Công ty Nga khai thác dầu khí Nam Côn Sơn
Thursday, April 18, 2013 12:12:46 PM
MOSCOW 18-4 (NV) - Đại công ty năng lượng Gazprom của Nga dự tính bắt đầu sản xuất khí đốt từ ngòai khơi biển Việt Nam từ Tháng Sáu tới đây, theo hãng tin Ria Novosti hôm Thứ Năm.
Bản đồ các lô dầu khí Việt Nam trên Biển Đông tại các khu vực Nam Côn Sơn và Tư Chính Vũng Mây. Đường vạch đứt đoạn bắc nam trên bản đồ là “Lưỡi Bò” ngang ngược tuyên bố chủ quyền của Trung quốc. (Hình: tài liệu của các ông Lê Minh Phiếu và Dương Danh Hy)
Nguồn tin thuật lời loan báo của ông Vitaly Markelov, phó tổng giám đốc điều hành công ty Gazprom như vậy và cho biết trong năm 2012, công ty này đã mua lại quyền dò tìm và khai thác tại hai lô 05-2 và 05-3 thuộc khu vực bồn trũng Nam Côn Sơn của Việt Nam.
Tại khu vực này, Việt Nam đã có nhiều mỏ dầu và khí đốt khai thác từ nhiều năm qua.
Hai mỏ khí đốt hóa lỏng đã mở tại hai lô vừa nói có tên là Mộc Tinh và Hải Thạch với trữ lượng ước tính khoảng 55.6 tỉ mét khối khí đốt và 25 triệu mét khối khí hóa lỏng.
Hai lô 05-2 và 05-3 cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 320 km.
Công ty Nga dự trù khoan 16 giếng ở độ sâu từ 2,000 mét đến 4,600 mét để khai thác. Các lô này nằm trên đường “Lưỡi Bò” mà Trung quốc ngang ngược vẽ vạch để đòi chủ quyền gần hết Biển Đông, lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực.
Tháng Tư năm ngoái, Gazprom mua lại các cổ phần mà công ty Anh quốc BP (British Petroleum) đã phải hủy bỏ vì áp lực từ Trung Quốc.
Năm 2007, BP bị áp lực của Bắc Kinh ngưng họat động tại các mỏ Hải Thạch và Mộc Tinh với số vốn đầu tư 2 tỉ USD nhưng đến năm 2009 mới chính thức rút lui. BP từng có hợp đồng giữ 75.9% cổ phần tại mỏ Hải Thạch.
Việt Nam nhiều lần tuyên bố các vùng biển phân lô dầu khí để dò tìm và khai thác trên thềm lục địa là hoàn toàn thuộc chủ quyền chính đáng của nước mình, theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS).
Khi công ty Nga Gazprom ký hợp đồng với tập đoàn dầu khí quốc doanh Petro Việt Nam, Bắc Kinh cũng đã lên tiếng phản đối, đồng thời nói “đã có biện pháp ngăn chặn.”
Ngày 11 tháng Tư, 2012, báo đảng Cộng sản Trung quốc dẫn lời Đặng Trọng Hoa, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Biên Giới và Hải Dương Trung Quốc, nói: “Chúng tôi đã chính thức phản đối và có biện pháp ngăn chặn các hành động bất hợp pháp này.”
Tại Hà Nội, phát ngôn viên Bộ Ngọai Giao CSVN nói với báo chí ngày: "Các dự án hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí hiện nay, bao gồm cả các dự án hợp tác với Gazprom, đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982."
Ông Nghị nói thêm rằng “Việt Nam hoan nghênh đối tác nước ngoài hợp tác với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trên cơ sở luật pháp Việt Nam. Việt Nam cam kết và có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của các đối tác nước ngoài làm ăn với Việt Nam."
Gazprom cũng là tập đoàn quốc doanh lớn của nước Nga. Liệu áp lực của Bắc Kinh ép được Gazprom hay không nếu đụng phải những thành phần không dễ ép.(TN)