jeudi 24 mars 2011

24 thang 3- Cụ Phan chu Trinh



Thử nhìn lại non một thế kỷ nguyện vọng “khai dân trí, chấn dân khí, phục dân chí, hậu dân sinh”

của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh



Ngày  24/3 là ngày giỗ cụ Phan Chu Trinh; 2011 là lần giỗ thứ 85, tức đã gần một thế kỷ. Khi còn sống nhà chí sĩ danh giá họ Phan vẫn luôn tâm niệm một điều quan trọng để cứu nước và phát triển đất nước: “Khai dân trí, chấn dân khí, phục dân chí, hậu dân sinh”. Bởi nước ta trước đây 85 năm còn dưới chế độ thuộc địa của thực dân Pháp. Theo ông, nguyên do sự mất nước ngay từ đầu là do dân trí ta kém, đất nước lạc hậu, do vậy không đủ thực chất để ngăn được làn sóng xâm lăng của thực dân, và cuối cùng bị Pháp đô hộ. Bởi vậy theo Phan Chu Trinh, yêu cầu đầu tiên là phải khai dân trí, nhân dân mới đủ nhận thức và sức mạnh ý thức và tinh thần để đứng lên giành lại độc lập. Người Pháp lúc ấy là một đất nước hùng mạnh về lực lượng quân sự, có một nền tri thức và khoa học cao hơn nước ta rất nhiều, lấy sức mạnh thô sơ của dáo mác, để đứng ra chọi lại với súng sắt tàu đồng, một điều có mặt bất khả thi, do vậy Phan Chu Trinh chủ trương trước hết phải có phong trào duy tân và khai mở dân trí.

Đây là một quan niệm rất thực tế và đúng đắn, bởi vì lúc ấy toàn thể dân tộc đang ở dưới ách thống trị của thực dân. Chúng có vũ khí, lực lượng quân sự áp đảo, trong khi nhân dân ta chỉ tay không. Không thể cứ mù quáng dùng trứng chọi đá, luôn luôn chỉ là điều bất lợi và khó đạt kết quả, đó là quan điểm hoàn toàn cụ thể, khách quan, hợp lý, chính xác của Phạn Chu Trinh. Ông chủ trương phong trào cắt tóc ngắn, canh tân các hủ tục lạc hậu, nâng cao sự hiểu biết của người dân lên mọi mặt, kể cả kết hợp với phong trào Đông du để cho người đi du học, đồng thời cổ vũ mọi mục đích học tập, giáo dục, làm sao cho mọi sự hiểu biết của nhân dân tăng lên, kể cả việc ông đi diễn thuyết để cổ vũ, động viên, đó là ý nghĩa khai dân trí mà Phan Chu Trinh chủ trương thực hành mạnh mẽ.

Khai dân trí như vậy cũng kết hợp với chấn dân khí. Bởi dân trí có cao thì dân khí mới cao. Nước ta sau bao nhiêu năm nô lệ, tinh thần dân tộc phần nào đã bị phong tỏa, xé lẻ, bị làm cho cùn nhụt và yếu ớt đi. Tất nhiên trong suốt thời gian đó, vẫn có nhiều cuộc bạo động cách mạng xảy ra, nhưng cuối cùng vẫn bị dập tắt. Bởi lực lượng chỉ nhỏ bé so với thực lực quân sự của chính quyền thực dân, họ Phan thấy rằng đấu tranh đổ máu như vậy là không kết quả, không thể nào thắng được nổi giặc, cho nên ông chủ trương duy tân nhằm nâng cao dân trí, từ đó chấn chỉnh dân khí là hoàn toàn hữu lý, phù hợp. Nhiều người vì nóng lòng khôi phục đất nước, chủ trương bạo loạn, dùng vũ khí để lật đổ ách đô hộ của thực đân, nhưng như vậy chỉ hao tốn xương máu vô ích mà khó đạt được mục đích trọn vẹn. Cho nên việc họ chỉ trích Phan Chu Trinh, cho rằng ông chủ trương đề huề, không chống Pháp bằng bạo lực là nhu nhược, là thỏa hiệp, là mềm yếu, tiêu cực, đó là cái nhìn nông nổi, nóng vội, cạn hẹp, không phù hợp với cách nhìn bao quát, thực tế, sâu sắc hơn của Phan Chu Trinh.

Bởi vì con người muốn đấu tranh phải có sự hiểu biết, có ý thức và ý chí vững mạnh, có lòng quả cảm và tri thức, đó là dân trí và dân khí. Phương diện người lãnh đạo, lực lượng lãnh đạo, chỉ huy, đầu tàu, và khối quần chúng vận động hưởng ứng, kết hợp theo cũng vậy. Có nghĩa phải có khí giới, đạn dược tân tiến, có khả năng chế tạo ra chúng, có khả năng phát huy hiệu lực và sử dụng chúng, có thực lực kinh tế để có thể mua sắm chúng, có cơ sở vật chất để làm ra chúng, có ý thức chính trị tốt để phối hợp hiệu quả được với chúng, đó không phải chỉ thuần túy quân sự hay vũ khí thô sơ, mà còn phải có thực lực chính trị, thực lực kinh tế, thực lực khí tài chiến đấu như trên đã nói. Dân khí như vậy cũng kết hợp được cùng với dân chí. Tức ý muốn, mục đích giành lại độc lập tự do cho đất nước, có mục đích xã hội rộng lớn, không phải chỉ biết sinh sống làm ăn kiểu tư lợi, cá nhân tầm thường trong vòng kiềm tỏa hay dưới ách thống trị của kẻ địch đô hộ. Dân trí, dân khí, dân chí có, tức có một cách hùng hậu, có qua lực lượng đa số, số đông của toàn đân, của mọi người trong nước, không phải chỉ lác đác nơi vài cá nhân hoặc các nhóm lẻ tẻ hay thành phần thiểu số nào cả, đó là tầm nhìn bao quát, rộng lớn, đầy đủ của Phan Chu Trinh.

Tất nhiên mộng lớn chưa xong, mục đích chưa đạt thành công và kết quả, thì nhà cách mạng, nhà chí sĩ vĩ đại rất đáng kính đó đã qua đời. Ách thực dân vẫn còn, dân sinh độc lập, tự cường, hạnh phúc chưa thực hiện được. Giang sơn chưa thu về một mối, dân tộc chưa hoàn toàn đứng lên. Nhưng đó không phải do lỗi hay do trách nhiệm về chính sách đấu tranh của Phan Châu Trinh, mà chỉ là lịch sử chưa chín muồi, chưa xoay chuyển được thời cơ, vì thế lực thực dân vẫn còn mạnh, cơ hội bên ngoài chưa đến, cơ hội bên trong chưa có, toàn dân chưa đủ sức mạnh, lực lượng để tự đứng lên được. Điều này kéo dài mãi cho đến khi quân Nhật tràn vào tước khí giới của quân Pháp, bởi vì quân Nhật lúc đó có đủ lực lượng và sức mạnh để làm được điều đó, là khống chế được lực lượng quân sự và chính quyền cai trị của thực dân Pháp. Nhật làm được vì Nhật đã biết duy tân ngay từ đầu. Đến khi đó nước Nhật đã là một cường quốc mạnh mẽ nhiều phương diện, mà nước ta thì do duy tân chậm ngay từ đầu, nên lúc đó hoàn toàn chưa có. Và sau khi quân Nhật hất cẳng quân Pháp, lực lượng Đồng minh lại đổ bộ vào, thế chiến thứ hai chấm dứt, bàn cờ thế giới đã được sắp lại theo một thế khác. Điều này bất kỳ ai có đọc sử, nghiên cứu lịch sử trong giai đoạn đó nói chung trên quốc tế và nói riêng trong các hoàn cảnh đặc thù, cụ thể của nước ta, cũng hoàn toàn thấy rõ.

Lúc đó trên thế giới đã bắt đầu xuất hiện hai phe đối kháng, là lực lương quốc / cộng bắt đầu phát triển trên toàn thế giới, hay cụ thể ở châu Âu cũng như châu Á, kết hợp cùng với việc phục hồi chế độ thực dân / giải phóng dân tộc cũng là hai lực lượng đối kháng, xảy ra cùng lúc ở một số nước. Rõ ràng ở đây đã có tới bốn phe phái hay bốn lực lượng thù địch xuất hiện song song, điều này ở thời kỳ của Phan Chu Trinh hoàn toàn chưa có. Đó là một sự thật lịch sử khách quan, cả trên thế giới lúc đó và cụ thể ở ba nước Đông dương, trong đó có đất nước VN ta. Chỉ những người nào do mù quáng vì lẽ này hay lẽ khác mới không nhận thức được, do trình độ nhận thức chính trị xã hội, lịch sử kém mới chối cãi hay phản đối ngược ngạo được. Thế nên, sau khi đất nước có được nền độc lập mỏng manh ban đầu, tiếp đến là cuộc chiến tranh ý thức hệ, xen lẫn cuộc can thiệp của hai phe nước ngoài, trong đó phần nào cũng là lý do để có một bộ phận nhất định của chế độ thực dân cũ quay lại. Ý nghĩa thật sự và diễn tiến khách quan của lịch sử nói khái quát nhất vốn là như thế. Còn việc chép sử, giảng dạy lịch sử, lý giải lịch sử cụ thể, khách quan đó thế nào lại là chuyện khác. Tất nhiên những quan niệm nhất thời, những xu hướng bẻ cong lịch sử nhất thời đều vẫn không thể tồn tại lâu bền, chỉ mang ý nghĩa thuyết phục đối với những người không biết, cạn hẹp, thiên kiến trước mắt, và cuối cùng trong dài hạn của lịch sử dân tộc nói chung, về sau này mọi sự thật khách quan đều sẽ được sáng tỏ ra, được chỉnh lý lại trong sử sách, được mang giá trị chân chính lại với mọi người, và đó chính là ý nghĩa diễn tiến sau cùng cũng như bao quát nhất mà thật sự lịch sử nói chung phải có (1).

Chính vì thế mà vấn đề đáng nói nhất ở đây, trong thời hiện tại vẫn là các ý nghĩa của những khía cạnh dân trí, dân khí, dân chí, dân sinh mà cách đây gần cả trăm năm nhà chí sĩ, nhà cách mạng họ Phan đã từng hoài bão và tranh đấu. Dân trí ấy, trong thời đại ngày nay cao hay thấp, nói về mặt quảng đại dân chúng, mọi người chắc đã biết. Trong tính cách giáo dục, phần lớn chỉ luôn theo một chiều, đó cũng là ý nghĩa nói chung của dân trí ấy. Đó là chưa nói đến có nhiều khía cạnh tiêu cực, lạc hậu trong giáo dục. Còn dân khí thì thế nào, qua mỗi thời kỳ và giai đoạn, nhà nước nói sao, cả giới trí thức và nhân dân đều nghe theo như vậy, hô phải thì tất cả đều la lên là phải, hô trái thì tất cả đều la lên là trái, hô bao cấp, tất cả đều phục tùng tuyệt đối bao cấp, hô đổi mới, hội nhập, thì mọi người cũng đều cùng lớn tiếng hô lên rập ràng như thế, đó chính là dân khí. Còn dân chí, vấn đề chủ trương ‘lãnh hải kiểu lưỡi bò’ và lấn chiếm các hải đảo lớn, quan trọng nhất của đất nước ta, do Trung quốc đưa ra và thực hiện, toàn dân chỉ thấy phản kháng thụ động, tránh né, hoặc vụ bâu xít tây nguyên, đó là dân chí. Cuối cùng, dân sinh thì nhiều mặt trong thực tế hết sức bức xúc, từ kinh tế đến đời sống với nhiều khía cạnh khá bức xúc mà báo chí đã luôn luôn nói đến rất nhiều. Đó cũng chính là lý do để mọi người cần nên nhìn lại sau quá trình non một thế kỷ của lịch sử, hay cụ thể là 85 năm sau khi nhà chí sĩ yêu nước, sáng suốt họ Phan đã mất. Cho nên, nói đến tinh thần Phan Chu Trinh, thật sự không thể chỉ nói suông ngoài miệng như nhiều người vẫn làm, mà mỗi người, bất kỳ ai, vị trí và trường hợp thế nào, đều cần nên cố gắng làm điều gì đó cụ thể, tích cực trong khả năng điều kiện của mình để thể hiện được chính ý thức, hoài bão đó của họ Phan, cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh lịch sử đất nước ra sao, để khỏi phụ lòng và hoài bão cao quý, đáng kính nhất, của người xưa.

(23/3/2011)

© Võ Hưng Thanh

© Đàn Chim Việt




Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire