Bởi Richard N. Haass | Project Syndicate
Minh Trang dịch
New York – Hãy để tôi thừa nhận một ý tưởng căn bản: Mối đe dọa quan
trọng nhất đối với Mỹ hiện nay và trong tương lai gần không phải là một
Trung Quốc đang trỗi dậy, một Bắc Triều Tiên khinh suất, một Iran có vũ
khí hạt nhân, chủ nghĩa khủng bố hiện đại hay biến đổi khí hậu. Mặc dù
những điều đó tạo thành những mối đe dọa thực sự hoặc tiềm tàng, những
thách thức lớn nhất đối với Mỹ lại là nguồn nợ chồng chất, cơ sở hạ tầng
hư hại, các trường tiểu học và trung học hạng hai, hệ thống nhập cư lỗi
thời, và tăng trưởng kinh tế chậm – tóm lại là các nền tảng nội địa tạo
nên sức mạnh Mỹ.
Bàn tay vô hình bị bất lực trong nền địa chính trị
thế giới ? (Ảnh: Internet)
Độc giả ở những quốc gia khác có thể cảm thấy bị cám dỗ để phản ứng
lại nhận định này bằng một niềm vui trên sự đau khổ của kẻ khác, lấy làm
thích thú nhiều hơn khi thấy Mỹ gặp khó khăn. Phản ứng như vậy không có
gì đáng ngạc nhiên. Nước Mỹ và những người đại diện cho nó từng bị buộc
tội ngạo mạn (Mỹ có thể thường được coi là một quốc gia không thể
thiếu, nhưng sẽ tốt hơn nếu để các quốc gia khác chỉ ra điều
này), và rất dễ hiểu là các ví dụ về tính không nhất quán giữa các
nguyên tắc và hoạt động thực tiễn của Mỹ gây cáo buộc thói đạo đức giả.
Khi Mỹ không tuân thủ các nguyên tắc mà họ rao giảng cho người khác, họ
gây ra sự oán giận.
Tuy nhiên, giống như hầu hết những cám dỗ khác, cảm giác hả hê trước
những khiếm khuyết và những cuộc tranh đấu của Mỹ nên được ngăn chặn.
Mọi người dân trên toàn cầu nên thận trọng với những gì họ mong ước. Sẽ
phải trả một cái giá rất đắt nếu Mỹ thất bại trước những thách thức
trong nước. Thực tế là, phần còn lại của thế giới đặt cược vào sự thành
công của Mỹ lớn gần bằng sự đặt cược của chính người Mỹ.
Một phần nguyên nhân là do kinh tế. Kinh tế Mỹ vẫn chiếm khoảng một
phần tư sản lượng toàn cầu. Nếu kinh tế Mỹ tăng tốc, khả năng tiêu thụ
hàng hóa và dịch vụ của các quốc gia khác tại Mỹ để sẽ gia tăng, do đó
thúc đẩy tăng trưởng trên toàn thế giới. Vào thời điểm khi Châu Âu đang
trôi nổi, còn Châu Á thì chậm lại, chỉ có Mỹ (hoặc rộng hơn là Bắc Mỹ)
có khả năng lái nền kinh tế toàn cầu trở về mức hồi phục.
Hoa Kỳ vẫn là nguồn độc nhất cho sự đổi mới. Hầu hết các công dân
trên toàn cầu giao tiếp bằng các thiết bị di động dựa trên công nghệ
được phát triển tại thung lũng Silicon; cũng giống như vậy, Internet
được tạo ra ở Mỹ. Gần đây, các công nghệ mới được phát triển tại Mỹ đã
làm gia tăng đáng kể khả năng chiết xuất dầu lửa và khí đốt tự nhiên từ
các hệ địa chất dưới lòng đất. Công nghệ này đang phổ biến ra toàn cầu,
cho phép các xã hội khác gia tăng sức sản xuất năng lượng và giảm thiểu
sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu tốn kém cũng như lượng khí thải carbon
của họ.
Nước Mỹ cũng là nguồn cung cấp các ý tưởng vô giá. Các trường Đại
học đẳng cấp thế giới của nước này đào tạo ra một tỉ lệ phần trăm đáng
kể các nhà lãnh đạo tương lai của thế giới. Về cơ bản, Mỹ từ lâu đã là
một ví dụ điển hình về những gì mà nền kinh tế thị trường và chính trị
dân chủ có thể đạt được. Có nhiều khả năng người dân và các chính phủ
trên khắp thế giới sẽ trở nên cởi mở hơn nếu mô hình Mỹ được cảm nhận là
thành công.
Cuối cùng, thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng,
từ sự cần thiết phải ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống
biến đổi khí hậu, và duy trì một trật tự kinh tế thế giới đang vận hành
nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư để điều chỉnh cách hành xử trong
không gian mạng, cải thiện nền y tế toàn cầu, và ngăn chặn các cuộc xung
đột vũ trang. Những vấn đề này sẽ không đơn giản tự biến mất hoặc tự
giải quyết được.
Trong khi “bàn tay vô hình” của Adam Smith có thể đảm bảo sự thành
công của các nền thị trường tự do, nó lại bất lực trong nền địa chính
trị thế giới. Trật tự đòi hỏi phải có bàn tay hữu hình của sự lãnh đạo
nhằm diễn giải và tạo ra các phản ứng toàn cầu trước những thách thức
toàn cầu.
Nhưng đừng hiểu sai ý của tôi: Không điều nào trong số đó gợi ý rằng
nước Mỹ có thể tự giải quyết các vấn đề của thế giới một cách hiệu quả.
Chủ nghĩa đơn phương hiếm khi có tác dụng. Không chỉ bởi vì Mỹ thiếu
tiềm lực; bản chất của các vấn đề toàn cầu hiện nay cho thấy chỉ có các
phản ứng tập thể mới có cơ hội tốt để thành công.
Nhưng ủng hộ cho chủ nghĩa đa phương thì lại dễ dàng hơn rất nhiều
so với việc thiết kế và thực hiện. Ngay bây giờ, chỉ có duy nhất một ứng
cử viên cho vai trò này: Hoa Kỳ. Không một quốc gia nào khác có được sự
kết hợp cần thiết giữa năng lực và triển vọng.
Điều này làm tôi quay trở lại với lập luận rằng nước Mỹ phải tự giải
quyết các khó khăn của mình trước – về kinh tế, cơ cấu, xã hội, và
chính trị – nếu có ý định tạo ra các nguồn lực cần thiết để thúc đẩy
trật tự thế giới. Mọi người nên hy vọng rằng nước này sẽ làm điều đó:
Lựa chọn khác cho một thế giới được dẫn dắt bởi Mỹ không phải là một thế
giới được dẫn dắt bởi Trung Quốc, Châu Âu, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, hay
bởi bất cứ quốc gia nào khác, mà là một thế giới hoàn toàn không được
lãnh đạo. Một thế giới như vậy sẽ hầu như chắc chắn mang đặc trưng của
xung đột và khủng hoảng kinh niên. Điều đó sẽ không chỉ là điềm xấu đối
với người Mỹ mà còn đối với đại đa số các cư dân trên hành tinh.
Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, từng là
Giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ (2001-2003),
đồng thời là đặc phái viên của Tổng thống Geogre W. Bush ở Bắc Ai-len và
Pakistan, trước khi từ chức khỏi chính quyền Bush trong nỗ lực phản đối
chống lại cuộc chiến tranh Iraq. Ông là tác giả cuốn “Chính sách đối
ngoại bắt đầu từ trong nước: Trường hợp sắp xếp lại trật tự Ngôi nhà Mỹ”
(Foreign Policy Begins at Home: The Case for Putting America’s House in
Order).
Nguồn: Dịch từ tiếng Anh: Richard N. Haass, The World Without America, Project Syndicate, ngày 30 Tháng Tư 2013.
Bản Tiếng Việt © 2013 The Pacific Chronicle