mardi 16 avril 2013

Hơn 2.000 công nhân đình công ở Hải Phòng

Hơn 2.000 công nhân đã đình công, có người làm việc đã 2 năm nhưng chưa được đóng BHYT, BHXH, thường xuyên phải làm tăng ca, cả thứ 7, chủ nhật nhưng thu nhập bình quân không quá 3,5 triệu/tháng.
Sáng 16/4, khoảng 2.400 công nhân giầy da của nhà máy Giầy Liên Dinh 2, thuộc Công ty TNHH Đỉnh Vàng, đóng trên địa bàn phường Hải Thành (Dương Kinh, Hải Phòng) đã tổ chức đình công ngay tại cổng nhà máy.
Công nhân đình công, vây kín cổng vào nhà máy giầy da Liên Dinh 2.
Công nhân đình công, vây kín cổng vào nhà máy giầy da Liên Dinh 2.
Nguyên nhân dẫn đến đình công là do công nhân không đồng tình với cách tính lương và một số chế độ chính sách mới của công ty. Đây là ngày thứ 2, số công nhân này đình công, do chưa nhận được sự giải quyết thỏa đáng của ban lãnh đạo công ty.
Những yêu cầu phía công nhân nêu gồm: Giữ nguyên tiền thâm niên cho cán bộ, công nhân; làm việc đúng theo giờ báo biểu; tiền trách nhiệm ngồi máy, đứng máy và tiền độc hại phải có; không lấy ngày chủ nhật để làm bù các ngày lễ…
Bởi lẽ, theo phản ánh của một số công nhân, có những người vào làm việc tại nhà máy đã 2 năm hoặc trên 2 năm nhưng vẫn chưa được đóng BHXH, BHYT…. Bên cạnh đó, công nhân thường làm tăng ca từ 17h30 – 20h30, thậm chí là cả thứ 7, chủ nhật vẫn phải làm. Trong khi đó, tổng mức thu nhập bình quân của công nhân ở đây chỉ khoảng 3-3,5 triệu đồng/tháng.
Phía sân nhà máy, công nhân đưa yêu cầu đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động.
Phía sân nhà máy, công nhân đưa yêu cầu đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động.
Tìm hiểu từ phía nhà máy Giầy Liên Dinh 2, ông Lê Văn Đạt – Phó Giám đốc nhà máy – cho biết, nguyên nhân của vụ đình công xuất phát từ việc ban lãnh đạo nhà máy thay đổi cách tính lương và công tác quản lý để đảm bảo sản xuất kinh doanh. Trong đó, chủ yếu là thay đổi cách tính lương và phụ cấp thâm niên của cán bộ nhà máy, dẫn đến đội ngũ cán bộ đã lôi kéo, kích động công nhân đình công, gây áp lực với nhà máy. Hiện tại, ban lãnh đạo đang họp bàn để tìm hướng giải quyết. Theo ông Đạt, việc thay đổi của nhà máy là cần thiết vì “nếu không nhà máy sẽ đóng cửa trong một thời gian ngắn” – ông Đạt chia sẻ.
Đề cập đến việc chế độ chính sách đối với người lao động như phản ánh của công nhân, ông Đạt khẳng định, nhà máy thực hiện đầy đủ các quy định, cũng như chế độ chính sách đối với người lao động. Nhưng khi phóng viên đề nghị ông Đạt cung cấp số liệu cụ thể về việc đóng bảo hiểm cho người lao động thì ông Đạt đã từ chối. Ông Đạt lý giải “vì không nắm được và hiện nhân viên kế toán không có ở nhà máy nên không cung cấp được, hẹn sẽ cung cấp sau”.
Lực lượng công an được huy động nhằm đảm bảo an ninh trật tự.
Lực lượng công an được huy động nhằm đảm bảo an ninh trật tự.
Về diễn biến của cuộc đình công, phía ban lãnh đạo công ty đã dán thông báo đề nghị công nhân tiếp tục làm việc, tuy nhiên, số công nhân trên vẫn không vào làm. Đến 10h cùng ngày, công nhân đã tự giải tán và họ nói sẽ tiếp tục đình công nếu nhà máy không giải quyết thỏa đáng quyền lợi của người lao động.
Hàng chục CSGT và cảnh sát 113 của Hải Phòng đã có mặt ở phía cổng nhà máy để đảm bảo an ninh trật tự và chống ách tắc giao thông.
(IFN)