vendredi 6 janvier 2012

Viện phí 2012: Việc”nóng” cần dân tin


04/01/2012

http://www.thanhtravietnam.vn/Uploaded/tranthanhhuyen/ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20th%E1%BB%A9%203.jpg
Quảng Hiếu
-
“Tôi có niềm tin vào chủ trương tăng viện phí vì có lợi cho dân, phù hợp với nhu cầu phát triển” – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Đề án Tăng giá viện phí nhận được dư luận nhiều chiều suốt năm 2011, Bộ Y tế chấp nhận đương đầu và mong đợi sự đồng thuận bởi “tin rằng chủ trương tăng viện phí có lợi cho dân, phù hợp với nhu cầu phát triển”.
Việc khó phải “dò” từng bước
Từ năm 2010, Bộ Y tế đã phối hợp Bộ Tài chính cùng một số bộ, cơ quan khác xây dựng Nghị định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám, chữa bệnh công lập. Tháng 11/2010 Bộ có tờ trình Chính Phủ xem xét Dự thảo thông tư điều chỉnh viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ.


Theo dự thảo này, khoảng 350 dịch vụ kỹ thuật y tế sẽ tăng giá, chủ yếu tăng 2-2,5 lần; có 70 dịch vụ tăng 7-10 lần trong giai đoạn 2011-2012. Tuy nhiên tổng số viện phí sẽ tăng không nhiều so với hiện nay do giá viện phí mới chỉ điều chỉnh khoảng 10% số dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đang thực hiện (trong đó có tiền khám bệnh và tiền giường bệnh).
Bộ giải thích, việc điều chỉnh này là để phù hợp với sự biến đổi của mặt bằng giá chung trong 15 năm qua. Và để các cơ sở y tế trên toàn quốc nâng cấp trang thiết bị, cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, thúc đẩy BHYT toàn dân.
Nhằm từng bước được đồng thuận của dư luận, đầu năm 2010 Bộ Y tế đã công bố dự thảo tăng giá viện phí để lấy ý kiến của các bộ ngành, bệnh viện và người dân. Tháng 9/2011 Bộ Y tế tiếp tục đưa ra Đề án Tăng giá viện phí với cam kết tăng giá viện phí theo lộ trình, đồng thời cải thiện chất lượng khám chữa bệnh. Cũng trong tháng 9, một hội đồng thẩm định giá viện phí được thành lập; với các thành viên đến từ Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm Xã hội VN đang tích cực làm việc.
Nêu quyết tâm thực hiện Dự thảo Điều chỉnh viện phí, người đứng đầu Bộ Y tế phát biểu: “Tăng viện phí là vấn đề Bộ Y tế từng nhiều lần đưa ra mà chưa được dư luận đồng thuận. Nhưng lần này chúng tôi vẫn phải chấp nhận đương đầu”.
Người có thẻ BHYT sẽ “bình yên”
Trong nhiều cuộc đối thoại với các cơ quan ban ngành và nhân dân năm 2011, Bộ Y tế thường xuyên khẳng định, viện phí mới, do chỉ áp dụng trong hệ thống cơ sở y tế công lập nên sẽ không ảnh hưởng 53 triệu người đã có thẻ BHYT (chiếm 62% dân số). Toàn bộ người dân thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống tại vùng KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn (khoảng 14,7 triệu người) đã được ngân sách Nhà nước chi mua thẻ BHYT.


Các đối tượng khác cũng sẽ không “gặp khó”. Đối tượng cận nghèo đã được Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng BHYT; Bộ đang đề nghị nâng lên mức 70%. Học sinh, sinh viên và những người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT.
Ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Y tế cho rằng, viện phí tăng sẽ khuyến khích người dân mua BHYT. Khi toàn dân đều tham gia bảo hiểm sẽ đảm bảo an sinh xã hội và tạo điều kiện để thực hiện công bằng xã hội.
Tăng viện phí, cần niềm tin
Theo ý kiến trên diễn đàn Tăng giá viện phí, đa số bạn đọc VietNamNet đồng thuận với chủ trương của Bộ Y tế. Bạn đọc Nguyễn Đại Thành cho rằng, tăng viện phí có thể là gánh nặng cho một số bệnh nhân nhưng là một trong những việc phải làm gấp để có tiền cải thiện và nâng cấp ngành y tế, nhất là tuyến huyện, vùng xa.
Bạn đọc Trần Thanh Mai thì nói Chính phủ nên cho phép ngành y tế tăng bậc thang viện phí để xoá bỏ bao cấp và tăng thu ngân sách phát triển xã hội.
Bạn đọc Vũ Văn Hưng thì cho rằng ở các thành phố lớn, bởi các BV đã “linh động” để có thể thu tiền viện phí ở mức khá cao từ lâu rồi, người bệnh cũng đã quen với mức chi phí này.
Đa số ý kiến đề nghị tăng giá viện phí phải đi đôi với chất lượng dịch vụ y tế; nếu không việc này sẽ có tác dụng ngược lại với mục đích tốt đẹp của ngành y.
Để giải bài toán chất lượng điều trị khi viện phí tăng, Bộ Y tế soạn thảo đề án tăng cường kiểm định chất lượng điều trị (gồm chăm sóc toàn diện và có đầy đủ điều dưỡng chăm sóc người bệnh, phục vụ ăn uống đúng quy định) và quy chế về số điều dưỡng/số bệnh nhân. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến còn cho biết “Nếu ban thẩm định kiểm tra mà thấy không đủ, tức là bệnh viện đó không đạt các điều kiện để chăm sóc người bệnh và sẽ không được tham gia khám chữa bệnh BHYT nữa”.
Trước nhiều ý kiến đồng thuận và cả trái chiều, cuối năm 2011, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Tôi có niềm tin vào chủ trương tăng viện phí vì có lợi cho dân, phù hợp với nhu cầu phát triển”. (!!!!!!! Dân thu nhập nhiều tiền quá không biết làm sao xài cho hết )