Thứ năm 05/01/2012 15:15
ANTĐ - Sáng nay 5/1, trong lúc cưỡng chế thu hồi đất tại khu cống Rộc, xã Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng đối tượng Đào Văn Vươn, đã tấn công bằng mìn và súng làm bị thương một số CBCS Công an và quân đội.
Trước đó vào lúc 7 giờ 30, đoàn công tác của UBND huyện Tiên Lãng gồm hơn 100 CBCS Công an, quân đội và Bộ đội Biên phòng và đại diện các ban ngành chức năng tổ chức cưỡng chế diện tích đất hơn 50ha đầm nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả tại vùng bãi bồi ven của Đào Văn Vươn (SN 1960) đã đấu thầu nhiều năm nhưng đến nay đã hết hạn và không chịu đóng thuế trong thời gian dài.
Để đảm bảo an toàn cho đoàn công tác cưỡng chế, một tổ công tác bí mật tiếp cận ngôi nhà của Vươn xây dựng trên diện tích đất này thì bất ngờ một quả mìn tự chế phát nổ hất văng 2 CBSC công an huyện Tiên Lãng làm bất tỉnh tại chỗ nhưng rất may là không gây thương vong.
Trước tình hình hết sức nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm cho đoàn công tác và người dân xung quanh, Thượng tá Phạm Văn Mải, Trưởng Công an huyện Tiên Lãng dẫn đầu tổ công tác khác tiếp cận lại ngôi nhà nắm tình hình và kêu gọi đối tượng tự nguyện giao nộp vũ khí và chấp hành lệnh cưỡng chế. Tuy nhiên, khi tổ công tác vừa áp sát ngôi nhà thì bất ngờ từ trong nhà Vươn cùng người nhà chĩa súng bắn đạn hoa cải liên tiếp nhả đạn vào lực lượng chức năng, làm 4 Cán bộ chiến sỹ Công an và một số cán bộ chiến sỹ quân đội bị thương.
Sau khi nhận được thông tin, xác định đây là vụ việc chống người thi hành công vụ hết sức nghiêm trọng, Giám đốc CATP Hải Phòng Đại tá Đỗ Hữu Ca đã điều động và trực tiếp chỉ huy hàng trăm CBCS Công an gồm lực lượng CSCĐ, CSHS và các phòng nghiệp vụ khác của CATP kết hợp cùng lực lượng quân đội, bộ đội Biên phòng giải quyết vụ việc.
Tuy nhiên, sau nhiều lần kêu gọi giao nộp vũ khí và đầu hàng nhưng Đào Văn Vươn và một số người nhà mình vẫn cố thủ trong nhà.
Đến 12 giờ cùng ngày, thời gian kiên trì kêu gọi đầu hàng và sử sụng các biện pháp nghiệp vụ các lực lượng đã tiếp cận được ngôi nhà của Vươn nhưng các đối tượng đã bỏ trốn. Hiện các lực lượng công an đang khẩn trương tiến hành truy bắt các đối tượng.
Theo các bác sỹ bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng cho biết, đến 12 giờ cùng ngày bệnh viện đã tiếp nhận 5 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân Vũ Anh Tuấn (33 tuổi, đại úy, quyền đội trưởng đội CSĐT tội phạm về ma túy, Công an huyện Tiên Lãng) vào viện trong tình trạng bị nhiều vết thương vùng cổ và ngực đã được giới thiệu chuyển bệnh viện Việt Đức Hà Nội; Thượng sỹ Đỗ Xuân Trường (cán bộ đội CSĐT tội phạm về ma túy) bị vỡ nhãn cầu trái đã giới thiệu chuyển bệnh viện Mắt Trung ương; Thượng tá Phạm Văn Mải (Trưởng Công an huyện Tiên Lãng) bị nhiều vết thương vùng lưng và chân, trong đó có 1 viên đạn nằm giữa gan và thận cùng Trung sỹ Nguyễn Văn Phong (cán bộ đội CSĐT TP về ma túy) và 2 cán bộ huyện đội huyện Tiên Lãng bị thương bởi nhiều vết đạn vùng mặt hiện đang theo dõi tại bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng.
An ninh Thủ đô tiếp tục cập nhật...
Nguyên Lê
________________________________________________
Kỳ tài đất Tiên Lãng và cuộc chinh phục lời nguyền của biểnhttp://www.doisongphapluat.com.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=22&ID=5116
Thứ Năm, 22/07/2010-8:33 AM
Đã biết về anh cách đây mấy năm, biết về cuộc đời đầy sóng gió và bão táp, biết cả những nỗi đau và day dứt hằn sâu tâm can con người anh, nhưng tôi chưa có dịp tìm hiểu sâu về cuộc đời nhiều bi hùng ấy. Trung tuần tháng 7 vừa qua, tôi lại có dịp về Tiên Lãng, đúng vào ngày có dự báo cơn bão Conson chuẩn bị đổ bộ vào nước ta, để ngồi với anh, nghe anh kể về cuộc chinh phục lời nguyền của biển...
Chinh phục "thần" biểnCâu tôi nói vui với anh, ngay khi biết về những việc anh đã làm, là cái tên anh nó vận vào đời anh nhiều quá. Anh tên là Đoàn Văn Vươn, sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng, T.P Hải Phòng. Dường như, khi cha mẹ sinh ra anh đã có dự cảm về cuộc đời đứa con mình nên đã đặt cho anh cái tên lạ lạ: Vươn. Cái tên như gửi gắm một hi vọng: anh sẽ vươn ra biển khơi, chinh phục cuộc đời, chinh phục biển cả để thoả lòng mong mỏi của người cha già với nguyện ước "con hơn cha, nhà có phúc".Đối với người dân vùng biển, biển luôn là người mẹ nuôi dưỡng những khát khao. Biển cũng là nguồn tài nguyên thuỷ hải sản vô giá và cũng là nỗi lo sợ, ám ảnh trước những cơn bão tố. Một trận cuồng phong có thể san bằng tất cả! Hơn ai hết, Đoàn Văn Vươn, người con của một vùng biển nghèo hiểu rõ điều đó. ở tuổi hừng hực chí trai, sức trẻ, anh đã đầu quân đi bộ đội. Môi trường quân đội đã thêm một lần nữa rèn giũa ý chí, nghị lực cho anh. Rời quân ngũ năm 1986, trở về địa phương, anh chỉ có một khát khao duy nhất, chinh phục chính miền đất quê mình để làm kinh tế. Để có cái ăn, để có cái mặc. Mặc dù đã nhanh chóng trang bị kiến thức bằng một tấm bằng đại học Nông lâm, nhưng anh lại từ chối làm cán bộ Nhà nước. Từ bỏ mộng quan trường ở thời điểm đó là một quyết định “lạ đời”, nhất là khi có bằng cấp trong tay. Đoàn Văn Vươn đã quyết làm một người nông dân thực thụ. Quyết làm một điều mà trước anh không ai dám nghĩ đến, chứ đừng nói là bắt tay làm.Bỏ bằng đại học đi làm nông dânTiên Lãng có một địa danh gắn với sự dữ dội của biển và nghèo khó của con người: cống Rộc. Mỗi mùa mưa bão đến, sóng biển, gió biển ào ạt ngập lụt, đói kém thì sự cùng cực mà người dân nơi đây phải gánh chịu, phải chống đỡ trong kiệt quệ tinh thần, vật chất không gì diễn tả nổi. Trên một con đê trải dài ngút ngát, cống Rộc như một hiệp sỹ dũng cảm đối đầu với biển cả để bao bọc, chở che cho những người dân trót gắn đời mình vào phận biển. Nhưng sức mạnh khủng khiếp của thiên tai đã không biết bao lần bắt cống Rộc phải đầu hàng và cũng vì thế nó thành nỗi khiếp sợ mỗi khi bão biển, nước biển vượt qua phòng tuyến này. Lúc đó chỉ là mênh mông trời nước. Lòng người cũng dậy sóng theo từng con nước lớn.Hiểu rõ điều đó, Đoàn Văn Vươn đã quyết làm một điều gần như không tưởng: chinh phục "thần" biển. Chinh phục cả nỗi khát khao không chịu đầu hàng số phận. Thế là từ cuối những năm 80, những viên đá đầu tiên được chàng trai Đoàn Văn Vươn mang đến trong cuộc trường chinh lấn biển, tạo hành lang bảo vệ để lấy diện tích khai thác nuôi trồng thuỷ sản. Chuyện đời, đâu dễ như nói.Bằng cách nào để khuất phục biển? Đó là câu hỏi ngày đêm Đoàn Văn Vươn trăn trở. Anh đã bỏ hàng tháng trời để ăn biển, nằm biển, lắng nghe từng cơn sóng thuỷ triều lên, xuống, mải miết tìm đáp án. Không có sách vở nào dạy, không có kinh nghiệm tiền lệ nào để học theo. Chỉ có một điều đang dần lớn lên - Đó là ý chí. Bão lòng người đang dần lớn hơn bão biển. Nó dường như muốn phá tung khao khát đang bùng cháy trong anh. Đoàn Văn Vươn đối diện với hàng ngàn thách thức, suy tư. Khi đã hiểu rõ quy luật con nước, hiểu rõ thời điểm nào cần "ra tay" để bắt đầu, thì anh vấp phải không ít sự dèm pha.Cái sự dám khuất phục "thần" biển của Đoàn Văn Vươn chả hiểu thế nào lại lan ra khắp vùng, lan ra cả các địa phương khác, trong đó có vùng đất Tiền Hải của tỉnh Thái Bình. Anh kể: "Lúc đó có một người chuyên khai thác các vùng đất ven biển của huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình, để làm ăn. Khi biết tôi có ý định chinh phục vùng biển quê Tiên Lãng này, người ấy đã thông qua nhiều người thách thức tôi, rằng nếu tôi làm được, sẽ sẵn sàng mất cho tôi một chiếc xe máy đẹp. Người ấy mỉa mai, diễu cợt việc làm của tôi. Người vùng biển, nói là làm, người kia thách thức tôi chắc vì nghĩ tôi không làm nổi. Mặt khác, tôi hiểu đây còn là một sự thách đấu. Lúc đó, một chiếc xe máy đẹp có thể ví như con xe Camry bây giờ. Người thách đấu tôi không sợ, chỉ sợ Trời thách đố tôi thôi", anh nói, mắt nhìn xa xăm. "Đã thế tôi càng quyết tâm làm".Đã có người bảo Vươn dại như con vích. Một con vật kỳ lạ của biển, là hay lôi ngược lại người ta. Nếu muốn bắt nó vào bờ, thì thay vì lôi nó vào bờ, người ta lôi nó ra... biển để nó đi theo chiều ngược lại. Cũng có người bạo mồm nói, thằng Vươn dám đi khuất phục "thần" biển là việc làm mạo hiểm."Vui sao nước mắt lại trào"Nhiều năm trời, người dân nơi đây chứng kiến Đoàn Văn Vươn cùng anh em họ hàng quần quật lao vào cuộc trường chinh lấn biển. Có khi hôm trước làm, hôm sau sóng biển san thành bình địa. Hôm sau nữa lại làm, sóng biển lại biến sức người thành bong bóng. Có khi nhìn thấy ít đất, đá còn bám trụ sau con sóng mà rơi nước mắt, Vươn đã tự đặt câu hỏi, thế này thì đến bao giờ? Hay là mình thất bại? Cứ thế, cứ thế, từng hạt đất bám trụ, từng viên đá trơ gan bám trụ là lại thêm một tia hi vọng. Một ngày trôi qua là khắc khoải chờ đợi một ngày mới, công sức bỏ ra không biết bao nhiêu mà kể hết.Nói với chúng tôi, anh bồi hồi nhớ lại: "Nếu tính sơ sơ, đã có trên 20.000 m3 đất, đá được đưa đến đây, trên vùng đất ven biển Tiên Lãng mà các anh đang đứng trong cuộc chinh phục biển cả của tôi. Nói ra chính tôi cũng ngỡ ngàng, tôi làm như mê, như say. Bởi chỉ còn phía trước để tiến, chỉ còn biển để vươn ra. Tôi không có đường lùi, bởi thành công chỉ có cách duy nhất với tôi, đó là vươn ra biển".Ngoài hàng chục ngàn m3 đất, đá đó, là biết bao sức người, sức của. Vừa lấn biển, chỉnh trị dòng nước triều dâng, vừa trồng cây bám đất, đã biết bao lần cây trồng lên lại bị biển nuốt trôi. Mất sạch. Tiếp tục trồng lại từ đầu, hàng ngàn cây bần, cây vẹt đã theo con sóng lẫn vào trùng khơi. Tiếp đó, không chỉ đất đá, hàng trăm tấn xi măng được đưa vào để tiếp thêm sức gắn kết thô mộc của đất và đá... Cuối cùng Trời không phụ lòng người, dòng chảy của biển ngoài đê biển cống Rộc đã bị khuất phục mà chuyển hướng. Phía chân đê có chỗ sâu gần 2 m, cốt âm, đã được nâng lên cốt dương. Từ đó hàng chục héc ta đất bãi bồi ven biển hình thành. Cũng theo đó, gần 70 ha rừng vẹt ngăn sóng biển đã bám trụ thành công. Không có tiếng vỗ tay.
Ngày nhìn thấy thành công trong mắt, trong lòng, thoả khát khao của ước mơ ngàn đời "xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều", lại là ngày nước mắt ầng ậc tuôn trào. Một nỗi đau câm nín, ngày đón nhận sự thành công mà có người đã nói là không tưởng đó, Đoàn Văn Vươn đã một mình đi lang thang ven biển. Đi trên chính phần đất bồi ven biển mà công sức anh đã tạo nên. Một mình vừa đi vừa lẩm nhẩm gọi tên đứa con gái xinh xắn dễ thương của mình, để tưởng nhớ đến nỗi đau và mất mát của riêng anh. Con gái anh, đứa con gái 8 tuổi ngây thơ và thân thương, nó cũng mang trong mình dòng máu chinh phục biển cả của bố đã vĩnh viễn ra đi. Và lý do cũng chính vì con nước biển trào dâng dẫn đến việc cháu chết đuối ở cống Rộc, trong chính những ngày bão tố ầm ầm, khi đó cũng là lúc anh đang chinh phục biển. Nỗi khiếp đảm khi nhắc lại chữ cống Rộc với người dân xứ này giờ trở nên thanh bình kỳ lạ. Anh đã thành công, cống Rộc trở nên yên ả trước phong ba, bão tố. Còn anh, một mình hứng nỗi đau câm lặng.Anh không nói, nhưng vị đồng nghiệp đi cùng bảo, sự thành công trong việc trồng rừng chắn sóng, lấn biển của anh đã khiến người Nhật quan tâm. Một số chuyên gia nguời Nhật cũng đã tìm đến anh để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Ngẫm ra, anh cũng là bậc kỳ tài rồi. Vậy mà 3 năm gặp lại, kể từ ngày biết anh, anh vẫn thế, mộc mạc và thuần hậu. Những việc anh làm có trời biết, đất biết. Còn việc đời và mất mát của anh, tôi cũng chỉ chia sẻ được phần nào. Bởi có những lúc, lòng người còn dậy sóng hơn biển cả. Đứng với anh trên con đê nơi có cống Rộc, phóng tầm mắt nhìn ra, ngút ngát một mầu xanh, mầu xanh tươi từng thấm đẫm cả máu, mồ hôi và công sức. Phía xa hình như đang có một cơn giông...Quang Trung
"Khi chúng tôi cưỡng chế, người dân nơi đây rất đồng tình. Tuy nhiên vụ việc có cái dở đó là tổ công tác khá chủ quan, không lường hết được các tình huống. Từ sau hòa bình đến nay, người dân Tiên Lãng khá thuần nên huyện nghĩ rằng không có việc chống đối như thế", Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca nói.
______________________________________________________________________________
Hải Phòng: xây sân bay quốc tế ở Tiên Lãng
30-04-11
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch vị trí Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng, có diện tích khoảng 4.500 héc-ta tại các xã Vinh Quang, Tiên Hưng, Đông Hưng, Tây Hưng, huyện Tiên Lãng thuộc thành phố cảng miền Bắc này.
Theo Quyết định số 640/QĐ-TTg ký ngày 28-4, sân bay Hải Phòng là cảng hàng không quốc tế, dự bị cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Các khu chức năng của sân bay Hải Phòng bao gồm hệ thống đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, khu điều hành khai thác, khu quản lý hoạt động bay, khu phụ trợ, khu công nghiệp hàng không và thành phố sân bay.
Theo cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng, việc xây cảng hàng không quốc tế mới tại huyện Tiên Lãng sẽ tiết kiệm được được 800 tỉ đồng cho việc đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư và 600 tỉ xây dựng cơ sở hạ tầng sân bay. Dự kiến, sân bay này có khả năng tiếp nhận 80-100 triệu lượt hành khách/năm và 4-5 triệu tấn hàng hóa/năm vào năm 2050; đón được tất cả các loại máy bay thương mại hiện có, kể cả máy bay Airbus A380.
Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng nằm tại vị trí thuận tiện cho việc kết nối các trung tâm đô thị thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ bằng đường bộ, đường sắt và đường thủy.
Trong lúc chờ dự án sân bay quốc tế Hải Phòng, sân bay quốc tế Cát Bi hiện tại sẽ được cải tạo nâng cấp theo quy hoạch đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 đã được Chính phủ phê duyệt để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa đến sân bay thuộc Hải Phòng này.
Theo thông tin trên trang web của Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc, khu vực nhà ga hành khách của sân bay Cát Bi sẽ được xây dựng để tiếp nhận 2 triệu khách/năm và 17.000 tấn/năm vào năm 2015. Đến năm 2025, nhà ga sẽ được mở rộng để đáp ứng 4 triệu khách/năm và 82.000 tấn hàng/năm.
Theo quy hoạch tổng thể có tổng vốn hơn 1.700 tỉ đồng, sân bay quốc tế Cát Bi có thể tiếp nhận các loại máy bay Airbus A321 và Boeing B767, B747-400. Trong Giai đoạn đến năm 2015, sân bay này sẽ có nhà ga hàng hoá, khu chế biến suất ăn.
Đối với Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải lập quy hoạch dự án này.
Cảng hàng không Hải Phòng là một trong 10 sân bay quốc tế thuộc quy hoạch phát triển giao thông hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt. Đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 10 cảng hàng không quốc tế là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Hải Phòng, Phú Bài (Huế), Cam Ranh, Chu Lai, Cần Thơ, Phú Quốc và Long Thành.