mardi 14 mai 2013

Hải quân nhật


TPO - Nhật đang khẩn trương tăng cường sức mạnh hải quân nhằm đối phó với các uy hiếp an ninh và đưa Nhật trở thành một quốc gia hàng đầu khu vực.

Tokyo đặt mục tiêu ưu tiên trong định hướng phát triển của Nhật Bản là loại bỏ hậu quả các cuộc khủng hoảng và tình trạng xung đột tranh chấp kéo dài nhằm đạt được vị trí của các quốc gia hàng đầu không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới, bước phát triển mạnh mẽ này cần được hỗ trợ bằng khả năng có thể đưa ra thế giới những quyền và lợi ích của Nhật bản, đồng thời sẵn sàng bảo vệ những quyền và lợi ích đó.

Phát triển khoa học Kỹ thuật và sức mạnh quân sự của lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản, hoàn thiện các quan điểm chiến lược về phương thức sử dụng lực lượng Phòng vệ biển, có thể là điều kiện tiên quyết cho sự thay đổi định hướng chính sách đối ngoại của đất nước.

An ninh khu vực là ưu tiên số 1

Tình hình chính trị quân sự tại khu vực Đông Bắc - Á mang đặc trưng đậm nét của "một sự ổn định có giới hạn". Rõ ràng, mặc dù đã có những nỗ lực thực hiện các biện pháp đa phương để tăng cường an ninh khu vực, nhưng những nguy cơ xung đột trong khu vực này đang ngày càng phát triển. Tất cả các quốc gia, theo quan sát của các chuyên gia chính trị quân sự, bằng cách này hay cách khác đều bị kéo vào sự liên quan đến ba nguy cơ xung đột quân sự từ các phía đối lập về lợi ích địa chính trị .

Các điểm xung đột khu vực “lạnh", như "Hàn Quốc", "Đài Loan" và "Kuril". Quá trình chuyển hóa của Trung Quốc từ vị thế của một nước có sự ảnh hưởng trong trên một vùng lục địa khép kín ở "mức độ trung bình" trở thành một nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang tìm cách thống trị và bảo vệ tuyến vận tải thương mại đường biển cũng là con đường huyết mạch năng lượng, trong một cường độ cao của sự nỗ lực thái quá này cũng tạo ra nguy cơ gây xung đột lợi ích với ASEAN, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ.

Nhật Bản trong những năm gần đây phải chịu một cuộc khủng hoảng chính trị đối nội thường xuyên – Văn phòng các bộ trưởng thay đổi liên tục ở mức đáng ngạc nhiên. Cũng với những điều đó “ đất nước Mặt trời mọc” phải chịu đựng những tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đồng thời là những hậu quả nặng nề của thảm họa tự nhiên vô cùng to lớn, sau nữa là thảm họa kỹ thuật với các lò phản ứng hạt nhân nguyên tử trong nhà máy điện vào tháng 4/2011. Những vấn đề này đã đặt Nhật bản vào trong tình trạng khó khăn. Để giải quyết những khó khăn tồn tại và sự xuống dốc của nền kinh tế, Tokyo đặc biệt quan tâm đến vị thế địa chính trị của mình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên vũ đài chính trị thế giới.

Và thật như một nghịch lý của số phận, trong thế giới hiện đại ngày nay, niềm hy vọng chủ yếu và cũng là sự bảo đảm quan trọng nhất để đưa Nhật Bản lên vị trí các nước hàng đầu trong khu vực và trên toàn thế giới, tương tự như nửa đầu của thế kỷ 20 và cũng là đêm trước của đại chiến thế giới lần thứ II lại là Hải quân. Là một quốc đảo, Nhật Bản kiên quyết khẳng định, phải bảo vệ những lợi ích của dân tộc theo tinh thần ý tưởng của đô đốc Hải quân Mỹ Alexander Maha – tác giả của “Chiến lược Anaconda” hay còn được hiểu là Phong tỏa biển khơi.

Các nhà lý luận quân sự và các chuyên gia trên thực tế quân sự trong một thời gian dài đã nhận xét rằng, sức mạnh quân sự của lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trên biển chỉ đủ để thực hiện các nhiệm vụ như chống ngầm, chống thủy lôi và tiến hành những hoạt động hải tuần nhằm bảo vệ tuyến đường biển thương mại và các khu vực đặc quyền kinh tế Nhật. Tuy nhiên. Những xu hướng phát triển hiện đại ngày nay cho thấy cần phải phát triển đồng bộ lực lượng Phòng vệ biển Nhật bản trên nền tảng cơ sở căn bản mới, dựa vào những chiến hạm phi điển hình và những hệ thống vũ khí trang bị được phát triển trong khuôn khổ của các mục đích chiến lược được đặt ra theo tình hình thực tế. Sự quan tâm đặc biệt được dành cho sự phát triển năng lực phòng không và năng lực phòng thủ tên lửa, khả năng bảo vệ những đoàn tàu vận tải thương mại, bảo vệ những tập đoàn binh lực hải quân và các mục tiêu quan trọng ven bờ biển, đồng thời tiến hành các hoạt động quân sự ở những khu vực biển xa với mục đích đưa vào thực tế chiến lược phòng thủ chủ động.

Được thông qua vào năm 1999, Bộ luật "Các biện pháp nhằm bảo vệ hòa bình và an ninh quốc gia trong tình trạng khẩn cấp quanh đất nước Nhật Bản" đã mở rộng chức năng, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Nhật Bản. Lần đầu tiên trong giai đoạn lịch sử sau chiến tranh, Tokyo đã chứng minh khả năng sẵn sàng tham gia vào các hoạt động quân sự chung với Mỹ ở ngoài lãnh thổ quốc gia - tại Iraq và Afghanistan. Nhật Bản cũng cam kết đảm bảo cung cấp hậu cần, kỹ thuật cho quân đội Mỹ. Đó là nghĩa vụ thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng hải, trao đổi các thông tin tình báo, cung cấp các cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự, tiến hành các hoạt động tìm kiếm - cứu hộ phối hợp chung và tìm kiếm – cứu hộ độc lập. Triển khai các chiến dịch rà quét mìn, thủy lôi trong các khu vực hậu phương chiến trường, sơ tán các đối tượng dân sự từ các khu vực đang xảy ra xung đột quốc tế và hỗ trợ cho người tị nạn.

Hạm đội trên biển lớn – Lịch sử lặp lại

Các chiến hạm hiện đại và mạnh nhất của Nhật Bản ngày nay là các khu trục hạm lớp "Congo" và "Atago" được trang bị hệ thống radar hiện đại đa năng điều khiển hỏa lực "Aegis". Hiện nay trong hạm đội của Nhật Bản có 4 tàu Congo và hai tàu Atago thường trực sẵn sàng tác chiến. Tổng giá trị các tàu là 1,7 tỷ USD. Các chiến hạm lớp này có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên biển ở tầm xa đến 150 km, trên không đến 120 km và tàu ngầm là 20 km.

Theo Hiến pháp Nhật Bản, quân đội Nhật không được trang bị vũ khí tiến công, nhưng, nếu xem xét đến phong trào đòi thay đổi điều 9 “chống chiến tranh” của Hiến pháp ngày một tăng, đồng thời cùng với tiến trình cơ cấu lại biên chế lực lượng vũ trang. Có thể, trên các chiến hạm lớp "Congo" và "Atago" sẽ được lắp đặt các tên lửa hành trình tương tự như Tomahawk của Mỹ. Đối với Nhật Bản, những giới hạn về công nghệ hoàn toàn không tồn tại. Các chiến hạm của Nhật Bản, được trang bị các tên lửa hành trình – vũ khí tấn công, có được hệ thống phòng thủ tốt nhất trước các đòn công kích từ trên không, trên biển và có khả năng chống ngầm hiệu quả, sẽ trở thành đối thủ vô cùng nguy hiểm của các cụm tàu công kích hải quân chủ lực, các căn cứ quân sự của đối phương trên bờ biển và các mục tiêu quan trọng khác.

Nhưng nếu trên các chiến hạm Nhật Bản xuất hiện các tên lửa có cánh, tầm bắn của nó sẽ chỉ giới hạn trong khoảng cách 550 km, để các tên lửa này không được định danh là “vũ khí tiến công chiến lược” và áp đặt một chế độ kiểm tra kiểm soát quốc tế lên công nghệ tên lửa Nhật Bản. Trong trường hợp vị thế của Nhật Bản trên trường thế giới tăng cao (Ví dụ: Nhật Bản trở thành thành viên của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc), lúc đó có thể tăng cường tầm bắn của tên lửa hành trình. Mỹ cũng đã từng cho phép tăng tầm bắn của tên lửa hành trình trên các tàu của hạm đội Hàn Quốc từ 300 km lên đến 800 km.

Trong lĩnh vực công nghiệp đóng tàu hải quân, Nhật Bản có kế hoạch đóng 3 chiếc khu trục hạm, và đến năm 2020 – thêm 4 chiếc khu trục hạm lớp Atago để tăng cường lực lượng cho 4 chiến hạm Congo.

Theo kế hoạch đóng tàu hải quân của lực lượng phòng vệ biển, đến năm 2015 sẽ hoàn thành biên chế vào lực lượng 5 khu trục hạm, đến năm 2020 sẽ tăng cường thêm 10 khu trục hạm có lượng giãn nước và kích thước nhỏ hơn. Các chiến hạm hiện đại này sẽ thay thể các chiến hạm lỗi thời, đang từng bước được rút ra khỏi biên chế hạm đội tính từ năm 2011. Các chiến hạm mới sẽ được tăng cường những tính năng kỹ chiến thuật hiện đại như: khả năng chống ngầm, tác chiến hiệu quả với các mục tiêu trên mặt nước và trên không nhằm mục đích bảo vệ các cụm tàu quân sự lớn. Các khu trục hạm này sẽ có giá thành khoảng 1 tỷ USD. Là đất nước có nền công nghiệp điện tử và vật liệu hàng đầu thế giới, các tàu khu trục sẽ được áp dụng công nghệ Stealth. Vũ khí bao gồm: Các tên lửa phòng không tầm trung và tầm xa, các tên lửa chống tàu và các tên lửa chống ngầm. Hệ thống điều khiển hỏa lực dang mudule hóa có định danh là mini – Aegis.

Một điều rất bất ngờ cho thế giới khi xuất hiện thông báo của Bộ quốc phòng Nhật Bản: Chiếc khu trục hạm chở máy bay trực thăng lớp "Hyuga" đầu tiên được biên chế vào Hạm đội của lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản. Chiến hạm mới này được chính thức biên chế vào Hải quân Nhật vào tháng 4.2009, có căn cứ tại Yokosuka. Chiến hạm mới mang trực thăng trên thực tế là một tàu sân bay hạng nhẹ hoặc một tàu đổ bộ mang trực thăng, nhưng người Nhật kiên quyết gọi là “tàu khu trục mang trực thăng” (do định danh như vậy phù hợp với điều kiện phòng ngự và không trái với Hiến pháp Nhật bản).

Tàu này có thể mang đến 11 phương tiện bay các loại, bao gồm cả máy bay trực thăng vận tải đổ bộ đường không và máy bay trực thăng chiến đấu, trên tàu có thể vận tải một lực lượng lính đổ bộ đường biển lên đến 500 quân nhân. Trong Bộ Quốc phòng Nhật bản đã có những ý kiến về việc, trên những hạm tàu như vậy có thể xuất hiện máy bay chiến đấu F-35, nhưng chỉ tham gia tác chiến phòng không. Nhiệm vụ chủ đạo của tàu “Hyuga” là thành lập hệ thống chống ngầm trên biển đồng thời là trung tâm chỉ huy, tham mưu và điều hành tác chiến.


Vào năm 2008, bắt đầu chương trình đóng chiếc tàu tương tự thứ 2 "Ise", theo kế hoạch sẽ được biên chế vào lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản vào tháng 04.2011. Đến năm 2015 theo kế hoạch sẽ có 3 tàu lớp Hyuga, và đến năm 2020 sẽ có 4 tàu lớp Hyuga được biên chế vào Hạm đội Nhật Bản.

Trong giai đoạn năm 1998–2003. Trong biên chế của Hải quân Nhật bản đã được đưa vào sử dụng 3 tàu đổ bộ lớp Ōsumi. Người Nhật với tính khiêm tốn của mình đã xếp loại các tầu đổ bộ là các tàu vận tải chở quân đổ bộ, nhưng điều đó hoàn toàn không chính xác. Các tàu đó phân loại chính xác phải là các tàu đổ bộ của lực lượng lính thủy đánh bộ - do có thể mang theo trên boong cả trực thăng tấn công lẫn các phương tiện đổ bộ đường biển (xe lội nước, thiết giáp, xe tăng hạng nhẹ, bộ binh…). Và đó đã là vũ khí - khí tài tiến công cấp chiến dịch – chiến lược.

Lực lượng tàu ngầm của Nhật Bản không nổi tiếng với những tàu ngầm hạt nhân, nhưng trên thực tế là lực lượng rất mạnh. Có tất cả 18 tàu ngầm diesel, trong đó có 11 tàu ngầm hiện đại lớp "Oyashio" được đưa vào biên chế từ năm 1998 – 2008. Tàu ngầm được đóng theo sơ đồ công nghệ tiên tiến nhất “chiếc lá) hiện nay, trong đó toàn bộ thân tàu được phủ một lớp vật liệu hấp thụ sóng siêu âm và thủy âm, thân tàu hoạt động tương tự như đài radar sonar – thụ động. Giá thành của một chiếc tàu ngầm là 700 triệu USD.

Các tàu ngầm tương lai của Nhật bản là lớp tàu "Soryu" (chiếc thứ nhất được đưa vào biên chế vào tháng 4.2009. Tàu có lượng giãn nước lớn hơn, cánh ổn định đuôi hình chữ thập, loại tàu ngầm này sử dụng động cơ Stirling, điều này cho phép tàu ngầm có thể hoạt động dưới nước rất lâu, không cần phải nổi lên để nạp bình ắc quy trong nhiều tuần. Dự kiến đến năm 2015 sẽ đóng được 5 tàu sử dụng động cơ Stirling, đến năm 2020 sẽ là 8 tàu ngầm “Soryu”, đơn đặt hàng của Hải quân Nhật bản là 20 tàu ngầm.

Từ Đại đông Á đến “ Không gian thịnh vượng chung”

Trong năm tài khóa 2009 ngân sách đã phân bổ 10 tỷ USD cho sự phát triển của Hạm đội Nhật Bản, do ảnh hưởng của hậu quả kinh tế từ những thảm họa sóng thần và sự cố tại nhà máy điện hạt nhân "Fukushima-1" khoản ngân sách cho lực lượng Hải quân sẽ buộc phải tăng lên. Đồng thời Nhật Bản đang cố gắng để tiết kiệm chi tiêu trên những lĩnh vực "không cốt lõi". Ngày 15.1.2010 Bộ trưởng Quốc phòng Nhật đã ra lệnh rút các tàu Nhật Bản khỏi Ấn Độ Dương, nơi họ đã có mặt từ tháng 12.2001 để cung cấp hỗ trợ hậu cần cho liên đoàn không quân đa quốc gia. Tám năm qua, Nhật Bản đã tiếp nhiên liệu cho các tàu chiến thuộc lực lượng đồng minh và máy bay trực thăng, cung cấp nước uống hoàn toàn miễn phí. Tổng chi phí cho các hoạt động này là hơn 786.000.000 USD.

Đồng thời, Nhật Bản dự định sẽ tăng cường sự hiện diện của mình tại căn cứ quân sự ở Djibouti, nhằm nâng cao khả năng đóng góp của mình trong cuộc chiến chống hải tặc. Căn cứ này đã là nơi đóng quân của 2 tàu khu trục và hai máy bay tuần biển Orion P-3 thuộc Lực lượng Phòng vệ Biển, quân số đảm bảo hậu cần kỹ thuật là khoảng vài trăm nhân viên quân sự. Chi phí dành cho xây dựng các công trình quân sự của căn cứ quân sự Nhật Bản đầu tiên ở nước ngoài tính từ sau đại chiến thế giới lần thứ II là 40 triệu USD. Theo đánh giá của các chuyên gia, bước phát triển tiếp theo là định hướng bảo vệ cho hơn 2.000 chiếc tàu thuyền thương mại, hàng năm di chuyển qua Vịnh Aden, đồng thời củng cố vị trí của mình trên Ấn Độ Dương, nơi mà hạm đội Nhật Bản sẽ phải cạnh tranh cùng với các hạm đội của Ấn Độ và Trung Quốc.

Trong tình huống có sự gia tăng khả năng xung đột, chính sách quân sự của Nhật Bản đồng thời với sự xem xét lại các điều khoản của Hiến pháp Nhật Bản sẽ định hướng thay đổi cơ cấu tổ chức và biên chế của lực lượng Phòng vệ Biển. Sự thay đổi này có thể là hình thành các Cụm hải quân công kích chủ lực, biên chế của cụm hải quân công kích chủ lực bao gồm một tàu sân bay hạng nhẹ hoặc một tàu đổ bộ hải quân, các tàu khu trục tên lửa yểm trợ hỏa lực và tàu ngầm, có khả năng tấn công các mục tiêu ven bờ hoặc sâu trong đất liền đối phương bằng tên lửa hành trình và không quân, đồng thời làm nhiệm vụ dọn bãi cho đổ bộ đường biển.

Cụm hải quân công kích chủ lực (Hải đoàn) có những tính chất đặc trưng như: Hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không rất mạnh, có khả năng chống ngầm cao. Các tàu ngầm động cơ Sterling có khả năng bí mật, bất ngờ công kích tất cả các chiến hạm nổi và các tàu ngầm các loại của đối phương. Khả năng tiến hành ổn định quá trình hiện đại hóa Hải quân của Nhật Bản vượt xa tất các các nước có tiềm năng trong khu vực, nhờ sự gắn kết và tương hỗ lẫn nhau với hải quân Mỹ. Cùng với sự liên minh chặt chẽ giữa hạm đội Mỹ trên biển Thái Bình Dương và hạm đội Nhật Bản, lực lượng phòng vệ Nhật có khả năng đối phó với mọi đối thủ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Nhật Bản tuyên bố phát triển quân sự nhằm mục đích nhằm giảm thiểu các nguy cơ chiến tranh từ hướng Triều Tiên, nhưng những tuyên bố này gặp phải sự chỉ trích từ nhiều hướng. Trên thực tế Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản có tiềm lực quân sự lớn hơn gấp nhiều lần Triều tiên, mặc Triều tiên có số lượng chiến hạm nhiều hơn, nhưng chủ yếu là xuồng phóng lôi, chiến hạm hạng nhẹ và tàu ngầm, được chế tạo từ những năm 1950 – 1970. Năng lực tác chiến thực tế của lực lượng này trong điều kiện xung đột thật sự sẽ nhanh chóng bằng 0.

Với những căng thẳng đang leo thang trong tranh chấp chủ quyền quần đảo Nam Kuril, tiến trình xây dựng, phát triển và hiện đại hóa Hải quân Nhật Bản có thể được đánh giá như một nguy cơ đối với Hạm đội Thái Bình Dương của Nga. Với tình hình hiện nay của hạm đội: những chiến hạm và vũ khí trang bị tác chiến đã bị lỗi thời, thiếu hụt biên chế đội ngũ sĩ quan chỉ huy có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, cơ sở vật chất hậu cần kỹ thuật không đầy đủ, công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của quân nhân, hạ sĩ quan binh sĩ chất lượng thấp.

Trong trường hợp xung đột quân sự, hạm đội Thái Bình Dương có thể phải đối đầu với một lực lượng hải quân có phương tiện tác chiến và trang thiết bị kỹ thuật hiện đại và có quân số lớn hơn, ngăn chặn khả năng phát triển xung đột theo chiều hướng có lợi cho Nhật Bản chỉ có thể là vũ khí hạt nhân. Mặc dù vậy, quan điểm của Nga đối với sự tăng cường lực lượng Hải quân của Nhật Bản nằm ngoài nguy cơ gây mất an ninh khu vực và xung đột vũ trang, Nga tập trung sự quan tâm của mình trên các điều kiện ngoại giao song phương giữa hai nước và phấn đấu đạt mục đích là đối tác kinh tế và hợp tác phát triển trao đổi thương mại song phương hai chiều.

Một quan điểm khác về quyết định hiện đại hóa lực lượng Phòng vệ biển Nhật bản bắt nguồn tự sự bùng nổ xung đột về chủ quyền xung quanh quần đảo Senkaku (Điếu Ngư). Chính sách hải dương của Trung Quốc, trong một thời gian dài được đánh giá là người khổng lồ lục địa là một đón rất mạnh giáng vào an ninh quốc gia của Tokyo, buộc chính quyền Nhật Bản phải suy nghĩ lại về tiềm lực quân sự của nước mình và khả năng khai thác sử dụng tiềm lực quân sự đó trong điều kiện thực tế.

Sự xuất hiện của chiếc tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Trung Quốc, sự hiện diện của lực lượng tàu ngầm nguyên tử, quá trình đóng mới các chiến hạm nổi hiện đại dựa trên cơ sở khoa học công nghệ của Liên bang Nga và Phương Tây, hoàn thiện và hiện đại hóa chiến thuật sử dụng lực lượng các hạm đội (tổ chức và biên chế các cụm hải quân xung kích chủ lực, hoàn thiện các hoạt động tác chiến trong các chiến dịch đổ bộ, các chiến dịch phòng thủ tên lửa, phòng không và chống ngầm) thực sự đã gây lên sự nghi ngờ và lo lắng về nguy cơ xung đột vũ trang, thúc đẩy người Nhật phải có các hoạt động đáp trả.

Hàn Quốc cũng đang bước trên con đường hiện đại hóa lực lượng hải quân, đóng những chiến hạm có ứng dụng công nghệ hiện đại và các tàu ngầm. Các khu trục hạm Hàn Quốc và các tàu ngầm tương lai có khả năng tấn công các mục tiêu trên mặt đất có tầm xa đến 800 km. Tuyên bố về xây dựng các khu vực phòng thủ tên lửa trên biển, thay đổi quan điểm chiến dịch – chiến thuật của hạm đội. Hàn Quốc cũng bắt đầu tiến trình ra khỏi các khu vực ven biển. Tokyo cũng không bỏ qua khả năng Hàn quốc phát triển lực lượng Hải quân không chỉ nhằm ngăn chặn nguy cơ chiến tranh từ phía Triều Tiên, mà còn biểu dương sức mạnh của mình đối với một đối thủ truyền thống. Không loại trừ tiềm năng hải quân của Hàn Quốc phát triển sẽ khơi dậy các vấn đề trầm trọng hơn trong tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Dokdo (Takeshima).

Rõ ràng, chính phủ mới của Thủ tướng Nhật Abe Shinzo Abe đang tăng cường sức mạnh hải quân nhằm mục đích đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia hàng đầu khu vực. Trong giai đoạn sắp tới, Hải quân Nhật bản sẽ mở rộng các hoạt động trong khu vực địa chính trị của mình như mở rộng hải đồ tuần biển và các căn cứ hải quân ở nước ngoài, gia tăng cường độ diễn tập thực binh độc lập hoặc cùng với các lực lượng hải quân các nước đồng minh, hoàn thiện các công nghệ hàng hải tiên tiến, đặc biệt trong lĩnh vực tự động hóa, điện tử viễn thông và và các trang thiết bị ngành công nghệ thông tin. Đây sẽ là một vòng xoáy mới của cuộc chạy đua vũ trang trên vùng nước Đông Bắc Á nói riêng và các vùng biển châu Á nói chung, làm mỏng manh thêm tình hình an ninh khu vực, vốn đã rất không ổn định trong giai đoạn gần đây.