lundi 27 mai 2013

Australia cử 12 tàu ngầm mới tuần tra Biển Đông

Hải quân Australia sẽ hạ thủy thêm 12 chiếc tàu ngầm mới làm nhiệm vụ tuần tra cả một khu vực rộng lớn kéo dài từ vùng Top End của nước này qua Melanesia, Indonesia và Biển Đông.

Trong thời bình, đội tàu ngầm của hải quân Australia sẽ làm nhiệm vụ thu thập tin tình báo tuy nhiên trong tương lai khi xảy ra chiến tranh, vai trò chính của đội tàu ngầm này là phá hủy lực lượng tàu ngầm của kẻ thù và ngăn các chiến hạm tấn công vào tàu thuyền tới hoặc rời khỏi Australia.

Tờ Australia Cuối Tuần dẫn lời Hải quân Hoàng gia Australia cho biết những chiếc tàu ngầm nằm trong dự án Future Submarine (Tàu ngầm Tương lai) còn được trang bị thêm các tàu ngầm mini điều khiển từ xa và máy bay tuần tra không người lái cỡ nhỏ. Ngoài ra, nếu tình hình an ninh trong khu vực giám sát bị đe dọa, đội tàu ngầm này có thể triển khai các tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn xa 2.500 km.

Trung tướng Hải quân Ray Griggs cho biết sự sống còn của  Australia đang phụ thuộc vào tình hình an ninh, sự thịnh vượng và hòa hợp trên biển cũng như số lượng tàu hàng vận chuyển các thùng nhiên liệu nhập khẩu. "Việc Australia có thể kết nối tự do với hệ thống thương mại đường biển toàn cầu hay không chính là điểm trọng tâm trong chiến lược hiện nay", trung tướng Griggs nói.
Tàu ngầm lớp Collin của Hải quân Australia
Tàu ngầm lớp Collin của Hải quân Australia
Đối với Australia việc giành chiến thắng trong trận chiến trong tương lai có thể giúp bảo vệ những tàu thuyền chở hàng nhằm ổn định nền kinh tế và cả lực lượng tàu thuyền chở binh lính cùng vũ khí chiến đấu. Trong đó, mối đe dọa lớn của những tàu thuyền trên chính là lực lượng tàu thuyền và tàu ngầm của kẻ thù.
Người phụ trách dự án Future Submarine – Chuẩn đô đốc Rowan Moffitt nhận định vũ khí lợi hại nhất để phá hủy một chiếc tàu ngầm chính là dùng một chiếc tàu ngầm khác. "Trong chiến đấu, vai trò hiển nhiên của một chiếc tàu ngầm là đánh chìm các tàu thuyền của đối phương nhưng quan trọng nhất vẫn là phối hợp với lực lượng chiến đấu trên không để ngăn các tàu ngầm của kẻ thù đánh chìm tàu thuyền bên mình", ông Moffitt nói.

Do đó, việc triển khai thêm 12 chiếc tàu ngầm mới được xem là vũ khí chống tàu ngầm trọng yếu của hải quân Australia trong bối cảnh lực lượng tàu ngầm trong khu vực tăng lên một cách nhanh chóng. Theo dự báo, tới năm 2030, một nửa số tàu ngầm trên thế giới sẽ tập trung khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Trong đó, cuối những năm 2020, 6 tàu ngầm lớp Collin sẽ vẫn là những vũ khí chính phòng thủ của Australia trước sự tấn công của các tàu ngầm đối phương. Sau đó, chính phủ Australia sẽ chuyển nhiệm vụ này cho 12 chiếc tàu ngầm mới dự kiến sản xuất tại thành phố Adelaide.

Ngoài ra, hải quân Australia cũng đang cân nhắc nên hay không "tăng cường" thêm các tàu ngầm lớp Collin nếu chúng không thể hiện khả năng chiến đấu tốt nhất, sẽ bị thiết kế lại hoàn toàn.

Theo chuẩn đô đốc Moffitt, những tàu ngầm này thuộc hệ thống chiến đấu phiên bản mới nhất được các tàu ngầm tấn công hạt nhân của Mỹ sử dụng cùng ngư lôi hạng nặng mà Hải quân Mỹ đang dùng. Toàn bộ những thiết kế này là sản phẩm hợp tác giữa các nhà khoa học Mỹ và Australia.

Tuy nhiên, những chiếc tàu ngầm mới nằm trong Sách Trắng 2013 của Australia dường như được thiết kế lớn hơn so với thế hệ tàu ngầm lớp Collin. Chúng có khả năng hoạt động yên tĩnh hơn và ở dưới nước lâu hơn nhờ sử dụng các mô tơ chạy bằng điện và dầu tinh vi hơn và những cục pin hiện đại hơn.

Trong khi đó, những chiếc tàu ngầm châu Âu nhỏ gọn hơn cũng đang được Australia cân nhắc trong tháng này bởi khả năng hoạt động thoải mái dưới nước trong vòng 3 tuần hoặc một tháng. Hiện nay, thời gian hoạt động dưới nước của tàu ngầm Collin là hơn 2 tháng. Cuối năm ngoái, tàu ngầm HMAS Farncombe của hải quân Australia cũng đã thực hiện hành trình dài 20.000 hải lý bao gồm các cuộc diễn tập ngoài đảo Hawaii.