Khống chế tôn giáo bằng luật hình sự
Hòa Ái, phóng viên RFA
2012-03-29
Mục sư Nguyễn Công Chính giữ chức hội trưởng giáo hội Liên hữu Lutheran Hoa Kỳ-Việt Nam bị bắt hồi tháng 4 năm 2011. Hôm 26/3/2012 vừa qua, Tòa án tỉnh Gia lai đưa ra xét xử và tuyên án 11 năm tù giam với các tội danh theo điều 87 Bộ luật hình sự Việt Nam.
Hòa Ái có cuộc trao đổi với ông John Sifton, giám đốc đặc trách Châu Á của Tổ Chức Theo Dõi nhân quyền- Human Right Watch về vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay .
Xâm phạm quyền tự do tôn giáo
Hòa Ái: Xin chào ông John Sifton, xin ông cho biết ý kiến của mình sau khi Tòa án Nhân Dân tỉnh Gia Lai, Việt Nam đưa ra bản án 11 năm tù giam theo điều 87 Bộ Luật hình sự Việt Nam về tội “phá hoại đoàn kết dân tộc” đối với Mục sư Nguyễn Công Chính.Ông John Sifton: “Thật không may đây chỉ là một trường hợp mới nhất trong hàng loạt những trường hợp mà chính quyền Việt Nam kết án những nhà lãnh đạo tôn giáo. Chính quyền cho rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo vi phạm luật, chẳng hạn theo điều 79 là gây hại cho chính quyền và quốc gia. Thực tế, chính quyền Hà Nội đang đàn áp tôn giáo vì họ lo sợ các nhóm tôn giáo đe dọa đến quyền lực của một quốc gia độc đảng.
Thật sự không phải là vì lý do tôn giáo mà chỉ là sự thể hiện suy nghĩ của họ mà thôi. Trường hợp của Mục sư Nguyễn Công Chính không phải là một trường hợp riêng biệt, mà đã và đang có quá nhiều trường hợp giống như thế. Việt Nam tiến hành bắt bớ và kết tội những nhà lãnh đạo tôn giáo mà những người này không hề gây ra bất cứ ảnh hưởng nào đến chính quyền hết.”
Chính quyền cho rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo vi phạm luật, chẳng hạn theo điều 79 là gây hại cho chính quyền và quốc gia. Thực tế, chính quyền Hà Nội đang đàn áp tôn giáo vì họ lo sợ các nhóm tôn giáo đe dọa đến quyền lực của một quốc gia độc đảng.
Ông John Sifton
Hòa Ái: Qua các hồ sơ ghi nhận của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền thì có nhiều nhóm tôn giáo xin đăng ký nhưng không được chính quyền chấp nhận. Các nhóm tôn giáo này thường bị công an và các lực lượng an ninh quấy nhiễu và hăm dọa. Chính quyền cáo buộc những nhóm tôn giáo này là “phản động” và bắt bớ các nhà lãnh đạo tôn giáo theo điều luật 87 của Bộ luật hình sự. Thưa ông, qua những hành động này, ông có thấy rằng Việt Nam thật sự tôn trọng tự do tôn giáo hay không?
Ông John Sifton: “Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh rằng không chỉ là tự do tôn giáo mà còn quyền tự do ngôn luận nữa. Việc chính quyền Việt Nam quy kết các nhóm tôn giáo là “phản động” cho thấy họ không thể giải thích được những gì họ cáo buộc và rõ ràng họ đàn áp các tôn giáo. Ở những quốc gia khác, tự do tôn giáo có thể có những nhóm tôn giáo quá khích hay thậm chí thật ngớ ngẩn, mù quáng nhưng đâu có lý do gì để bắt họ vào tù. Nhưng ở Việt Nam, chính quyền cứ khăng khăng muốn các tôn giáo phải nói theo những gì mà họ muốn nghe theo ý muốn của họ. Nếu không thì bị cho là gây hại cho quốc gia. Đó không phải là cách vận hành của một xã hội lành mành. Xã hội thế giới vận hành trong thế kỷ 21 này không phải như vậy. Rõ ràng thực tế chứng minh là Việt Nam đang vi phạm quyền tự do tôn giáo và quyền tự do ngôn luận.”
Không tôn trọng luật quốc tế
Hòa Ái: Việt Nam thường dùng những điều luật như là 88, 79, 87 để buộc tội những người muốn được thực hiện tự do tôn giáo hay muốn có tự do trình bày ý kiến của mình. Theo ông, những hành động này có bị mâu thuẫn với Bản Tuyên Bố Nhân Quyền Quốc Tế mà Việt Nam đã ký kết hay không?
Ông John Sifton: “Nhà nước Việt Nam không có thực hiện bổn phận và trách nhiệm theo luật nhân quyền quốc tế. Dù có thực hiện theo hay không, hiện tại luật nhân quyền quốc tế được áp dụng chính thức trên toàn thế giới. Việt Nam đã ký kết và phải có trách nhiệm thực hiện. Họ đã thể hiện những gì họ cam kết khi muốn làm thành viên trong cộng đồng thế giới. Khi cố gắng thương thảo về Hiệp Định Tự Do thương mại với một số quốc gia trong đó có Hoa Kỳ, họ đóng kịch như là họ đang thực hiện những luật quốc tế này. Nhưng thật sự, không phải như vậy. Họ làm ra vẻ như họ tôn trọng tự do tôn giáo. Việt Nam không thể tiến xa hơn trong cộng đồng thế giới một khi họ vẫn tiến hành đàn áp tôn giáo tại đất nước mình.”
Hòa Ái: Được biết Ủy Ban Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo CPC. Nhưng dư luận cho rằng mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ không thể đi lùi. Vậy, ông có thấy đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC là khả thi?
Ông John Sifton: “Điều này là khả thi. Rất có thể Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước đàn áp tôn giáo gọi tắt là CPC. Dù có nằm trong danh sách CPC hay không, thì vẫn có rất nhiều các viên chức quan tâm đến vấn đề này. Đặc biệt là các đại biểu Quốc Hội rất quan tâm đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Họ sẽ không đồng ý cho Tổng Thống Mỹ Barack Obama có mối quan hệ ngoại giao thân thiết với Việt Nam nếu như Việt Nam không cải thiện tình hình nhân quyền.
Việc chính quyền Việt Nam quy kết các nhóm tôn giáo là “phản động” cho thấy họ không thể giải thích được những gì họ cáo buộc và rõ ràng họ đàn áp các tôn giáo.
Ông John Sifton
Quyết định về mối quan hệ thân thiết này không phải do Tổng Thống đương nhiệm hay Tổng Thống nhiệm kỳ tiếp theo mà là do quyết định của Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ. Thực tế hiện nay Việt Nam không quan tâm đến nhân quyền. Quốc gia này đang đang đi sai đường lối về tự do tôn giáo, tự do lập hội, họ dùng công an trấn áp, và còn nhiều vấn đề khác nữa. Việt Nam cần phải thay đổi trong những năm tới đây nếu họ muốn tham gia vào cộng đồng quốc tế.”
Hòa Ái: Và xin được hỏi ông câu hỏi sau cùng. Qua trường hợp mới nhất của Mục sư Nguyễn Công Chính bị kết án 11 năm tù, liệu rằng chính quyền có thể ngăn chặn được những người theo đuổi niềm tin tôn giáo và tự do ngôn luận hay không?
Ông John Sifton: “Tôi không nghĩ như thế. Theo nhận định của riêng tôi thì các nhóm tôn giáo sẽ tiếp tục một cách mạnh mẽ dù chính quyền có làm gì đi nữa. Dù nhà nước Việt Nam có công nhận hợp pháp hay không thì vẫn không có tác dụng gì đối với niềm tin tín ngưỡng của người dân. Việt Nam phải nhận ra điều cần phải làm là dừng lại những hành động hiện thời và đừng can thiệp vào đời sông tín ngưỡng và tâm linh của người dân Việt.”
Hòa Ái: Xin cảm ơn ông John Sifton đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.