vendredi 19 avril 2013

Vì sao sắp có một liên minh chính trị ở Việt Nam



Thanh Hương - Tác giả gửi tới Dân Luận

Sau Hội nghị Trung ương 6 hồi 6 tháng trước, tôi đã cảnh báo cho ông Nguyễn Phú Trọng trong bài “Hành động tự sát của bác Nguyễn Phú Trọng”. Nhưng ông Trọng đã tiếp tục những sai lầm ấu trĩ chết người. Lúc đó tôi đã nói rằng nếu ông Trọng không biết dựa vào dân trong cuộc chiến với ông Dũng thì chắc chắn ông sẽ thất bại và còn bị trả thù. Ấy vậy mà ông không những không đứng về phía nhân dân mà còn tuyên chiến với nhân dân một cách ngớ ngẩn. Thay vì bảo vệ các quyền tự do tư tưởng, ngôn luận để nhân dân chống tham nhũng, suy thoái thì ông lại lên mặt kẻ cả mắng nhiếc dân là suy thoái và đòi xử lý dân. Do vậy thay vì dựa vào dân để hạ bệ Nguyễn Tấn Dũng thì bây giờ người mà dân muốn loại bỏ nhất chính là ông. Ông không chỉ mắng nhiếc, doạ nạt dân mà còn sử dụng hết công suất bộ máy tuyên truyền để nói và viết những điều thể hiện các ông coi dân như những kẻ ngu dốt không biết gì. Các ông cổ suý cho những thứ trái với chân lý, đạo lý và cả những giáo điều của Hồ Chí Minh mà các ông tôn thờ và học tập. Nhưng đúng như Trần Huỳnh Duy Thức đã nói: “Ai coi thường nhân dân, nghĩ dân không hiểu biết nên muốn nói gì cũng được thì chắc chắn sẽ phải trả giá”, những lực lượng trong Đảng trước đây muốn Nguyễn Tấn Dũng phải ra đi thì bây giờ đang chĩa mũi tấn công vào Nguyễn Phú Trọng. Ông ta còn sai lầm nghiêm trọng về mặt chiến thuật khi hướng sự quan tâm của dư luận từ sự bức xúc về chống tham nhũng và suy thoái kinh tế sang những sự bức bách căng thẳng trước sự áp đặt thô bạo đối với các quan điểm sửa đổi hiến pháp. Vô tình Nguyễn Phú Trọng đã cho Nguyễn Tấn Dũng một khoảng thời gian lặng sóng thật đáng giá để xoay sở tình thế và có được đối sách hiệu quả.

Nguyễn Tấn Dũng dù đã lộ rõ là một thủ tướng tồi đã phá nát nền kinh tế và làm cho tham nhũng trở nên nghiêm trọng nhất nhưng vẫn chứng tỏ là một kẻ thừa thủ đoạn chính trị và sẵn sàng trở cờ để xoay chuyển tình thế có lợi cho mình. Sau 4 năm dựa vào Trung Quốc từ vụ bauxite Tây Nguyên để có tiền chống sự sụp đổ kinh tế nhanh chóng (nhưng kéo dài làm nó càng bệnh nặng hơn lệ thuộc hơn) thì nay ông ta xoay qua tìm cách dựa vào Mỹ và các đồng minh Đông bắc Á của nước này. Nhận định của ông Nguyễn Xuân Ngãi trong bài viết “Khả năng xuất hiện bước ngoặt chính trị ở Việt Nam” đang diễn ra đúng như vậy. Nếu trước đây Nguyễn Tấn Dũng phải dùng bauxite và sự tước đoạt các quyền tự do của nhân dân Việt Nam để trao đổi với Trung Quốc thì bây giờ tù nhân chính trị và sự đảm bảo quyền con người cho nhân dân Việt Nam trở thành những giá trị mà Nguyễn Tấn Dũng đem ra mặc cả với Mỹ. Một trong những điều kiện tiên quyết cho cuộc đối thoại nhân quyền đáng lẽ diễn ra vào tháng 12 năm ngoái giữa Mỹ và Việt Nam là phải trả tự do cho luật sưLê Công Định. Nhưng lúc đó Việt Nam tỏ ra rất cứng rắn và không khoan nhượng. Tuy nhiên tình thế sau đó chuyển biến rất nhanh đã không cho phép Việt Nam có lựa chọn khác, phải thả Lê Công Định vào đầu tháng 2 và nối lại các cuộc trao đổi tiền đối thoại với Mỹ. Sau khi đã thống nhất được chương trình nghị sự cho cuộc đối thoại này, nó được xác định diễn ra vào 12/4/2013 tại Hà Nội. Mấy ngày qua nó đã tiến triển rất thuận lợi đến mức phía Mỹ cũng cảm thấy bất ngờ. Điều này làm cho cánh của Nguyễn Phú Trọng cảm thấy thời thế tuột khỏi tầm tay nên phải làm điều gì đó. Kết quả dẫn đến sự ngăn cản một cách lén lút Trưởng đoàn đối thoại nhân quyền phía Mỹ (Dan Baer) gặp luật sư Nguyễn Văn Đài và bác sĩ Phạm Hồng Sơn. Đây là những cuộc gặp mà phía Việt Nam đã không phản đối trên bàn ngoại giao. Dan Baer muốn thể hiện thông điệp rằng Mỹ đang muốn thúc đẩy sự phát triển của các lực lượng đối lập ở Việt Nam để sẵn sàng cho thế cuộc thay đổi mạnh mẽ sắp tới. Trước khi Dan Baer ra Hà Nội để đối thoại nhân quyền, ông ta đã ghé Sài Gòn và dự định gặp luật sư Lê Công Định nhưng cũng đã bị ngăn cản. Tuy nhiên những hoạt động như thế này tại Việt Nam sẽ được các quan chức ngoại giao Mỹ tăng cường mạnh mẽ trong thời gian tới. Đòi hỏi Việt Nam phải tôn trọng và không được sách nhiễu những cuộc gặp như thế là một kết quả mà cuộc đối thoại nhân quyền vừa rồi đã đạt được. Chính vì thế mà cánh bảo thủ dưới quyền Nguyễn Phú Trọng đã muốn chứng tỏ cho Mỹ thấy rằng thực tế không dễ dàng diễn ra như vậy và ai đang là người có thể điều khiển an ninh Việt Nam. Tuy nhiên đây tiếp tục là một nước cờ sai lầm của Nguyễn Phú Trọng và sẽ được đưa ra xem xét trách nhiệm trong một cuộc họp Bộ Chính Trị sắp tới.

Việt Nam đang đứng trước một tình thế gần như “ngàn cân treo sợi tóc” về kinh tế, xã hội lẫn quốc phòng. Một hành động phá hoại kiểu như vậy có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng tức thì. Bộ ngoại giao Mỹ đã chính thức lên tiếng gay gắt về hành động này và yêu cầu Việt Nam tôn trọng những cam kết. Qua đó họ cũng biểu lộ rằng họ sẽ tạm ngưng thực hiện những cam kết về phía họ đến khi nào Việt Nam tỏ rõ thiện chí.

Ông Trương Tấn Sang cũng đã không còn mặn mà với ông Trọng trong việc liên kết hạ bệ ông Dũng. Ông Sang cũng đang thể hiện thái độ không phụ thuộc Trung Quốc khiến Nguyễn Phú Trọng trở nên chơi vơi.

Cũng trong trong bài "Hành động tự sát của bác Nguyễn Phú Trọng”, tôi đã viết:

"Cần nỗ lực bảo vệ những lực lượng dân chủ và cả những doanh nghiệp tư nhân thành đạt. Chắc chắn Nguyễn Tấn Dũng sẽ tập trung vào lực lượng này trước để tiêu diệt họ nhằm tận diệt mọi khả năng liên kết của các bác. Nhưng đến lúc cần thì Nguyễn Tấn Dũng sẽ thả tù nhân lương tâm sau khi đã đạt được sự mặc cả, rồi trở thành nhân vật cải cách vĩ đại. Người dân đối với Nguyễn Tấn Dũng chỉ là những món đồ để phục vụ cho tham vọng điên cuông của ông ta mà thôi."

Tôi cũng cho ông Trọng lời khuyên:

"Liên kết mạnh mẽ với các lực lượng tiến bộ trong và ngoài Đảng để hình thành nên một lực lượng chính trị thực sự đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Đừng mơ hồ hão huyền sẽ trong sạch hóa bộ máy lãnh đạo đang tha hóa, thối nát nhanh chóng hơn bao giờ hết. Bác không còn đủ thời gian và tài cán để làm việc đó trước khi chúng đè bẹp và nghiền nát bác. Đừng ảo tưởng vào sự trong sạch của mình sẽ giúp bác làm được như vậy. Thanh liêm chẳng có chút gía trị nào trong cái chiến trường đầy sâu giòi mà bác đang dựa vào Đảng để chiến đấu. Thanh liêm chỉ có giá trị đối với quảng đại quần chúng."

Nhưng thật trớ trêu, người sử dụng những lời khuyên và cảnh báo này lại chính là Nguyễn Tấn Dũng. Cuộc chiến chống tham nhũng đang moi móc chính cá nhân của ông Trọng. Và sắp tới đây Nguyễn Tấn Dũng sẽ thúc đẩy một liên minh chính trị như đã có tin đồn vào cuối năm ngoái.





Tình trạng hiện nay là cái mà Trần Huỳnh Duy Thức đã dự báo chính xác nhiêu năm trước và khẳng định rằng đất nước này chỉ có một con đường duy nhất là phải hình thành được một lực lượng chính trị dân tộc yêu nước thì mới tránh được họa bị thôn tính. Lực lượng này phải là sự kết hợp, hòa hợp giữa những người Cộng sản và không Cộng sản, đặc biệt là phải có sự tham gia của những trí thức ưu tú không đảng phái. Anh Thức phân tích kỹ và nhấn mạnh rằng bất kỳ sự loại trừ nào dành cho Cộng sản hoặc không Cộng sản đều sẽ dẫn đến sự suy yếu và thất bại của cả dân tộc chứ không riêng một đảng phái hay ý thức hệ nào. Sau 4 năm bắt và cầm tù anh, các lãnh đạo trong Bộ Chính trị mới nhìn ra được thực tế hiện nay và thấy rằng không còn con đường nào khác. Trừ cánh bảo thủ và thần phục Đại Hán của Nguyễn Phú Trọng là còn tin rằng tự thân Đảng Cộng sản Việt Nam có thể chỉnh đốn được. Nhưng các ông Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng có cách tiếp cận về việc hình thành liên minh chính trị khác nhau và đang chạy đua để giành lợi thế.

Chủ Tịch Nước vừa truy tặng huân chương Sao Vàng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng – một biểu tượng của nhân sĩ trí thức ưu tú không đảng phái nhưng ủng hộ và liên minh với Đảng Cộng sản trong Quốc hội và Chính phủ. Cụ đã mất 66 năm rồi, giá trị gì khiến người ta trao tặng loại huân chương cao quý nhất của chế độ cho cụ vào lúc này? Trong bài phát biểu biểu dương cụ, ông Sang đã nhắc lại công ơn của cụ trong việc cùng với cụ Phan Chu Trinh khởi xướng phong trào Duy Tân vì quyền con người với phương châm "Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh" - một triết lý được tiếp nối và phát triển bởi phong trào Con đường Việt Nam ngày nay. Trong hai ba tháng qua, ông Sang cũng thể hiện những quan điểm tiến bộ trong việc sửa Hiến pháp thông qua những buổi nói chuyện với các nhóm nhân sĩ, giới trí thức. Nhưng bộ máy tuyên truyền của Đảng đã không đứng về phía ông. Còn an ninh thì làm mọi cách ngăn cản những quan điểm này tiếp cận được với quảng đại quần chúng. Ông Trương Tấn Sang muốn quyền lực của Chủ Tịch Nước được tăng lên mạnh sau lần sửa đổi hiến pháp này, đồng thời mở rộng Quốc hội cũng như Chính phủ cho những nhân sĩ trí thức ngoài Đảng tham gia rộng rãi. Ông tin rằng cách này sẽ giúp ông và những người cộng sản cấp tiến kiểm soát được Đảng Cộng sản Việt Nam và tạo thành liên minh với các thành phần phi đảng phái. Nhờ vậy sẽ loại bỏ được các lực lượng cơ hội, thoái hóa trong Đảng. Có vẻ như ông đang đi theo sách lược của Hồ Chí Minh thời mới lập chính quyền, tạo ra một Chủ Tịch Nước có thực quyền và một liên minh dân tộc theo kiểu Việt Minh. Dù có được uy tín cá nhân cao hơn hẳn các ủy viên Bộ Chính trị khác, nhưng lại không có được những lực lượng cụ thể trong tay nên con đường của Trương Tấn Sang đang diễn ra rất khó khăn. Đáng tiếc là ông vẫn chưa biết dựa vào nhân dân để tạo nên sức mạnh.

Trong khi đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại tỏ ra là kẻ thức thời, biết lợi dụng sức mạnh của nhân dân. Sau lần thoát hiểm ở hội nghị trung ương 6, ông đã hiểu rất rõ rằng cuộc chiến trong nội bộ Đảng sẽ là một mất một còn đối với ông. Còn đối với nhân dân, ông đã không còn chút uy tín nào và bị oan thán đến tột cùng. Nguyễn Tấn Dũng có vẻ đã nhận ra rằng con đường sống duy nhất và an toàn lâu dài cho ông và gia đình là phải biết “dựa vào dân”. Trong cuộc tranh đấu giữa lề dân và lề đảng về sửa đổi hiến pháp, Nguyễn Tấn Dũng đã hoàn toàn đứng ngoài. Nếu trước đây vài tháng ông là mục tiêu công phá chính của báo lề dân khi hội nghị trung ương 6 đang diễn ra thì lần này Nguyễn Phú Trọng đã tự thế vào chỗ này. Trong lúc đó Nguyễn Tấn Dũng bình yên để chỉ đạo những thay đổi nhằm lấy lòng dân ở những chỗ gây nhiều bức xúc như phạt xe không chính chủ hay bãi bỏ việc ghi tên cha mẹ trong chứng minh thư. Dù không có khả năng để vực dậy được nền kinh tế nhưng ông dồn hết mọi nguồn lực có thể để làm cho nó không bị sụp đổ nghiêm trọng trong năm nay. Cách thức này kéo dài sẽ gây ra những hệ lụy ghê gớm nhưng ông không còn cách nào khác. Nguyễn Tấn Dũng cần một khoảng thời gian không dậy sóng. Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng cũng thừa hiểu rằng nó đã và sẽ không còn là tấm bình phong an toàn cho ông và phe cánh thân hữu. Bản tính cơ hội làm cho lực lượng này thực chất chẳng bị ràng buộc tình cảm gì với ý thức hệ cộng sản của Mác – Lê Nin hay mỹ từ xã hội chủ nghĩa. Tất cả chỉ là những tấm bình phong sẵn sàng bị vứt bỏ và thay thế khi không còn hữu dụng với cá nhân nữa. Nếu không thể trở thành tổng thống trong một thiết chế dân chủ cộng hòa thì tối thiểu cũng phải được ghi công to lớn trong cuộc “chuyển đổi vĩ đại” này để được nhân dân bỏ qua cho những sai trái tội lỗi là mục tiêu chiến lược mà Nguyễn Tấn Dũng đang hướng đến.

Cơ hội đến với Nguyễn Tấn Dũng khi phong trào đòi Quyền Con Người và ý thức làm chủ đất nước của nhân dân đang liên tục dâng cao. Đặc biệt trong việc đòi quyền phúc quyết và xóa bỏ điều 4 hiến pháp vừa rồi. Thật bất ngờ, khi các tuyên truyền viên được trang bị những bằng cấp, học hàm tiến sĩ, giáo sư cùng với rất nhiều phát thanh viên, biên tập viên truyền hình, truyền thanh xinh đẹp đang mở hết công suất cổ súy cho những giáo điều của Nguyễn Phú Trọng thì Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Chính phủ đưa ra thông điệp: Quyền lập hiến thuộc về nhân dân. Đơn giản nhưng lại phủ định tất cả giáo điều sai trái trên. Trong bài viết “Thời cơ quyết định đã đến” tôi đã phân tích răng sự tập trung vào mục tiêu Quyền Con Người và đòi hỏi quyền phúc quyết hiến pháp là giải pháp chiến lược trong giai đoạn hiện nay. Tiếc rằng rất ít các tổ chức đấu tranh dân chủ quan tâm đến chiến lược này. Trong khi đó Nguyễn Tấn Dũng đã khai thác nó rất tốt. Dù uy tín đã xuống rất thấp nhưng vẫn còn chi phối được nhiều lực lượng sức mạnh nên Nguyễn Tấn Dũng đã nhanh chóng ngăn chặn được xu hướng áp đặt sai trái lên hiến pháp của Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Sinh Hùng. Nhưng thực ra, Nguyễn Tấn Dũng làm được là nhờ đã nương theo được xu thế và sức mạnh của sự hợp lòng dân về hiến pháp. Trong khi những ông trùm giáo điều bảo thủ đang hí hửng với hàng "chục triệu ý kiến đồng ý của nhân dân" về bản dự thảo hiến pháp của Đảng thì một làn sóng ngầm nổi lên mạnh mẽ từ những cuộc họp chi bộ phường, xã, khu phố thể hiện sự bất mãn vì hành động coi thường nhân dân trong cách thu thập "ý kiến đồng ý" như vậy. Thái độ này làm cho lực lượng Nguyễn Phú Trọng choáng váng. Trong khi đó những quan điểm bị lực lượng này cho là sai trái thì lại đang được tiếp thu để điều chỉnh ra một bản dự thảo mới. Điều 4 cũng sẽ bị thay đổi. Hội nghị trung ương 7 sẽ quyết định vấn đề này vào đầu tháng 5. Lần đầu tiên có sự bất đồng thuận giữa các phe cánh trong Đảng Cộng sản Việt Nam về điều 4 nói riêng và cả Hiến pháp nói chung. Mà lại chia rẽ rất sâu sắc. Việc đổi tên nước không chỉ đơn giản là đổi tên. Nó có thể dẫn đến việc thay đổi chính thể theo kiểu của Hiến pháp 1946 hoặc một chế độ cộng hòa tổng thống theo ý muốn của các phe cánh. Điều 4 “thiêng liêng” của Đảng Cộng sản rất có thể sẽ phải thay đổi theo kiểu như Myanmar, duy trì một số đặc quyền nào đó cho Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng phải chấp nhận sự hoạt động hợp pháp của các chính đảng khác. Trương Tấn Sang hy vọng mô hình này sẽ trao cho ông ta chức Chủ Tịch Nước nó có đủ quyền lực để chi phối cả Đảng Cộng sản Việt Nam nhờ sự ủng hộ của các lực lượng phi đảng phái. Còn Nguyễn Tấn Dũng thì muốn trở thành một “Thein Sein” sau một cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên. Nó sẽ được dàn xếp để đảm bảo thắng lợi cho một đảng mới là liên minh của các lực lượng trung thành vời Nguyễn Tấn Dũng trong Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay và những lực lượng mới ngoài đảng này. Nguyễn Tấn Dũng thừa hiểu bị dân oán thán đến thế nào, nên cho dù có thể hiện là người thúc đẩy cho những cải cách chính trị mạnh mẽ sắp tới thì ông ta cũng không thể tự bảo đảm cho mình một thắng lợi từ các lá phiếu của dân. Do vậy việc hình thành nên một liên minh như trên là rất thiết yếu đối với chiến lược của ông ta hiện nay. Sử dụng một số tù nhân chính trị nổi bật có thể tạo ra niềm tin và kỳ vọng mới từ nhân dân là sách lược mà Nguyễn Tấn Dũng và bộ sậu của ông đang tính tới. Đây chính là động lực thúc đẩy nối lại cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ. Giới hành pháp Mỹ lầu nay rất sốt ruột muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam lên tầm đối tác chiến lược để thực hiện chiến lược đắp chặn (contaiment policy) Trung Quốc. Tuy nhiên họ không vượt qua được rào cản của giới lập pháp Mỹ về những thành tích nhân quyền yếu kém của Việt Nam. Hơn nữa bản thân Obama là một Tổng thống không dễ dàng hạ thấp tiêu chuẩn nhân quyền.

Do đó thả tù chính trị để chứng tỏ một biểu hiện rõ rệt về thiện chí cải thiện quyền tự do ngôn luận, tôn giáo ở Việt Nam là một đòi hỏi mạnh mẽ từ phía Mỹ đối với cuộc đối thoại nhân quyền. Điều này trước đây là rào cản nhưng bây giờ trở thành động lực của phe cánh Nguyễn Tấn Dũng cho nên nó đã trở thành kết quả của đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ hôm 12/4 vừa rồi. Qua đó phía Việt Nam thừa nhận rằng Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích hơn khi thực hiện những cải thiện nhân quyền như nói trên, chứ không phải là tai hại. Phía Việt Nam cũng ghi nhận yêu cầu của phía Mỹ để trình lên các cấp cao hơn để có thể đi đến được những thoả thuận cam kết ở cấp cao nhất về chủ đề này. Nếu việc này diễn ra tốt đẹp thì tổng thống Obama sẽ tiếp đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ vào tháng 6 tới để nâng tầm đối tác chiến lược giữa 2 nước. Trước chuyến thăm (cũng có thể là sau) sẽ có một sự kiện thả các tù nhân chính trị rất ấn tượng ở Việt Nam. Trường hợp tù nhân chính trị nổi bật mà phía Mỹ đặt yêu cầu trả tự do với phía Việt Nam trong đối thoại nhân quyền vừa rồi chính là Trần Huỳnh Duy Thức. Trường hợp này được ủng hộ bởi cả giới hành pháp lẫn lập pháp Mỹ. Tuy nhiên đây cũng là trường hợp gặp nhiều trở ngại vì Việt Nam cho rằng Mỹ muốn thúc đẩy một hình ảnh đối lập mạnh. Tuy vậy cũng có những điểm thuận lợi vì Trần Huỳnh Duy Thức không tham gia đảng phái nào và uy tín của anh về sách lược kinh tế cũng như tư tưởng hòa hợp, không hận thù mà anh luôn hướng tới.

Phê duyệt hay bác bỏ thực hiện những yêu cầu về nhân quyền như trên sẽ là một nghị trình chính trong hội nghị trung ương 7 sắp tới. Nghị trình này sẽ dẫn tới hệ quả là việc quyết định xu thế cải cách chính trị ở Việt Nam từ nay đến 2016 (hết nhiệm kỳ khóa XI). Chính vì vậy mà hội nghị này đã bị trì hoãn đến tháng 5 này. Hiện nay sự chống đối duy nhất đối với xu thế này đến từ lực lượng bảo thủ của Nguyễn Phú Trọng. Nhưng nó đang trở nên lẻ loi và đuối sức sau những sai lầm ấu trĩ và coi thường dân chúng về góp ý sửa hiến pháp. Hơn nữa, dù không bắt tay nhau nhưng việc cùng “hướng đến quyền con người” của Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng đã tạo ra những lợi ích chung cho cả hai thế lực này. Việt Nam cũng sẽ đối diện với "thập diện mai phục" về nhân quyền từ cộng đồng quốc tế. Quốc hội Châu Âu đã ra nghị quyết. Sắp tới sẽ là Đức, Anh, Pháp gây sức ép mạnh mẽ. Trung Quốc vẫn còn cơ hội để phá bĩnh xu hướng này nhưng cách mà Đại Hán lâu nay dùng để khống chế Việt Nam cũng giống như cách khống chế của một tay đểu cáng đối với một cô gái đã có chồng nhưng ngoại tình với hắn và bị hắn quay phim sex. Do vậy nếu Trung Quốc làm quá thì sẽ dẫn đến sụp đổ cả Đảng Cộng sản Việt Nam. Mặt khác các hậu quả về kinh tế, quốc phòng khi lệ thuộc vào Trung Quốc là điều đã trở nên quá rõ ràng mà khó ai dám liều lĩnh bán mình vào lúc này. Một yếu tố rất quan trọng khác sẽ bảo đảm cho xu thế cải cách chính trị tích cực ở Việt Nam như nói trên chính là tính quy luật của sự phát triển. Trong nhiều bài viết, tài liệu nghiên cứu, sách của Trần Huỳnh Duy Thức, anh nhiều lần nhấn mạnh rằng trong những bối cảnh chính trị tương tự như Việt Nam hiện nay, sự thay đổi sẽ diễn biến rất nhanh một khi lực lượng cơ hội phá vỡ thế cân bằng trong nội bộ của một Đảng toàn trị (như Đảng Cộng sản Việt Nam hay Liên Xô trước đây). Nguyễn Tấn Dũng không những đã phá sự cân bằng này mà còn buộc phải ủng hộ cho một xu thế tiến bộ. Đương nhiên, chỉ có những người ngây thơ mới tin vào sự thực tâm của ông ta. Nhưng một điều chắc chắn rằng cho dù là giả tạo thì sự xoay cờ của ông ấy sẽ tạo nên một thế cuộc rất đặc biệt và sẽ xuất hiện thiên thời cho những người có khả năng tính những nước cờ dài nhiều bước vì lợi ích thật sự của dân tộc.

Từ 6 năm trước Trần Huỳnh Duy Thức đã dự đoán đúng hiện trạng bây giờ của đất nước, đồng thời đưa ra giải pháp như sau: "Trong tình trạng nguy cấp hiện nay, vẫn còn một ngõ hẹp duy nhất để thoát khỏi sự thôn tính. Dùng khủng hoảng để chống khủng hoảng; dùng biến để hóa biến; dùng kẻ cơ hội để chống tham nhũng; dùng tham nhũng để chống thôn tính. Muốn làm được như vậy phải có hiền tài, nếu không làm cho Quốc hội thực sự trở thành một nơi tập hợp các hiền tài để thúc đẩy ý chí dân tộc, phát triển trí tuệ của toàn dân thì cho dù chính quyền theo thể chế chính trị nào đi nữa thì đất nước đó cũng sẽ bị thôn tính. Càng không thể đóng cửa lại mà bảo vệ chủ quyền như nhà Nguyễn đã từng làm rồi chuốc lấy thất bại." (trích MỘT NĂM SAU ĐẠI HỘI X - CẢNH BÁO NHỮNG NGUY CƠ QUỐC GIA)

Trước đây đọc đoạn này thấy ấn tượng nhưng không hiểu được làm như thế nào. Giờ thì thấy rất rõ cuộc cờ đang diễn ra không thể chính xác hơn.

Sự chống phá của các lực lượng bảo thủ, phản động đi ngược lại xu thế tiến bộ có lợi cho đất nước chắc chắn sẽ còn rất lớn và vẫn còn có thể thành công trong ngắn hạn (Hội nghị trung ương 7). Nhưng chúng cũng chắn chắn sẽ thất bại mau chóng nếu như tất cả mọi lực lượng đấu tranh vì sự phát triển dân chủ, tiến bộ, thịnh vượng cho Việt Nam biết gác lại những khác biệt để cùng hướng đến một đích nhắm chiến lược chung là Quyền Con Người. Khi cần có thể sẵn sàng hợp tác với nhau để chiến thắng sự bảo thủ, trì trệ, phản động đi ngược lại lợi ích của dân tộc.

Thanh Hương