vendredi 10 mai 2013

Việt Nam - Thời kỳ suy thoái và khủng hoảng trầm trọng

Minh Hoàng (Danlambao) - Khủng hoảng chính trị, suy thoái kinh tế, tranh giành quyền lực, lợi ích nhóm làm cho đảng cầm quyền lúng túng về đường lối và chính sách, ngày càng khoét sâu thêm mâu thuẫn trong nội bộ đảng và ngày càng ngăn cách giữa đảng với đại bộ phận tầng lớp nhân dân bị áp bức đang ngày càng bị bần cùng hóa...
*
Suy thoái về kinh tế 
Nạn thất nghiệp tràn lan và rất lớn, không có con số chính thức vì con số do chính quyền đưa ra chỉ là con số ảo, không đúng với thực tế. Doanh nghiệp phá sản hàng loạt, chết thật có, chết lâm sàng có, một số lớn đang tiếp tục chờ chết, một số khác tuy còn sống mà như đã chết. 
Thu nhập của người dân rất thấp, sức mua yếu đi nhiều làm kéo theo sự trì trệ đầu ra của sản xuất, giá cả của một số hàng hóa vì thế bắt buộc phải giảm do không có người đủ tiền tiêu thụ và đây cũng chính là hiện tượng giảm phát giả tạo trong thời gian vừa qua. 
Thực chất thì đồng tiền VN vẫn đang bị lạm phát rất nặng, chủ yếu phải căn cứ trên các mặt hàng tiêu dùng thiết thực hàng ngày như: cơm ăn, áo mặc, xăng, dầu, điện, nước, thuốc chữa bệnh, sữa cho người già và trẻ em, và các mặt hàng sinh hoạt cấp thiết khác... tất cả đều tăng giá rõ rệt hàng ngày. 
Ngành thuế năm nay bị thất thu rất lớn, nhìn từ góc độ suy thoái của sản xuất và thu nhập của người dân thì chúng ta có thể suy ra được, tuy được dấu nhẹm rất kỹ về thông tin nhưng thực chất ngành thuế không đạt được chỉ tiêu như mong muốn, thậm chí là thu được quá ít. Nếu thu thuế không đủ chi ngân sách thì điều gì sẽ xảy ra? Chính quyền chịu bó tay sao? Không đâu, họ cứ việc cung tiền đã in sẵn ra để chi tiêu và lạm phát cứ thế mà phát triển. Lạm phát trong trường hợp này là “một hình thức thu thuế tinh vi nhất của nhà nước” (có sẵn một số tiền lớn trong kho bạc để chi mà không cần phải “lăn tăn” đi thu từng đồng bạc cắc từ người dân). 
Đời sống của đại bộ phận nhân dân vì thế mà ngày càng bị bần cùng hóa. Người giàu cũng phải khóc theo vì đồng tiền của mình gởi trong ngân hàng ngày càng teo đi do lạm phát lớn hơn lãi suất tiền gởi. Điều này cũng lý giải tại sao vàng ở VN cao hơn nhiều so với giá thế giới mà cung vẫn không đủ cầu, nhu cầu về vàng của VN là một cái túi không đáy. Vàng cũng tạm thời được xem là kênh trú ẩn an toàn trong thời buổi ”kinh tế loạn lạc” này. 
Khủng hoảng chính trị 
Ai cũng biết VN chỉ có một đảng cầm quyền, lấy chủ nghĩa Mác-Lê lỗi thời, không phù hợp, làm nền tảng lý luận, lấy tiêu chí xã hội chủ nghĩa để bịp dân. Cái vỏ đóng mác đỏ nhưng cái ruột thì xanh màu đô-la nên được mệnh danh là “tư bản đỏ”. Những ngài có máu mặt của đảng đa số đều có tài khoản ở ngân hàng Thụy Sỹ, phòng khi thuyền bị lật thì có phao mà bám víu. 
Lúc chiến đấu khó khăn để giành chính quyền thì tình đồng chí thật sâu đậm, “hạt muối” cũng xẻ làm đôi. Nhưng khi hòa bình hưởng lạc thì tình đồng chí không còn nữa, lúc này “cục đường” chỉ muốn “lủm” hết. Tuy nhiên, vì để duy trì được sự thống trị của đảng mà họ tạm thời bắt tay nhau để phân chia quyền lợi theo nhóm. Còn Chủ nghĩa Mác-Lê, Chủ nghĩa Xã hội chỉ là trá hình, lừa bịp nhân dân. 
Học tập gương đạo đức Hồ Chí Minh, một trò “cáo mượn oai hùm” để lừa dân, đây là chiêu cuối cùng của đảng khi phải đem bộ xương còn lại của Bác để “nấu cao” trị bệnh. Nhưng khổ nỗi, đây là bệnh ung thư không có thuốc chữa, càng cố cứu thì bệnh càng nặng thêm mà thôi, các con bệnh ở Đông Âu và Liên Xô đã chết đồng loạt, riêng VN thì cũng biết ngày đó ắt rồi phải đến, sớm hay muộn mà thôi. 
Vấn đề đấu đá nội bộ tranh giành quyền lực trong đảng ngày càng trầm trọng, họ không vì chủ nghĩa nào cả và cũng không vì nhân dân, mà đấu đá chỉ vì lợi ích nhóm của họ. Họ nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, nghiêm trọng hơn là họ xem đại bộ phận nhân dân cũng là kẻ thù, các tư tưởng dân chủ tiến bộ là thế lực thù địch. 
Nền kinh tế định hướng Xã hội Chủ nghĩa xem như phá sản với các tập đoàn quốc doanh giải thể hoặc sống cầm hơi với nợ nần chồng chất, kinh doanh thua lỗ. 
Trò bịp góp ý Hiến pháp, cũng như đổi tên nước là một trò hề chính trị, một khi bản chất của chế độ không được thay đổi thật sự. 
Khủng hoảng xã hội - suy thoái đạo đức 
Là một đất nước trên danh nghĩa là pháp trị, có sẵn cả một rừng luật rất bài bản, thế nhưng khi đưa ra tòa để xử thì thấy tòa chỉ dùng luật rừng mà thôi. 
Hệ thống tam quyền của đất nước đều nằm dưới bàn tay quyền lực của đảng, do đảng đạo diễn và điều hành, múa theo kiểu gì để phục vụ cho quyền lợi của đảng. Bản án cho người dân trước khi đưa ra tòa xử đã được đảng định hướng có tội hay không tội, không tuân thủ minh bạch theo pháp luật. 
Ngành Tư pháp không có quyền độc lập, tam quyền không được phân lập như các nước tiên tiến và dân chủ khác mà tất cả đều do đảng chỉ đạo, đảng giành giật đứng trên cả dân tộc, Tổ quốc, trên tất cả. 
Đạo đức xã hội ngày càng suy đồi, đảng viên càng làm lớn, càng có quyền lực trong tay thì đạo đức càng suy đồi nghiêm trọng. Tham nhũng, hối lộ, nhũng nhiễu nhân dân từ thủ tục hành chính cho đến các thực thi pháp luật đều theo kiểu xã hội đen ngày càng phổ biến tràn lan. Dùng lực lượng công an và an ninh theo kiểu xã hội đen để trấn áp người dân khi họ biểu tình ôn hòa hay khiếu kiện về đất đai bị cưỡng chế trái pháp luật. Đàn áp các tổ chức tôn giáo khi các tổ chức này không chịu sự chỉ đạo của đảng. 
Ngoài ra, với chính sách và lối giáo dục khập khểnh từ trước đến nay đã, đang và sẽ tạo ra cho xã hội những tầng lớp con người thiếu đạo đức. Các trường học không giáo dục cho học sinh một nền tảng đạo đức cơ bản từ lương tâm con người, cách ứng xử giao tiếp có tình cảm giữa người với người mà chỉ chú trọng đến loại đạo đức cách mạng lai căn, nặng về đấu tố, chỉ trích, xem đâu cũng là kẻ thù một cách mơ hồ. “Hồng hơn chuyên” theo kiểu này đã tạo ra cho xã hội một lớp cán bộ yếu về chuyên môn nhưng mạnh về vô đạo đức, sẵn sàng ăn cướp, ăn chặn của dân một cách vô tội vạ khi có cơ hội. 
Quan hệ tình cảm giữa người với người được đong đếm bằng tiền, luật pháp cũng phụ thuộc vào tiền, quan chức cũng được mua bằng tiền từ lớn đến nhỏ, làm gì còn lý tưởng cộng sản và Chủ nghĩa xã hội ở đây. Xã hội đang trở nên vô cảm ngày càng trầm trọng. 
Hệ quả 
Khủng hoảng chính trị, suy thoái kinh tế, tranh giành quyền lực, lợi ích nhóm làm cho đảng cầm quyền lúng túng về đường lối và chính sách, ngày càng khoét sâu thêm mâu thuẫn trong nội bộ đảng và ngày càng ngăn cách giữa đảng với đại bộ phận tầng lớp nhân dân bị áp bức đang ngày càng bị bần cùng hóa. 
“Chó cùng dứt giậu”, đây là hiện tượng phổ biến ở giai đoạn hiện nay khi đảng đang đi vào bước đường cùng, chính quyền điên cuồng ra tay đàn áp tất cả mọi hoạt động của người dân khi họ biểu tình yêu nước, khiếu kiện nỗi oan mất đất, các nhà hoạt động dân chủ ôn hòa.... Chính quyền dùng ngay lực lượng công an và an ninh làm công cụ đàn áp dân lành một cách dã man, đây là lực lượng được nuôi bằng đồng tiền đóng thuế của dân, ngay cả đảng và chính quyền cũng thế, nhưng lại quay lại phản bội nhân dân. 
Dầu đang được châm thêm vào lửa, ngọn lửa ngày càng lớn và VN ngày càng tiệm cận với các cuộc cách mạng ở Đông Âu thập niên 80 và Cách mạng Hoa lài của Châu Phi gần đây.