jeudi 15 décembre 2011

Dân làng tỉnh Quảng Đông đòi nợ máu

Cập nhật: 12:02 GMT - thứ tư, 14 tháng 12, 2011


Các cuộc biểu tình mới đây bùng lên sau cái chết của một người dân làng bị giới chức giam giữ.

Một cuộc đối đầu không lui bước giữa dân làng và giới chức vẫn đang tiếp diễn tại một xã ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.
Cảnh sát đã chặn các con phố dẫn tới làng Ô Khảm. Dân địa phương đang tìm cách không để cảnh sát vào bên trong.
Cuộc tranh cãi quanh chuyện đất đai của làng bị giới chức địa phương thu hồi đã âm ỉ từ lâu nay. Mấy hôm trước, một làn sóng biểu tình mới đã nổ ra sau khi một người dân làng bị chết trong lúc đang bị cảnh sát tạm giữ.
Hiện không mấy dễ dàng lấy được thông tin về những gì đang xảy ra bên trong khu vực. Một quan chức địa phương lên tiếng bác bỏ chuyện đang có vấn đề tại nơi này.
Tuy nhiên, có vẻ như người dân làng đã tiến hành một loạt các vụ biểu tình trong những ngày gần đây, với sự tham gia của hàng trăm người.
Một đoạn  video quay cảnh biểu tình rồi được tải lên mạng internet cho thấy những người biểu tình giận dữ hô vang các câu như "Giết hết quan chức tham nhũng".
Một người đàn ông nói với BBC: "Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến tới cùng."
Theo phóng viên của báo Anh, tờ Daily Telegraph lẻn được vào làng, người dân đem biểu ngữ và hô các khẩu hiệu đòi quan chức trả nợ máu (Huyết trái, huyết hoàn).
Phóng viên Mark Moore cho hay mọi quan chức chính quyền xã và công an đã bỏ chạy khỏi khu làng.

Việc biểu tình liên quan tới tranh chấp đất đai ở nông thôn
 Trung Quốc không phải là điều hiếm hoi trong những năm qua.

"Canh gác khu làng"
Cuộc tranh cãi với giới chức có nguồn gốc sâu xa. Người dân làng nói giới chức địa phương từ lâu nay đã thu đất và không trả tiền bồi thường thỏa đáng.
Để bày tỏ thái độ tức giận, họ đã biểu tình hồi tháng Chín.
Trong cuộc biểu tình đó, họ đã đập tan bức tường được xây quanh khu đất bị thu hồi để phát triển dự án, và xông vào lục soát các văn phòng chính quyền.
Vụ bạo động mới nhất bùng lên từ vụ Tiết Cẩm Ba, một người dân làng và là người đại diện của làng, chết trong lúc bị bắt giữ.
Chính quyền đã tạm giam ông cùng một nhóm những người khác hồi tuần trước và nói ông là một nghi phạm hình sự bị bắt giữ do có liên quan tới các vụ biểu tình hồi tháng Chín.
Hôm thứ Hai, giới chức tuyên bố ông đã chết do "ốm bệnh đột ngột" vào ngày thứ ba kể từ khi bị bắt giam.
Chính quyền thành phố Lộc Phong đơn vị hành chính cấp trên của Ô Khảm, nói rằng ông đã được đưa tới bệnh viện nhưng các bác sỹ không cứu chữa nổi.
Trong một tuyên bố, chính quyền nói ông chết sau khi có vấn đề về bệnh tim và "các nguyên do khác tạm thời đã bị loại trừ".
Một bản phúc trình chính thức về cái chết của ông đã bác bỏ các gợi ý theo đó nói ông Tiết đã bị "cảnh sát đánh đập tới chết", Tân Hoa Xã đưa tin.
Nhóm xét nghiệm của nhà nước nói họ đã không tìm thấy "bất kỳ vết thương nghiêm trọng nào" trên cơ thể người chết, trừ một số vết bầm dập trên cổ tay và đầu gối.


Già trẻ lớn bé ở làng Ô Khảm quyết đòi chính quyền phải trừng trị kẻ gây ra cái chết của ông Tiết
Một chuyên gia tham gia viết bản phúc trình nói: "Chúng tôi chỉ thấy còng tay đã để lại dấu vết trên cổ tay của ông ấy, và đầu gối bị bầm tím nhẹ khi ông ấy quỳ xuống."
Tuy nhiên, dân làng vẫn đặt câu hỏi về nguyên nhân cái chết, và muốn được trả xác, điều mà họ nói là chính quyền địa phương khước từ.
Con rể của người quá cố, anh Cao, cũng là người làng, nói: "Chẳng có văn bản pháp luật nào nói ông ấy không được về nhà."
Anh nói những người biểu tình sẽ không lui bước.
Anh nói: "Dân làng đã canh gác khu làng và chặn không cho cảnh sát vào trong."
Trịnh Nhạn Hùng, bí thư đảng ủy huyện Sán Vĩ, đã kêu gọi chấm dứt biểu tình trong một bài báo của Tân Hoa Xã.
Ông nói: "Chính quyền sẽ nỗ lực xử lý toàn bộ các vấn đề liên quan và hy vọng rằng ngôi làng sẽ không làm dấy lên những cuộc bạo động thêm nữa."
Các cuộc xung đột liên quan tới đất đai không phải là điều hiếm hoi ở vùng nông thôn Trung Quốc.
Được biết mỗi năm thường xảy ra hàng chục ngàn vụ như vậy.
Nhưng vụ tranh cãi mới nhất này có vẻ như là vụ lớn hơn so với các vụ khác, với mức độ cũng chăng thẳng hơn. Người dân địa phương nay tỏ thái độ sẵn sàng đương đầu với giới chức.