mardi 9 octobre 2012

Dân Văn Giang 'dồn' Chính phủ

Cập nhật: 11:04 GMT - thứ ba, 9 tháng 10, 2012

Người dân Văn Giang ở Hà Nội
Người dân mất đất nói họ rơi vào cảnh 'gạo chợ, nước sông'

Công dân chống tham nhũng Lê Hiền Đức nói dân Văn Giang đang 'dồn Chính phủ tới chân tường' khi họ liên tục lên Hà Nội yêu cầu chính quyền giải quyết khiếu nại của họ về vụ thu hồi đất đai hồi tháng Tư năm nay.
Bà Đức nói nếu hồi tháng Tư người dân bị dồn tới chân tường thì nay tới lượt Chính phủ với điều mà bà gọi là những lý lẽ xác đáng và sự kiên trì của người dân.
Công dân chống tham nhũng được giải thưởng quốc tế đưa ra bình luận vào ngày mà hàng trăm người dân Văn Giang đã tới trụ sở của Ban Dân vận Trung ương để khiếu nại về việc cưỡng chế thu hồi đất mà họ coi là trái pháp luật.

Ông Lê Văn Dũng từ xã Xuân Quan nói với BBC ông và "khoảng 300 người" đã tới Ban Dân vận Trung ương sáng ngày 9/10 và sau đó được đại diện của ban này tiếp trong vòng nửa tiếng.
"Nguyện vọng chính của bà con là để có đất sản xuất, thì họ cũng chấp nhận ý kiến và người ta ghi lại thôi,"
"Người ta ghi lại để người ta báo cáo với Ban chứ cũng không phải để người ta giải quyết."
"Chúng tôi đi [Hà Nội] để người ta biết [việc tiếp tục khiếu kiện]."
"Trước đây chúng tôi không đi thì người ta đánh giá là đồng thuận rồi, buộc lòng mỗi tuần chúng tôi phải đi một hai hôm," ông Dũng nói và cho biết thêm ngày mai, 10/10, người dân sẽ lại lên Hà Nội để gặp đại diện của Mặt trận Tổ quốc.

'Gạo chợ, nước sông'

Theo ông Dũng, hiện vẫn còn hơn 200 hộ dân chưa nhận tiền đền bù cho dù hơn hai héc-ta đất của họ đã bị thu hồi cho dự án phát triển đô thị sinh thái Ecopark.
Bản thân ông Dũng nói ông đã mất tổng cộng gần 900 m2 đất trong đó hơn 500 m2 bị thu hồi năm 2009 và hơn 300 mét còn lại bị thu hồi vào tháng Tư năm nay.

Ông Lê Văn Dũng (trong ảnh) đã trở lại 
cấy lúa trên đất bị cưỡng chế vì 
không muốn đất bị bỏ hoang

"Gia đình tôi mất trắng, tám, chín năm nay có thu được gì đâu,"
"Trước kia chia đất thì có năm người [trong gia đình]. Bây giờ các cháu xây dựng gia đình rồi, còn hai vợ chồng và một anh con trai thì ở nhà cứ làm ăn quanh quẩn ở cái vườn trong nhà thôi, trồng cái rau, cái dưa để kiếm đồng ăn."
"Dân chúng tôi bây giờ trở lại cảnh 'gạo chợ, nước sông', không còn cái hạt thóc như xưa nữa rồi."
"Cái chính của chúng tôi là cái đất nông nghiệp để cấy lúa sinh sống từ ngàn đời xưa tới nay nhưng hiện nay là bị mất trắng, không có cái thu.
"Trong cái cảnh phải đong gạo ăn ngoài thị trường là khổ lắm rồi."
Ông Dũng cũng nói thêm tình trạng thất nghiệp vì không còn đất nông nghiệp đã tăng lên và chỉ riêng xã Xuân Quan đã có gần 9.000 hộ dân lao động mất đất.
Ông Dũng và một số người nông dân khác đã trở lại những khu đất bị cưỡng chế để cấy lúa và họ chuẩn bị được thu hoạch.

'Tốc độ chóng mặt'

"Chưa bao giờ, doanh nghiệp và nhân dân thấy Bộ TN-MT thực hiện thủ tục thẩm định với tốc độ chóng mặt như vậy (ngày 28/06/2004 nhận Tờ trình của UBND tỉnh Hưng Yên, ngày 29/06/2004 Thứ trưởng Đặng Hùng Võ ký Tờ trình gửi Thủ tướng, ngày 30/06/2004 Thủ tướng ký Quyết định 742/QĐ-TTg)." Luật sư Trần Vũ Hải


Trong diễn biến có liên quan, Luật sư Trần Vũ Hải, người đại diện cho một số hộ dân Văn Giang, đã vừa có ý kiến phản bác các phản hồi của Bộ Tài nguyên Môi trường liên quan tới dự án Ecopark.
Luật sư Trần Vũ Hải cáo buộc bộ này đã có nhiều tư vấn sai trái và không đúng thẩm quyền cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về chuyện phê duyệt dự án Ecopark.
Luật sư Hải nói dự án này đã được trình và phê duyệt với tốc độ quá nhanh để tránh bị đổ bể khi Luật Đất đai mới có hiệu lực chỉ một ngày sau khi Thủ tướng phê duyệt dự án.



 Quảng cáo của Ecopark vẽ ra một 
hình ảnh đô thị xanh và hiện đại

Trong văn bản gửi tới Bộ Tài nguyên Môi trường, Luật sư Hải viết: 
"Chưa bao giờ, doanh nghiệp và nhân dân thấy Bộ TN-MT thực hiện thủ tục thẩm định với tốc độ chóng mặt như vậy (ngày 28/06/2004 nhận Tờ trình của UBND tỉnh Hưng Yên, ngày 29/06/2004 Thứ trưởng Đặng Hùng Võ ký Tờ trình gửi Thủ tướng, ngày 30/06/2004 Thủ tướng ký Quyết định 742/QĐ-TTg).

"Nội dung Tờ trình số 99/TTr.BTNMT ngày 29/06/2004 có rất nhiều điểm trái và không phù hợp pháp luật tại thời điểm đó (chúng tôi sẽ phân tích dưới đây, ngoài ra đề nghị xem nội dung dự thảo đơn tố cáo của đại diện những hộ dân Văn Giang)"
"Việc làm trên không thể coi là thực hiện đúng trình tự thủ tục hành chính, mà cần phải coi là cố ý làm ẩu, làm gấp để tránh Luật đất đai 2003 (có hiệu lực từ 01/7/2004) phục vụ lợi ích của Chủ đầu tư, vì theo Luật đất đai 2003 không còn quy định về đổi đất lấy hạ tầng."
Trước đó ông Hải đã đại diện cho các hộ dân gửi tới Bộ Tài nguyên Môi trường văn bản đề nghị giải thích nhiều điểm về dự án Ecopark.

Theo văn bản này có nêu chuyện "các quyết định 303/QĐ-TTg và 742/QĐ-TTg năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến Dự án Ecopark được ban hành không đúng thẩm quyền, có nhiều nội dung trái pháp luật đất đai".

Ngoài ra, LS Hải cũng viết rằng "Bộ Tài nguyên Môi trường chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu sai cho Thủ tướng trong việc ban hành 02 quyết định trên, đã làm trái chức năng, nhiệm vụ của mình được quy định tại NĐ 91/2002/NĐ-CP, khi thẩm tra đã không phát hiện UBND tỉnh Hưng Yên thực hiện trái trình tự Điều 23 Nghị định 04/2000/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Điều 10 của Nghị định 66/2000/NĐ-CP)."

Bộ Tài nguyên Môi trường cũng được yêu cầu giải thích về vấn đề "người dân không có trách nhiệm phải thi hành một quyết định thu hồi đất mà không ghi tên họ, diện tích đất của họ bị thu hồi, và không được giao cho họ".
Ngoài ra, ông Trần Vũ Hải nêu rằng "việc cưỡng chế và hỗ trợ thi công của Chính quyền địa phương tại Hưng Yên rõ ràng trái pháp luật."