"Tẩy chay hàng hóa kém chất lượng Trung Quốc" - bằng cách nào?
Cách đây 3 tháng tôi đã tuyên bố sẽ phản đối Trung Quốc (TQ) bằng cách riêng của mình, đó là thực hiện kế hoạch thay thế các sản phẩm Trung Quốc hiện đang kinh doanh sang một nguồn hàng khác. Phương án này được nhiều bạn bè ủng hộ, nhưng cũng không ít người khuyên tôi không nên cực đoan vì kinh doanh là vấn về dân sự.
Sản phẩm TQ hiện chiếm lĩnh thị trường với hơn 90% các mặt hàng từ tiêu dùng đến công nghiệp, thậm chí là cái quần lót cũng “made in China”. Có thể không quá lời khi nói rằng hầu hết chúng ta đang là nô lệ! Chúng ta đang bị xiềng xích bằng những nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu sinh sống và nhu cầu phát triển kinh tế…
Tình trạng nô lệ kinh tế, điển hình là sản phẩm Trung Quốc là một tiến trình lâu dài, có kế hoạch với mục tiêu là tràn ngập thị trường VN với sản phẩm TQ đáp ứng hầu hết các nhu cầu của người tiêu dùng VN từ bình dân đến cao cấp. Dựa vào tâm lý của người tiêu thụ Việt Nam và nguồn vốn khổng lồ cũng như nhân công rẽ mạt từ Trung Quốc, phương hướng xâm thực thị trường của TQ là muốn đẹp có đẹp, muốn rẻ có rẻ, muốn chất lượng cũng có luôn. Riêng mặt hàng tôi đang kinh doanh là gạch ốp tường, lát nền và những sản phẩm liên quan đến vật liệu xây dựng là minh chứng rõ nhất cho điều trên. Nhưng có thực sự chúng ta không thể thoát khỏi sự nô lệ với sản phẩm Trung Quốc không?
Không! Chúng ta có thể thoát khỏi điều đó nếu chúng ta nhìn nhận được thực tế vấn đề. Điểm mạnh không thể phủ nhận của hàng hóa TQ là tính đa dạng và mẫu mã bắt mắt nhưng một sản phẩm còn có những yếu tố rất quan trọng khác:
Về giá: Thực tế không rẻ hơn hàng VN và những hàng khác nếu theo đúng quy trình nhập khẩu với mức thuế 60%. Đa số hàng hóa rẻ từ TQ đều nhập chui theo đường tiểu ngạch hoặc khai báo Hải quan thấp hơn giá thực tế. Nếu không “đóng thuế” riêng cho Hải quan thì thực tế giá thành còn rẻ hơn nhiều!
Về chất lượng: Thấp hơn nhiều so với hàng VN cùng chủng loại nhưng đều này thường ít được quan tâm bởi khó phân biệt và sự che lấp cho qua vì lợi nhuận của người bán hàng cộng thêm sự dễ dãi của người tiêu dùng. Ví dụ như gạch bóng kính rẻ của TQ có giá thành 175K/m2 thì sản phẩm tương tự của Đồng Tâm có giá 235K/m2, nhưng thực tế chất lượng của hàng TQ chỉ bằng một nửa. Tôi có thể chứng minh tại chỗ điều này theo kinh nghiệm của mình và tôi nghĩ những người khác cũng thấy sự khác biệt đó trong ngành kinh doanh của họ. Nhưng tại sao tất cả đều im lặng? Và tại sao người tiêu dùng không đặt nghi vấn? Thưa vì tất cả chúng ta đều cam chịu để thỏa mãn cái nhu cầu trước mắt!
Tuy nhiên, cũng cần phải phân biệt rõ giữa sản phẩm nội địa TQ và sản phẩm gia công cho thương hiệu nước ngoài là khác nhau. Ngoài ra, các sản phẩm được sản xuất bởi những thương hiệu uy tín của TQ rất chất lượng nhưng vẫn có sự phân biệt lớn giữa hàng xuất cho “tiêu chuẩn quốc tế” và “tiêu chuẩn Việt Nam”. Nói rõ hơn, đối với TQ thì thị trường VN chỉ là khách hàng hạng 2 hay 3,4,5 gì đó, thậm chí là một “bãi rác thải” theo đánh giá ngầm hiểu của giới kinh doanh.
Sự yếu kém của chính phủ về tầm vĩ mô đã được xác nhận bằng việc mất kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập từ TQ làm lủng đoạn kinh tế nội địa và tăng nguy cơ tàn phá nội tạng của người dân. Trong nổ lực nhỏ bé của mình thì về cơ bản công ty tôi đã thay thế được gần 40% sản phẩm TQ nhưng vẫn còn khó khăn lớn về vốn duy trì bởi hạn mức công nợ cho phép của các đối tác nhập khẩu. Sự lệ thuộc phần lớn vẫn còn đó nhưng tôi hy vọng trong 6 tháng tới công ty sẽ kiếm được nguồn vốn thay thế để “đoạn tuyệt” hoàn toàn với hàng hóa TQ.Chúng ta có thể ăn dở một chút, mặc đồ xấu một chút, ở bình thường một chút, sống khó khăn một chút nhưng còn tốt gấp bội lần khi chúng ta thỏa mãn những điều đó để rồi trở thành nô lệ. Tồi tệ hơn là nô lệ trong sự đau khổ vì bệnh tật. Không một thế lực hiện tại nào có thể giúp ta ngoài chính bản thân chúng ta phải nổ lực để “giải phóng” nó. Cố gắng vượt qua sự cám dỗ đẹp đẽ, rẻ rúng kia để nói “KHÔNG” với hàng hóa Trung Quốc!
Paulo Thành Nguyễn