dimanche 29 janvier 2012

Việt Nam bị tố cáo tiếp tay cho tệ nạn buôn người

Hòa Ái, thông tín viên RFA
2012-01-28

Ngày 24/1/2012, Ủy ban Ngoại giao Hạ Viện Hoa Kỳ tổ chức một buổi điều trần về những vấn đề vi phạm nhân quyền đang diễn ra ở Việt Nam.


Photo courtesy of machsong.org
Nữ công nhân Việt Nam lao động xuất khẩu ở Jordan phải được 
giải cứu khỏi sự đàn áp và bóc lột của chủ nhân công ty may tháng 2-2008.

Nội dung điều trần lần này bao gồm những vấn đề như: tệ nạn buôn người, đàn áp tôn giáo, tình trạng tra tấn và sử dụng bạo lực của công an, việc bắt bớ và giam giữ những người bất đồng chính kiến, các nhà dân chủ và những người muốn bày tỏ lòng yêu nước… Cô Vũ Phương Anh, một nạn nhân của nạn buôn người đã tố cáo với Quốc Hội Hoa Kỳ là chính phủ Việt Nam hỗ trợ cho tệ nạn này. Hòa Ái có cuộc trao đổi ngắn với cô Vũ Phương Anh sau buổi điều trần. Mời quý thính giả cùng nghe sau đây.



Xuất khẩu lao động

Vào ngày 24/1, cô Vũ Phương Anh - một nạn nhân của nạn buôn người đã tố cáo chính phủ Việt Nam hỗ trợ nạn buôn người này. Cô nói trước Quốc Hội Hoa Kỳ rằng cô cùng với 276 công nhân Việt Nam khác đã bị tấn công và làm việc như một nô lệ ở Jordan. Câu chuyện mà cô chia sẻ bắt đầu từ năm 2008 khi cô Phương Anh được chính quyền địa phương thông báo về chương trình xuất khẩu lao động cho những người thuộc diện xóa đói giảm nghèo. Cô được hứa hẹn làm việc trong một công ty may mặc ở đất nước Jordan xa lạ với mức lương 300 đô la/tháng và làm việc 8 tiếng đồng hồ/ngày trong 3 năm. Cô đã được hướng dẫn cầm cố sổ đỏ ở Ngân Hàng để vay mượn số tiền 2000 đô la làm thủ tục đi xuất khẩu lao động. Sau khi đặt chân đến Jordan, Phương Anh cùng với 276 công nhân Việt Nam khác đã bị công ty xuất khẩu lao động lấy hết giấy tờ tùy thân và phải làm việc 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày và nhận được đồng lương là 1 đô la cho một ngày làm việc.

Rồi đem con bỏ chợ


lao-dong-jordan-250.jpg
Một nữ công nhân Việt bị đánh bất tỉnh tại Jordan hôm 20/02/08. Photo courtesy of CAMSA.

Những người công nhân đáng thương này đã tìm mọi cách để cầu cứu với đại diện của công ty cũng như là Bộ Lao Động và Thương Binh Xã Hội Việt Nam, nhưng tất cả đều vô vọng. Cuối cùng họ phải đình công và đã bị bỏ đói. Cô Phương Anh cho biết:

“Công ty đã thuê bảo vệ và thuê cảnh sát Jordan vào đánh những người bạn của Phương Anh, trong đó có cả Phương Anh. Bị bỏ đói, không đi làm thì công ty cắt khẩu phần ăn. Rồi sau một trận đòn dã man, xin được nói thêm để quý vị hiểu, có chị Ngọc đã chết. Còn biết bao nhiêu người bệnh tật ốm đau như vậy nữa mà cảnh sát cũng không tha. Ai đã dẫn những cảnh sát đó vào? Đó là cô Vũ Thu Hà-là đại diện của công ty ở Việt Nam. Cô Vũ Thu Hà đã dẫn những cảnh sát Jordan cũng như là những bảo vệ vào phòng đánh những người phụ nữ Việt Nam.”

Cô Phương Anh nói với Ủy ban Ngoại giao Hạ Viện Hoa Kỳ rằng cô vẫn bị những ám ảnh về những gì đã xảy ra và tiếp tục bị đe dọa dù cô đã trốn thoát và đã được định cư ở Hoa Kỳ.

“Bình thường, mẹ Phương Anh ở nhà đã liên lụy đến bản thân rồi. Cũng như Phương Anh ở bên này, có biết bao nhiêu cuộc điện thoại, bao nhiêu vụ đụng xe bỏ chạy. Như vậy mọi người đều biết là ai rồi. Bởi vì Đảng Cộng sản Việt Nam dám ra ánh sáng để nói chuyện với Phương Anh và tất cả mọi người thì đâu có phải là Cộng Sản nữa. Bởi vì Cộng Sản chỉ nói và hứa những điều họ không làm được. Còn những điều họ làm trong bóng tối, theo Phương Anh nghĩ họ có thể làm tất cả mọi thứ.”

Công ty đã thuê bảo vệ và thuê cảnh sát Jordan vào đánh những người bạn của Phương Anh, trong đó có cả Phương Anh.
Vũ Phương Anh

Dù biết rằng việc ra làm nhân chứng trước Quốc Hội Hoa Kỳ có thể bị nguy hiểm cho bản thân và gia đình, nhưng Phương Anh quyết mang ra ánh sáng về tệ nạn buôn người có sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam với hy vọng sẽ không còn một ai khác trở thành nạn nhân buôn người dưới hình thức xuất khẩu lao động giống như cô. Phương Anh chia sẻ:

“Thật ra từ lúc tị nạn ở Thái Lan, Phương Anh có điều ước. Và Phương Anh lấy điều ước đó để làm động lực sống và vượt qua thời gian dài ở Thái Lan nguy hiểm. Bởi vì tị nạn ở nơi này rất là nguy hiểm và sống trong một sự chờ đợi thấp thỏm. Phương Anh chỉ nghĩ là làm thế nào để cố gắng vượt qua được cảnh tị nạn và đi qua được đất nước thứ ba. Và khi bước chân đến nước thứ ba rồi thì Phương anh nghĩ ước gì được bước vào Quốc Hội Hoa Kỳ một lần để tường trình. Và ước muốn này, Phương Anh vừa thực hiện được.

Khi tới Quốc Hội Hoa Kỳ, cảm xúc dâng trào rất là nhiều vì niềm mơ ước, mong muốn của mình đã trở thành hiện thực. Mơ ước đấy của bản thân Phương Anh là một chuyện. Ra ngoài được đó rồi, Phương Anh nghĩ tới những người đấu tranh dân chủ ở trong nước. Phương Anh muốn đại diện cho các bạn của mình, những người lao động nói riêng, cũng như là người dân Việt Nam của mình cũng như là các tù nhân chính trị nói chung để mà lên tiếng. Bởi vì Phương Anh cũng là một nạn nhân. Phương Anh ra Quốc Hội để làm chứng là Cộng Sản Việt Nam buôn bán lao động cũng như là bắt những người dân vô tội, những người dân yêu nước.”

chris-smith-phuong-anh-200.jpg
DB Chris Smith và Vũ Phương Anh tại Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 24/01/12 (ảnh CAMSA).

Phương Anh có một cảm xúc khó tả khi bước chân vào Quốc Hội Hoa Kỳ. Cảm xúc này thật sự vẫn đọng lại sau buổi điều trần và cho đến khi cô về đến nhà. Đây là tâm tình của Phương Anh:

“Rất là khó tả khi bước chân vào Quốc Hội. Một điều rất là quan trọng nữa, khi ở Quốc Hội về, Phương Anh vẫn cứ nằm mà không sao ngủ được với lý do là những dân biểu đó là người Mỹ, không phải là người Việt, một người ngoại quốc, vậy mà khi Phương Anh nói chuyện, cảm xúc hiện ra rõ trước mặt của họ.

Họ rất đồng cảm khi Phương Anh nói chuyện. Phương Anh cảm thấy rất là kính phục họ. Nhưng đối ngược lại, với chính quyền Việt Nam thì sao? Lúc Phương Anh cùng bạn còn kẹt lại ở Jordan, phái đoàn Việt Nam qua đã không có một lời hỏi thăm. Trong khi đó các bạn của Phương Anh bị bỏ đói bao nhiêu ngày, bị ốm, họ không được một lời hỏi thăm mà còn bị ép bắt buộc phải đi làm.

Họ không một lời hỏi thăm, thuốc than hay một lời động viên nào cả. Khác hoàn toàn, mà đấy là người đại diện cho chính phủ Việt Nam của mình, cho đất nước của mình. Mình cũng là người Việt Nam, là con dân của họ, mà họ lại không để ý. Trong khi đó, là người Mỹ mà họ có tình thương đối với Phương Anh cũng như nghe Phương Anh kể về câu chuyện lao động của Phương Anh cũng như là người dân Việt Nam của mình đang sống khổ như vậy.”

Họ không một lời hỏi thăm, thuốc than hay một lời động viên nào cả. Khác hoàn toàn, mà đấy là người đại diện cho chính phủ Việt Nam của mình, cho đất nước của mình.
Vũ Phương Anh

Trong cuộc trao đổi với đài RFA lần này, Phương Anh mong muốn lời chia sẻ tâm tình của cô được quý thính giả khắp nơi lắng nghe. Cô nói:

“Phương Anh muốn nhắn nhủ tới những người dân, những người thật sự là những các bạn lao động đang ở xa xứ, cũng như các bạn đang lao động đang ở Malaysia, Đài Loan và những các bạn đang chuẩn bị làm thủ tục để đi lao động hãy theo dõi và phải tìm kiếm một nơi thật sự là tin cậy. Phương Anh không biết nói lời nào hơn vì lời người ta nói nhưng khi sang đến nơi không đúng như hứa hẹn đâu.

Mong mọi người hãy tỉnh táo trước khi đi lao động, đừng dẫm theo vết xe đổ của Phương Anh nữa. Và thêm một lời nhắn nhủ với những người có thân nhân của mình đang ở trong tù chính trị, những người đứng lên yêu nước để giữ đất nước của mình bị nhà nước cũng như công an bắt bỏ tù, chỉ mong mọi người hãy cố gắng. Sự thật bao giờ cũng là sự thật. Và những gì phải trả thì ắt cũng phải trả thôi.”

Qua những lời nhắn nhủ của Phương Anh trong câu chuyện đã xảy ra cho chính cô và 276 người khác ở Jordan, cô mong rằng những người dân ở trong nước sẽ không một ai phải trở thành nạn nhân của nạn buôn người qua hình thức xuất khẩu lao động, “đem con bỏ chợ” và bị bỏ mặc sống chết nơi đất lạ quê người về sau.