mardi 16 avril 2013

Bắc Triều Tiên ra tối hậu thư cho Hàn Quốc

Lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong-un trước ảnh ông nội Kim Il-sung, người sáng lập chế độ Bắc Triều Tiên.
Lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong-un trước ảnh ông nội Kim Il-sung, người sáng lập chế độ Bắc Triều Tiên.
REUTERS/KCNA

Thụy My
Hôm nay 16/04/2013 Bình Nhưỡng đã ra tối hậu thư cho Seoul, đe dọa sẽ tấn công nếu Hàn Quốc không xin lỗi về những cuộc biểu tình thù địch với chế độ Bắc Triều Tiên. Trong khi đó Hoa Kỳ cho biết sẵn sàng thương lượng với Bình Nhưỡng nếu tỏ thiện chí.

Cảnh báo của Bắc Triều Tiên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kết thúc chuyến công du Đông Bắc Á bốn ngày, để bày tỏ sự ủng hộ với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời yêu cầu Trung Quốc gây áp lực lên quốc gia láng giềng.
Hôm qua 15/4, nhân kỷ niệm lần thứ 101 sinh nhật Kim Il Sung (Kim Nhật Thành), người sáng lập Nhà nước Bắc Triều Tiên và là ông nội của lãnh đạo đương nhiệm, khoảng bốn chục người biểu tình ở Seoul đã đốt chân dung các lãnh tụ Bình Nhưỡng, từ Kim Il Sung, Kim Jong Il đã qua đời cho đến Kim Jong Un.
Cho rằng đây là những hành động “khủng khiếp” và “đáng nguyền rủa gấp ba lần”, Tổng tư lệnh tối cao quân đội Bắc Triều Tiên hôm nay cảnh cáo, “hành động trả đũa của Bình Nhưỡng sẽ bắt đầu ngay từ bây giờ mà không cần báo trước, nếu các hành động tội phạm xúc phạm đến danh dự lãnh tụ Bắc Triều Tiên tiếp diễn tại Seoul”.
Từ nhiều tuần qua, cộng đồng quốc tế lo ngại Bình Nhưỡng sẽ mừng ngày sinh nhật lãnh tụ 15/4 bằng cách bắn hỏa tiễn. Nhưng quân đội Bắc Triều Tiên chỉ đưa ra tối hậu thư cho Hàn Quốc, nói thêm rằng nếu Seoul thực sự muốn đối thoại và thương lượng thì cần phải xin lỗi về các hành động thù địch.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng lời tuyên bố trên là “đáng tiếc”, nhắc lại là Seoul sẽ “có những biện pháp trả đũa nghiêm khắc và kiên quyết trong trường hợp bị khiêu khích”. Hôm qua từ Tokyo, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh “Hoa Kỳ vẫn mở cửa cho các cuộc đối thoại trung thực và đáng tin cậy về giải trừ hạt nhân”, nhưng “quả bóng đang ở phần sân của Bình Nhưỡng”.
Kim Yong Hyun, chuyên gia về Bắc Triều Tiên của Dongguk University tại Seoul ghi nhận có một sự mềm dẻo tương đối trong tuyên bố của Bình Nhưỡng, với việc nhấn mạnh điều kiện tái lập thương thảo. Cho đến nay, Bắc Triều Tiên vẫn luôn bác bỏ việc mở ra đối thoại, chẳng hạn cho rằng lời kêu gọi thương lượng về khu công nghiệp Kaesong từ Seoul là “xảo trá”.
Tại Washington, Nhà Trắng hôm qua khẳng định các điều kiện tái lập thương thuyết với Bình Nhưỡng vẫn không thay đổi. Hoa Kỳ cũng đã mời Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đến viếng thăm ngày 7/5, và cuộc hội đàm đầu tiên giữa hai nguyên thủ Mỹ-Hàn sẽ giúp tiếp tục phối hợp để “giải trừ hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên và chống lại mối đe dọa từ phương Bắc”.
Tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên hết sức căng thẳng sau khi Liên Hiệp Quốc đưa ra các biện pháp trừng phạt mới vì Bình Nhưỡng thử nguyên tử lần thứ ba ngày 12/2. Tức giận trước cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, Bắc Triều Tiên đã đe dọa “chiến tranh nhiệt hạch” đối với Hoa Kỳ và Hàn Quốc, “ngọn lửa hạt nhân” cho Nhật Bản.
Cũng trong hôm nay, một trực thăng của quân đội Mỹ chở 16 người tham gia tập trận, đã bị rơi gần biên giới liên Triều, nhưng không có ai bị thương.
Theo tình báo Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên vừa triển khai ở bờ biển phía Đông hai hỏa tiễn Musudan, có tầm bắn lý thuyết từ 3.000 đến 4.000 km, có thể bay đến Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Guam của Hoa Kỳ.
Ngân sách quốc phòng Hàn Quốc hôm nay đã được bổ sung 217,4 tỉ won (tương đương 150 triệu euro), chủ yếu tập trung cho các thiết bị quân sự tại các hòn đảo gần biên giới trên biển với Bắc Triều Tiên, và duy trì một “đội quân trên mạng” có nhiệm vụ chống lại các vụ tấn công tin học từ phương Bắc.