mercredi 29 mai 2013

Sự thật giật mình về hòn đá lạ ở Đền Hùng (2)


(Kienthuc.net.vn) - "Việc chuyển lá bùa của Nguyên - Mông, vào lưu giữ ở Bảo tàng Hùng Vương, chẳng khác nào chủ nhà thấy kẻ cắp trên bàn thờ thì mời xuống ngồi phòng khách xơi nước".
Bùa giải tai ách cho cá nhân
Bên phải của lá bùa có 5 chữ Hán 百解消灾符 BÁCH GIẢI TIÊU TAI PHÙ, nghĩa là "Bùa giải trăm tai ách". Nhưng ông Thông - người đặt hòn đá lại dịch là: "Bùa giải hóa bách nạn, bách khổ, bách bệnh cho nhân dân". 
Làm gì có 8 chữ hóa, bách khổ, bách bệnh cho nhân dân ở trong 5 chữ Hán trên mà ông lại dịch thêm vào cho quan trọng hóa theo ý đồ riêng của mình? Rõ ràng đây là lá bùa chỉ cầu giải trăm điều tai ách thôi, mà ám chỉ là cho cá nhân. Tại sao ông lại cố tình thêm chữ và dịch sai để cho thêm phần linh thiêng và vì nhân dân, để lừa dối người khác là có ý gì? Năm chữ Hán trên là tên của lá bùa ở mặt chính hòn đá, nhưng tại sao lại coi nó là phụ và đặt úp mặt lá bùa này vào trong tường. Phải chăng có ý đồ gì ở đây?
Phần chính giữa của lá bùa có hai chữ Hán viết theo kiểu thư pháp cuồng thảo. Đó là hai chữ VĨNH THỌ 永寿, nghĩa là Sống thọ mãi mãi. Rõ ràng lá bùa mặt ở trước của hòn đá có nội dung là: "Cầu được giải trừ trăm hạn ách, tội nặng, cầu trường thọ khỏi chết yểu, cầu xua đuổi tà ma và cầu quan chức đang không được toại ý", chứ không phải như tác giả hòn đá đã giải thích là để tăng hào quang cho Phật, cho Đức Thánh Trần để hóa giải lá bùa của Phương Bắc đã trấn yểm ở Đền Hùng và phù hộ cho nhân dân. Lá bùa của Trung Quốc tiếp nhận năng lượng là để tăng hào quang và công năng cho họ, để làm hại cho ta, do vậy không thể nói nó tăng hào quang cho Phật, cho Đức Thánh Trần được? 
Bên trái lá bùa có dòng chữ Phạn chạy dọc xuống, đọc là: "Úm, chiết lệ chủ lệ Chuẩn đề ta bà ha". Đây là một nửa của câu trì chú hay nhất trong Kinh Phật Mẫu Chuẩn đề. Toàn văn câu trì chú đó như sau: "Nam mô tát đa nẫm, tam miệu tam bồ đà câu chi nẫm, đát diệt tha: Úm, chiết lệ chủ lệ Chuẩn đề ta bà ha". Nghĩa của câu trì chú này là: "Thỉnh cầu được giảm trọng tội, cầu trường thọ cho chúng sinh có số yểu mạng và xua đuổi tà ma, cầu quan chức không được toại ý". Nhưng tác giả hòn đá lại giải thích là làm tăng độ linh, tăng độ uy cho Phật Tổ và Đức Thánh Trần. 
Lá bùa mặt sau hòn đá.

Bịa đặt và xuyên tạc lich sử
LÁ BÙA Ở MẶT SAU CỦA HÒN ĐÁ, nhưng lại cố ý xoay ra phía trước, nhìn thẳng hướng chính Nam. Trong thư giải thích đây là "Trận đồ Bát quái thiên tinh Phật Tổ Như Lai dựa trên trận đồ Bát quái của Đức Thánh Trần Hưng Đạo đánh thắng quân Nguyên - Mông.". Giải thích như vậy là bịa đặt trắng trợn, xuyên tạc lịch sử! 
Trận đồ Bát quái là sản phẩm của Kinh dịch Trung Quốc, do Gia Cát Lượng sáng tạo ra, sao lại gán cho Phật Tổ Như Lai? Nhưng nếu là của Phật Tổ Như Lai thật đi chăng nữa, thì Phật Tổ làm sao dựa vào trận đồ của Trần Hưng Đạo mà vẽ ra được, vì Phật Tổ có trước Trần Hưng Đạo! Trận đồ Bát quái của Gia Cát Lượng là trận đồ dùng ngựa, đánh kỵ binh trên bộ. Còn trận đồ của Trần Hưng Đạo là trận đồ dùng thuyền, thủy chiến ở sông Bạch Đằng. Trận đồ ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông là trận đồ phản công, chứ không phải trận đồ nghênh chiến. Khác nhau một trời một vực. Kiến thức quân sự sơ đẳng như vậy ai cũng biết, sao lại cố tình gán ghép?
Thực tế, trận đồ trên hòn đá lạ đích thực là Trận đồ Bát quái Kỵ binh thứ 20 của Gia Cát Lượng 诸葛亮八卦骑兵二十图阵bài binh bố trận để ứng chiến với Kỵ binh của Tào Ngụy do Tư Mã Ý chỉ huy. Vậy ý đồ của người đặt hòn đá ở đây và ngụy biện nói đó là Trận đồ của Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên - Mông là có ý gì?
Trong thư giải thích cũng có nói là đã bỏ lá bùa của Nguyên - Mông yểm ở Đền Hùng, nhưng lại thay vào đó lá bùa của Trung Quốc thời nay, công lực mạnh hơn, thâm hiểm hơn! Chính vì thế mà cố ý quay mặt lá bùa này ra ngoài, nhìn về hướng Nam! 
Trong thư cũng nói các đạo sĩ cao tăng Nguyên - Mông đã yểm bùa ở Đền Thượng Đền Hùng từ thời Nhà Trần. Nhưng ông Dương Trung Quốc, nhà nghiên cứu lịch sử hoài nghi: "Đã có tổ chức có uy tín nào đã kết luận khách quan và khoa học điều này hay tự  biên, tự diễn"? Rồi lấy đó là cái cớ để đưa bùa mới lên yểm Đền Hùng. Nếu là bùa của Nguyên - Mông, sao không tiêu triệt, hóa giải và phá hủy lá bùa đó đi, mà còn đưa nó vào lưu giữ ở Bảo tàng Hùng Vương, chẳng khác nào kẻ cắp ở trên bàn thờ mời xuống ngồi phòng khách xơi nước, như vậy nó vẫn còn ở trong nhà mình cơ mà! +++++++++++++++++++++++++

Sự thật giật mình về hòn đá lạ ở Đền Hùng (3)


(Kienthuc.net.vn) - Những nội dung trên lá bùa - hòn đá lạ ở Đền Hùng có vẻ vụng về nhưng che giấu bên trong là âm mưu bành trướng của nước lớn nhằm trấn áp nước ta.
Dốt Hán cổ nhưng thích chơi chữ
Bên trái lá bùa chạy dọc từ trên xuống có dòng chữ Hán 原水陈固星古佛 NGUYÊN THỦY TRẦN CỐ TINH CỔ PHẬT. Người am hiểu sẽ thấy câu này viết sai chữ. Nó sai cả chính tả và sai cả ngữ pháp Hán ngữ. Người viết thiếu hiểu biết nhưng lại thích chơi chữ Hán cổ nên câu rất tối nghĩa. Nếu nói đến Nguyên - Mông thì không dùng chữ nguyên 原 này, mà dùng chữ Nguyên 元 là Nhà Nguyên này mới đúng. 
Có lẽ tác giả muốn viết là Trần đồ 陈图 (chỉ trận đồ của Trần Hưng Đạo), nhưng khi dịch đã bỏ đi chữ Trần 陈, còn chữ đồ 图 lại viết sai thành chữ cố 固 (chữ cố trong cố chấp, cố định, cố nhiên). 
Ghép 7 từ này vào không ăn nhập, không liên quan gì về ngữ nghĩa với nhau, dịch là: "Nguyên thủy trần cố sao Phật cổ" - câu này không có nghĩa. Trong câu 7 chữ Hán trên không có 4 chữ trận 阵, chữ đồ 图, chữ thiên 千 và chữ cầu 求. Thế nhưng, người đặt hòn đá khi dịch đã cố ý thêm 4 chữ đó vào và bỏ hẳn đi chữ Trần 陈 (là họ Trần), rồi dịch bịa là: "Nguyên thủy trận đồ Thiêu tinh cầu Phật". Lỗi này, nếu không phải là trình độ Hán ngữ thấp kém, thì là cố tình bịa đặt. 

Che giấu trận đồ bát quái của Gia Cát Lượng

Bốn chữ Nho ở mé trái đọc là CỬU TINH CỔ PHẬT 九星古佛. Nghĩa là Chín sao Phật cổ, Phật không phải là nhà chiêm tinh, cũng không phải là thầy tướng số, sao gán cửu tinh cho Phật? Như vậy, bốn chữ đó cũng chẳng có ý nghĩa gì, chỉ để lòe thiên hạ và làm rối mắt. 
Ở giữa lá bùa có hai vòng tròn có tia phát sáng, bên trong có chữ Vạn của nhà Phật, nghĩa là tốt lành. Hai vòng tròn đó là mặt trời, mặt trăng, tức là 日Nhật Nguyệt 月. Ghép hai chữ nhật, nguyệt vào thành chữ 明 Minh, tức là nhà Minh. Ở Trung Quốc nói đến Đường 唐, đến Minh 明 là chỉ Trung Quốc. Hóa ra mời Trung Quốc ngự trong lá bùa đó à? Rồi thêm vào đó nhiều chi tiết, nhiều chữ Vạn và chữ Hán vô nghĩa, để làm tăng thêm sự khác biệt, làm hoa mắt mọi người, để không nhận ra Trận đồ Bát quái của Gia Cát lượng. 
Nhưng hai trận đồ này, một đằng dùng ngựa trên bộ, một đằng dùng thuyền dưới nước đánh nhau, một đằng là nghênh chiến, một đằng là truy kích địch, làm sao có thể giống hệt nhau? 
Như vậy, việc nói đây là trận đồ của Trần Hưng Đạo là râu ông nọ cắm cằm bà kia, là lừa dối nhân dân, xuyên tạc lịch sử, lừa dối cả Đức Thánh Trần, lừa dối Vua Hùng và Phật Tổ Như Lai.  
Trận đồ Bát quái của Gia Cát Lượng.  

Hiểu sai Lục tự chân ngôn Phật giáo

Dòng chữ Phạn chạy dọc bên phải lá bùa mặt sau hòn đá là câu chú của Phật giáo Mật Tông đọc là: "Úm lam, úm si-lâm, Úm ma ni bát mê hồng". Đặc biệt là sáu chữ Úm ma ni bát mê hồng là Lục tự chân ngôn của Phật giáo Mật tông. 
Người đặt hòn đá đã giải thích rằng: "Bùa này làm tăng hào quang của Phật và tăng độ linh, độ uy của Phật..." hoàn toàn không phải như vậy. Đây là câu trì tụng để Phật tử cầu Phật trừ tà ma, cầu bảy đời dòng họ được giải thoát khổ đau, bệnh tật, cầu vĩnh viễn thoát vòng sinh lão bệnh tử. 
Các câu trì tụng trên đây là thỉnh cầu Phật Tổ phù hộ cho mình (tức là xin), chứ không phải cầu để làm tăng độ linh, độ uy cho Phật Tổ (tức là cho). Hoàn toàn không phải để làm tăng độ linh, độ uy cho cho Phật, cho Đức Thánh Trần như đã giải thích. 
+++++++++++++++++++++++++++++++++++
Hòn đá lạ ở Đền Hùng: lá bùa cực độc (4)
(Kienthuc.net.vn) - Lá bùa cực kỳ độc này được đặt ở Đền Thượng của Đền Hùng, sẽ thu nạp năng lượng rất nhanh và vô cùng nguy hiểm trong tương lai. Vì thế, để trừ hậu họa, phải di dời và phá hủy nó càng sớm càng tốt. 

Tiểu nhân và quân tử

PHẦN ĐẾ CỦA HÒN ĐÁ cũng là một hòn đá màu đen tuyền, hình chóp cụt bát giác đều, cao 0,83m. Chân đế dưới to, trên hơi nhỏ. Cả tám mặt đều là hình thang cân, khắc 8 quẻ CÀN 乾. Tượng của quẻ Càn là: voi, sư tử, quân tử, vua trong cung điện... 

Bệ đá đặt trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, núi là quẻ CẤN 艮. Tượng của quẻ Cấn là: chó, chuột, trẻ con, người dân trong núi... Có 8 quẻ CÀN, chỉ có 1 quẻ CẤN. Quẻ CÀN chồng lên quẻ CẤN được quẻ kép là THIÊN SƠN ĐỘN 天山遁. 8 càn đè 1 cấn - Phải chăng ý ở đây là người ta lấy thịt đè người, muốn cưỡi trên đầu trên cổ mình?

Cụ Phan Bội Châu giải quẻ này như sau: Kẻ tiểu nhân đang tiến nhưng chưa đến thời đủ mạnh. Người quân tử đang suy nhưng có bố quẻ dương là bè bạn đang phù giúp. Nói là lui nhưng không phải là lui. Phải có cặp mắt tinh tường, thủ đoạn và nhanh nhạy, rình thời cơ mà hành sự ắt phải hanh thông. Kẻ tiểu nhân ở dưới là chỉ quẻ Cấn, là núi Nghĩa Lĩnh, là chúng ta. Người quân tử ở trên là chỉ quẻ Càn, là vua, là trời, là Bắc Quốc. (Chu Dịch của Phan Bội Châu, NXB Văn hóa thông tin, năm 1996, trang 478).

Trận đồ Bát quái ở hòn đá phóng to.
Làm thế nào để giải lá bùa độc này?

Rõ ràng hai lá bùa trên hoàn toàn không phải của Việt Nam, mà là tạp chủng lai căng giữa văn hóa Ấn Độ và văn hóa Trung Hoa, lai căng giữa Phật giáo và Đạo giáo. Nó có cả chữ Hán, chữ Phạn, có cả nhật nguyệt tinh tú vá các ký hiệu tối nghĩa lung tung khác. Nó giống như một nồi lẩu thập cẩm, tạp pí lù được ngụy trang bằng những miếng thịt, cá và rau thơm phủ lên trên mặt, nhưng bên trong toàn là cỏ độc, chất độc. 

Lá bùa cực kỳ độc hại này được đặt ở Đền Thượng của Đền Hùng. Ban đầu nó chưa hội tụ đủ năng lượng, nhưng nó được đặt ở Điện Kính Thiên, một nơi linh thiêng, tràn đầy năng lượng của Trời Đất và linh khí của Tổ tiên, nó sẽ thu nạp năng lượng rất nhanh và sớm phát tác mạnh mẽ, sẽ vô cùng nguy hiểm trong tương lai. Vì thế, để trừ hậu họa, phải di dời và phá hủy nó càng sớm càng tốt.

Cả hai lá bùa khắc vẽ trên hòn đá trấn yểm ở Đền Hùng, đều có hình thức và nội dung xuất xứ từ Trung Quốc. Nội dung các câu trì chú là cầu khẩn Đức Phật phù hộ cho cá nhân, cầu quan chức đang không được toại ý. Lá bùa còn che đậy nội dung cực kỳ thâm hiểm mang chủ nghĩa đại Hán, bành trướng bá quyền nước lớn theo ý nghĩa Địa - Chính trị, nhằm yểm triệt địa linh, thui chột nhân kiệt Việt Nam. 

Muốn giải bùa chú của Trung Quốc, phải thông thạo Hán ngữ cả văn ngôn lẫn bạch thoại, đọc được chữ Hán giản thể và phồn thể, đọc được chữ Hán viết theo lối thư pháp cuồng thảo của các trường phái viết theo thể Tiểu triện, Lệ thư, Khải thư, Thảo thư và Hành thư. Phải thông hiểu các trường phái Phật giáo, Đạo giáo và các sắc tôn giáo khác, phải thông hiểu các thể loại, hình thức và nội dung của bùa chú. Đặc biệt, phải có tư duy và vị thế của người Trung Quốc, tức là như người trong cuộc của họ thì mới hiểu và giải được các loại bùa chú. (còn tiếp)
Đây là lá bùa Trung Quốc của Đạo sĩ Trương Đạo Lăng 张道陵, người huyện Phong, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, là hậu duệ của Trương Lương, tướng nhà Hán. Trương Đạo Lăng là người hoàn thiện, nâng cao Đạo giáo và là người sáng tạo ra bùa chú ở Trung Quốc. Bùa của Trương Đạo Lăng gọi là bùa Trương Thiên Sư 张天师符. Các triều đại phong kiến, các chính phủ thời Quốc Dân đảng, đảng Cộng sản ở Trung Quốc đều sắc phong hay công nhận cho gia tộc họ Trương cha truyền con nối độc quyền hành nghề bùa chú và truyền nghề mãi các đời về sau. Đến đời thứ 62 năm 1949, Trung Quốc giải phóng, một nửa gia tộc họ Trương theo Tưởng Giới Thạch chạy ra Đài Loan, một nửa ở lại Lục địa. Từ đấy có hai chi phái bùa chú Trương Thiên Sư. Đến nay, năm 2013 là đời Trương Thiên Sư thứ 65. Phái ở Trung Quốc hiện nay là Thiên Sư đời thứ 65 là Trương Quý Hoa 张贵华, Phái ở Đài Loan hiện nay cũng là Thiên Sư đời thứ 65 là Trương Ý Tưởng 张意将.

Phạm Thức