vendredi 29 novembre 2013

Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam

“Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam”.
Courtesy vnwhr.net
 Tường An, thông tín viên RFA
2013-11-28

Xã hội dân sự Việt Nam vừa có thêm một thành viên mới: đó là một nhóm có tên gọi là: “Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam”. Nhóm được thành lập ngày 25 tháng 11 vừa qua với lời kêu gọi được được trên trang mạng vnwhr.net như sau:
“Chúng ta được sinh ra làm con người, chỉ riêng điều đó khẳng định giá trị tự thân và quyền bình đẳng cố hữu của chúng ta khi so sánh với những người đồng loại khác. Mỗi cá nhân trong xã hội loài người được phân biệt dựa vào vai trò, nhiệm vụ chứ không phải dựa vào phẩm giá. Do đó, với tư cách là những thực thể hiện hữu có phẩm giá, chúng ta có những quyền bất khả xâm phạm mang tính phổ quát. Và chừng nào chúng ta còn được xác định là con người, chúng ta không thể nào chấp nhận sự bất bình đẳng về Nhân phẩm, Nhân quyền và vai trò xã hội.” 

Quyền tự nhiên là gì?

Đó là những câu mở đầu cho lời kêu gọi của một nhóm gồm 9 vận động viên và 35 thành viên mới được thành lập ngày 25 tháng 11 vừa qua mang tên: “Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam”.
Chữ Nhân Quyền theo một định nghĩa phổ quát, đơn thuần là “quyền con người”, 3 chữ “quyền con người” được hiểu theo nghĩa rộng là những quyền tự nhiên của con người không cần ai phải ban phát và không ai được quyền ngăn cấm.
Quyền tự nhiên đó là gì? Đó là những quyền được sử dụng ngôn ngữ để bày tỏ ước mơ, chính kiến của mình, quyền được tự do bày tỏ tín ngưỡng của mình, đó là quyền được yêu, được thương, được ghét và cả quyền bày tỏ những yêu, thương, giận, ghét đó trong ngôn ngữ hòa bình. Trong cuộc sống đời thường, đó là quyền được đọc một bài báo mình muốn, quyền được điện thoại mà không sợ bị cắt ngang, quyền được đi dạo trong công viên mà không bị theo dõi…
Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã xiển dương đó là một ước vọng cao nhất của loài người. Không ai có quyền xưng danh của bất kỳ quyền lực nào để tước đoạt nó. Tước đoạt nó tức là tước đoạt nhân phẩm của con người , là chà đạp lên quyền căn bản nhất của con người, cái quyền đó phân biết rõ ranh giới giữa con người và con vật. Một bên biết lên tiếng và một đằng chỉ biết thuần phục.
Thế giới kêu gọi Hòa bình, thế giới đòi hỏi Nhân Quyền, Thế giới đang mong muốn tạo ra một khuôn mẫu chung để từng bước đưa con người đến gần với nhau, đối xử với nhau trên tinh thần tôn trọng sự tự do của nhau, tôn trọng nhân phẩm của nhau, thế giới kêu gọi mọi người đối xử với nhau bằng sự bác ái và khoan nhượng. Đó là một điều đáng buồn!

Các vận động viên và thành viên của nhóm 
“Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam”. Courtesy vnwhr.net
 
Đáng buồn là vì khi mọi người còn phải kêu gọi Hòa bình, tức là đâu đó vẫn còn chiến tranh, khi mọi người còn phải đòi hỏi Nhân quyền tức là ở một nơi nào đó quyền con người vẫn còn bị chà đạp.
Ở một số quốc gia, Nhân quyền là một “quyền tự nhiên” như định nghĩa của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, như người ta sinh ra thì phải thở để sống, phải ăn để sinh tồn. Nhưng ở một vài quốc gia khác, để có được quyền cái quyền vốn dĩ rất tự nhiên đó , đôi khi người ta phải trả bằng sự hy sinh cả tuổi trẻ trong nhà tù, hoặc phải trả bằng cả thân xác của mình. Giải thưởng Sakharov vì thế, được trao cho cô Malala Yousafzai, không phải là một tình cờ. Cô bé 16 tuổi, người Pakistan này đã phải trả một giá rất đắt để tranh đấu cho quyền được đến trường của phái nữ. Vượt qua cái chết, cô đã trở thành biểu tượng toàn cầu của lòng dũng cảm.

Mục tiêu của nhóm

Việt Nam chưa có một Malala, nhưng đã có một Phạm Thị Lài khỏa thân để giữ đất, đã có một Đặng Thị Kiêm Liêng đốt cháy thân mình đòi công lý cho con. Và Việt Nam hôm nay đã có Phụ Nữ Nhân Quyền. Sau thời gian dài thai nghén, Nhóm đã chính thức ra đời với mục tiêu:
- Lên tiếng bảo vệ những người phụ nữ bị xúc phạm nhân phẩm, bị xâm phạm nhân quyền.
- Hỗ trợ tinh thần lẫn vật chất cho những người phụ nữ là mẹ, vợ và con… của những nhà bất đồng chính kiến bị sách nhiễu và đàn áp.
- Bảo vệ quyền lợi và thúc đẩy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong xã hội.
- Phổ biến kiến thức về nhân quyền, đặc biệt là những phụ nữ không có điều kiện để tiếp cận.
Phụ Nữ Nhân Quyền ước mong sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ nhau trong trường hợp bị đàn áp và kêu gọi sự ủng hộ của công luận trong những bước đầu tiên trong cuộc vận động khó khăn này.
Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam sẽ mở đầu một hướng đấu tranh khác, chủ động hơn. Cô Huỳnh Thục Vy, một trong 9 vận động viên nói rằng:
“Trước nay, những nhà đấu tranh bảo vệ Nhân quyền ở Việt Nam luôn bị động trước những đàn áp của chính quyền. Nhưng từ nay chị em chúng tôi muốn chủ động đối phó. Chúng tôi đã có những kênh liên lạc cần thiết với các NGO Nhân quyền quốc tế, các Tòa Đại sứ và các báo đài. Việc lên tiếng với truyền thông và các nhà ngoại giao là việc đầu tiên nhưng vô cùng quan trọng. Sau đó thì tùy tình huống chúng tôi sẽ xử lý. Trợ giúp tài chính, viếng thăm thân nhân của người bị đàn áp là việc tiếp theo. Cuối cùng nếu một người bị bắt, chúng tôi sẽ tìm kiếm luật sư và vận động các nhà ngoại giao các quốc gia tự do áp lực chính quyền trả tự do cho người bị bắt.”
Hiến pháp Việt Nam 1992 , điều 50 quy đinh về quyền con người ghi:
“Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật.”
Dự thảo Hiến Pháp mới, điều 15 về quyền con người sửa đổi và bổ xung điều 50 ghi:
“Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.”
Điều 69 trong hiến Pháp 1992 ghi: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”
Và điều 26 trong bản dự thảo hiếp Pháp mới không có gì thay đổi về điều khoản này.
Các quy định về quyền con người trong điều 50, 69 trong hiến pháp 1992 cũng như điều 15, 26 trong bản dự thảo hiếp pháp mới của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam hoàn toàn đúng với chuẩn mực của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 của Liên Hiệp Quốc. Có khác chăng, là hiến pháp Việt Nam luôn kèm theo cụm từ mơ hồ “ theo Hiến Pháp , quy định của Pháp luật” và như thế, các quy định này đã chừa một khoảng trống khó hiểu để các cơ quan an ninh có thể áp dụng hiến pháp theo cách riêng của họ.
Cũng vì thế mà Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam đã khẳng định:
“Luôn trung thành với các giá trị được ghi nhận trong Tuyên ngôn Phổ quát Nhân quyền 1948 của Liên Hiệp Quốc nói chung, và nữ quyền nói riêng. Tuân thủ và chấp hành theo Hiến pháp và luật ở Việt Nam nếu như các điều khoản này không bị đánh giá là nhằm hạn chế và tước bỏ nhân quyền so với chuẩn mực chung của quốc tế.”

Phụ Nữ Nhân Quyền là ai?

Họ là những người từng bị đàn áp vì lên tiếng bảo vệ Nhân quyền, vì thế họ cảm thấy rất rõ nhu cầu cần phải có một tổ chức dân sự đảm nhận vai trò còn bỏ ngỏ ấy. Họ mong muốn đoàn kết và bảo vệ các phụ nữ Việt Nam khi nữ quyền của họ bị vi phạm. Sau thời gian dài chuẩn bị, liên hệ với các NGO quốc tế và các Đại sứ quán các quốc gia tự do dân chủ có mặt tại Việt Nam. Họ đều nhìn thấy sự thiếu vắng một tổ chức bảo vệ Nhân quyền cho nữ giới ở Việt Nam. Và kết quả của những tháng ngày vận động này là sự khai sinh của Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam. Họ đã nhận được sự đồng hành của các tổ chức này trên con đường bảo vệ nữ quyền.
chị Dương Thị Tân, vợ người tù lương tâm Điếu Cày đã nói với Nhân viên Tòa đại sứ Úc tại Hà Nội:
“Quý vị biết Việt Nam có một hồ sơ Nhân quyền tồi tệ nhưng quý vị đã bầu cho Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc thì quý vị phải có trách nhiệm với lá phiếu của mình. Từ nay trở đi, nếu có một trường hợp người Việt Nam nào, đặc biệt và phụ nữ Việt Nam, bị sách nhiễu hoặc bỏ tù thì người đó chính là nạn nhân của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.”
Sự ra đời của Phụ Nữ Nhân Quyền là một thách thức và cũng là một cơ hội để Việt Nam chứng tỏ mình xứng đáng với vai trò thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc trong 3 năm sắp tới.
* Nguồn RFA