá và lương bổng của người lao động, ông Mai Khắc Đồng, một đảng viên, chuyên viên ngành dược phẩm ở Hà Tĩnh cho rằng nguyên nhân chủ yếu tạo nên bao bất cập trong xã hội, đó là sự thiếu tôn trọng luật pháp và việc quản lý chính sách không chặt chẽ:
“Muốn giải quyết được vấn đề tăng lương, trước hết là phải kiềm chế được lạm phát, tức là khi tăng lương thì giá thành các mặt hàng khác không được tăng theo. Bây giờ, mới nhút nhích tăng lương thì bao nhiêu cái khác đã tăng giá rồi.
Có rất nhiều vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động, người ta nói rất nhiều, là đã có pháp luật rồi, nhưng thực tế, văn bản pháp luật không làm được gì cả, không giúp ích gì cho người lao động, việc chế tài, xử lý không đủ mạnh.
Người thi hành pháp luật, lại không làm theo công tâm của mình, cuối cùng lao động là người chịu thiệt thòi nhất. Lên lương được mấy trăm nghìn đồng, trong lúc đó, lại kéo theo lạm phát, người lao động phải chịu bao nhiêu thứ, như tiền thuê nhà, điện, nước tất cả đều tăng theo.
Nhà nước không quản lý được những cái đấy, huống hồ gì rau cỏ ngoài thị trường, trôi nổi, tất nhiên phải tăng giá rồi, vì cơ chế quản lý của nhà nước còn quá lỏng lẻo.”    
Kết quả một cuộc khảo sát về lương bổng mới đây của cơ quan chuyên môn quốc tế cho thấy lương tối thiểu của người lao động Việt Nam chỉ từ 4.000 đến 4.500 đồng, một giờ, tương đương với hơn 2,75 xu Mỹ, trong khu vực EU, đạt gần 5,35 đôla, một giờ, tức gấp 20 lần, khu vực ASEAN đạt 75 xu Mỹ, một giờ, gấp gần 3 lần.
Các số liệu cụ thể này chứng tỏ là doanh nghiệp Việt Nam trả lương công nhân quá thấp. Thu nhập của họ chỉ đáp ứng được phân nữa hoặc 2/3 nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống.