lundi 16 avril 2012

Hoang mang trước hàng chục cái chết lạ ở Quảng Ngãi
Hơn một tháng nay, thôn Làng Riềng, xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà và xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi luôn “sống trong sợ hãi”, bởi hàng chục trường hợp mắc bệnh, có người bị tử vong ở hai xã miền núi này vẫn chưa có lời giải. 
Nhiều bệnh nhân đang phải điều trị tại Bệnh viện phong da liễu Quy Hoà.
Tức tốc đào giếng

Ông Đinh Văn Bum - Trưởng trạm y tế xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà - cho biết, tính đến ngày 12/4, tại thôn Làng Riềng đã có 3 người chết, khoảng 50 người bị các triệu chứng như mờ mắt, khó thở, đau đầu, tê buốt chân tay. Nguyên nhân ban đầu được Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà đoán định là do ngộ độc thuốc diệt cỏ Kanup 480SL, xuất xứ từ Mỹ, do Cty TNHH Việt Thắng (tỉnh Bắc Giang) nhập khẩu và xuất bán ra thị trường. Khi sử dụng thuốc này để phun cho các rẫy mì (sắn), người dân bất cẩn, không tuân thủ đúng quy trình nên bị thuốc ngấm vào cơ thể, dẫn đến ngộ độc, tử vong.

Song, cũng có giả thiết cho rằng, “sát thủ” là nguồn nước ngầm tự chảy dùng chung cho cả xóm đang “có vấn đề”. Bởi, điểm lấy nước sinh hoạt của 11 hộ dân trong thôn chỉ cách khu dân cư chừng 500 mét, nằm lưng chừng giữa những rẫy keo, rẫy mì, che chắn rất sơ sài nên không lấy gì làm đảm bảo.  Quá lo sợ, các hộ dân tức tốc đào giếng tại các đám ruộng quanh nhà để tìm nguồn nước dùng cho sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, các giếng nước này chỉ sâu từ 1m đến 2m nên giả định nguồn nước ở đây đã bị ô nhiễm thì vô cùng nguy hiểm.

Hiện Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Ngãi đã lấy mẫu nước ngầm tại thôn Làng Riềng, xã Sơn Kỳ gửi vào Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm. Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà cũng đã cử 2 đoàn công tác về thôn Làng Riềng và thôn Làng Treng để khám, xét nghiệm máu và cấp thuốc cho người dân trong vùng; đồng thời, khuyến cáo bà con nên đào giếng hoặc đi lấy nguồn nước từ nơi khác về sử dụng. “Trong khi chờ kết quả xét nghiệm, chúng tôi cũng chỉ biết khuyên bà con tạm thời không dùng nguồn nước tự chảy để nấu ăn mà nên lấy nước ở các làng kế bên”- bác sĩ Đặng Minh Hoàng - GĐ TT Y tế huyện Sơn Hà - cho biết.

Có chữa được bệnh “lạ”?

Trong tháng 4/2012, bệnh viêm da “lạ” tiếp tục quật ngã 5 mạng người tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Lần này, nạn nhân là các cháu nhỏ. Gần đây nhất là cháu Phạm Ngọc Nhi - 4 tuổi. Trước đó, khi phát hiện ra bệnh, gia đình đã đưa cháu Nhi vào BV Phong-Da liễu Quy Hòa, Bình Định cứu chữa nhưng không qua khỏi. Đáng lo ngại là bệnh “lạ” này đang có xu hướng lan rộng ra các xã lân cận như Ba Ngạc, Ba Tô, khiến người dân không ngớt lo sợ.

Theo ông  Nguyễn Thanh Tân - GĐ BV Phong-Da liễu Quy Hòa -  hầu hết các ca bệnh nhập viện đều có các triệu chứng như rối loạn đông máu, suy gan, suy thận, xuất huyết máu nên rất khó cứu chữa. Còn nhớ, tháng 6.2011, đoàn công tác của Bộ Y tế đã về xã Ba Điền tìm hiểu căn bệnh “lạ” này. Dù không gọi đúng tên bệnh, nhưng một kết luận được đưa ra ở thời điểm ấy là, bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi hẳn nếu phát hiện sớm.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn 63 trường hợp mắc bệnh tại địa phương hoặc đang được điều trị tại BV Phong - Da liễu Quy Hòa, khiến người dân không khỏi hoang mang. Lần này, Bộ Y tế tiếp tục cử một đoàn công tác về lại địa phương để nghiên cứu bệnh “lạ”.

Người dân hy vọng đây sẽ là lần cuối cùng để “khai tử” căn bệnh “lạ”, gây chết người này ra khỏi địa phương để họ an tâm sinh sống, làm ăn.

Theo Phạm Khang
Lao Động

 _________________________________________

KANUP 480SL là loại thuốc diệt cỏ đã gây ra cái chết cho 4 người và làm 14 trường hợp bị nhiễm độc ở xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi

UBND huyện Sơn Hà và Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi vừa cử đoàn công tác về xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà nắm tình hình, lấy các mẫu xét nghiệm để làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của 4 người và 14 trường hợp bị nhiễm độc.
Sự việc bắt đầu từ anh Đinh Văn Túc (26 tuổi, ngụ thôn Làng Riềng, xã Sơn Kỳ). Sau gần một ngày đi bơm hơn 8 bình thuốc diệt cỏ trên rẫy mì, anh Túc thấy mệt mỏi và nôn ói. Ngay sau đó, người thân đưa anh Túc đến trạm y tế xã Sơn Kỳ cấp cứu nhưng không qua khỏi do độc tố đã ngấm vào cơ thể quá nặng.
“Khi bệnh nhân vào trạm y tế thì huyết áp đã hạ thấp và các cơ quan trong cơ thể ngấm độc rất nặng nên chúng tôi không thể cứu được” - ông Đinh Văn Bum, Trưởng Trạm Y tế xã Sơn Kỳ, cho biết. Trước đó, mẹ anh Túc cũng đã tử vong sau khi đi bơm thuốc diệt cỏ và làm rẫy mì.
Cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi lấy mẫu thuốc diệt cỏ KANUP 480SL
Mới đây nhất là trường hợp của ông Đinh Văn Lôm (55 tuổi, ngụ thôn Làng Riềng). Chiều 6-4, sau khi lên rẫy mì mà trước đó có phun thuốc diệt cỏ, ông Lôm thấy mệt mỏi, nôn ói và khắp người sưng tấy. Sau đó, ông Lôm đã tử vong trên đường đến Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Hà.
Ông Đinh Văn Nhè, Chủ tịch UBND xã Sơn Kỳ, cho biết hầu hết các trường hợp tử vong là do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với thuốc diệt cỏ có nồng độ độc tố cực lớn. “Chúng tôi đang yêu cầu các cơ quan chức năng nhanh chóng tìm hiểu và làm rõ nguyên nhân để người dân bớt hoang mang” - ông Nhè nói.
Theo ông Phạm Lực, Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Sơn Hà, nhận định ban đầu cho thấy loại thuốc người dân dùng để phun diệt cỏ có nhãn hiệu KANUP 480SL, xuất xứ từ Mỹ, do Công ty Việt Thắng (tỉnh Bắc Giang) sang chiết qua các loại chai nhỏ rồi bán ra thị trường.
“Đây là loại thuốc được phép sử dụng trong nông nghiệp, tuy nhiên nó có độc tố rất cao, nếu sử dụng không theo chỉ dẫn sẽ gây ra các triệu chứng như nôn ói, ngứa ngáy, thậm chí tử vong” - ông Lực nói.
Ông Lực cho biết hiện vẫn chưa xác định được mẫu thuốc mà người dân sử dụng là KANUP 480SL thật hay giả nhưng người dân nên dừng hẳn việc dùng loại thuốc này. Còn ông Đinh Văn Bum khuyến cáo: “Khi có trường hợp nghi nhiễm độc, nên đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế sớm, nếu quá muộn thì sẽ không có cơ hội sống”.
Bài và ảnh: NIÊM HÀ