dimanche 21 juillet 2013

Vì sao Blogger Điếu Cày tuyệt thực?

Gia Minh, biên tập viên RFA
Blogger Điếu Cày (trái) và blogger Tạ Phong Tần tại phiên xử ở Tòa án Nhân dân TPHCM hôm 24 tháng 9 năm 2012.
Blogger Điếu Cày (trái) và blogger Tạ Phong Tần tại phiên xử ở Tòa án Nhân dân TPHCM hôm 24 tháng 9 năm 2012.
Capture/VTV1


Gia đình tù nhân chính trị blogger Điếu Cày, Nguyễn Văn Hải, vào ngày 20 tháng 7 trở lại trại giam số 6 ở Thanh Chương, Nghệ An để tìm hiểu rõ thông tin về việc ông này tuyệt thực đã gần 30 ngày.
Vào chiều ngày 20 tháng 7, sau một ngày chờ đợi đến cuối ngày mới có người trong trại ra làm việc với bà Dương Thị Tân và con trai blogger Điếu Cày.

Kiên quyết không nhận tội

Đến 7 giờ 35 tối, chúng tôi có cuộc trao đổi với hai thân nhân của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải. Trước hết bà Dương Thị Tân thuật lại:

Bà Dương Thị Tân: Chúng tôi đến trại vào lúc 9 giờ sáng nhưng họ đợi cho hết buổi sáng, xong họ nghỉ trưa và để cho mẹ con tôi chờ đợi. Đến đầu giờ chiều khi mẹ con tôi vào họ cũng để cho chờ đến 3 giờ 30 gần 4:00 giờ, họ mới ra đồng ý để hai mẹ con tôi vào. Mọi người mừng nghĩ rằng họ sẽ cho hai mẹ con tôi thăm gặp; nhưng họ đưa tôi đến chỗ thăm gặp và giữ tôi tại một phòng có 2 đại ý canh.
Trước hết, họ đưa cho con trai tôi ký một bản cam kết tuân thủ đúng những qui định và yêu cầu của cán bộ trại giam. Chúng tôi nghĩ chưa biết cán bộ trại giam yêu cầu điều gì mà bắt con tôi cam kết như thế, tôi không đồng ý. Tôi nói sẽ không ký vào cam kết đó mà chỉ cam kết thực hiện đúng luật pháp nhà nước qui định; chứ không cam kết một luật hay lệ nào của một trại giam mà không rõ lý do, không rõ được câu chữ, không rõ nội dung cam kết đó là gì. Sau đó họ thôi, và bỏ cam kết đó, đồng ý cho con tôi vào gặp bố cháu; riêng tôi họ khẳng định sẽ không cho với lý do tôi vời ông Hải  không còn liên quan. Cũng đành chấp nhận.
Cháu vào và 15 phút sau đã thấy cháu ra rồi; nhưng thực tế từ đoạn chỗ họ giữ tôi cho đến vào trong kia đi bộ mất khoảng 5 phút. Thời gian thăm gặp theo như cháu nói được 5 phút hoặc chưa tới.
Ông Hải nói với con tôi ‘bố đã tuyệt thực, hôm nay là ngày thứ 28. Và lý do tuyệt thực là họ yêu cầu ông Hải ký vào một bản nhận tội; nhưng ông Hải thấy sự vô lý của việc đó nên không ký.
-Bà Dương Thị Tân
Khi cháu ra tôi hỏi có gặp bố không, cháu rất thất sắc. Cháu nói với tôi ‘mẹ ơi con không nhận ra bố con nữa!’.
Nói thật tôi rất đau lòng khi nghe cháu tả lại bố cháu không thể ngồi vững, hai tay phải đỡ lấy cằm để có thể ngẩng lên nhìn cháu được. Bên cạnh đó có hai người tù, ba công an. Khi cháu vào sau lưng cháu có hai công an nữa. Họ cũng yêu cầu chỉ nói những điều gì được nói. Nhưng việc đầu tiên ông Hải nói với con tôi ‘bố đã tuyệt thực, hôm nay là ngày thứ 28. Và lý do tuyệt thực là họ yêu cầu ông Hải ký vào một bản nhận tội; nhưng ông Hải thấy sự vô lý của việc đó nên không ký. Họ ra quyết định biệt giam ông Hải ba tháng. Ông phản đối quyết định đó và đã khiếu nại ra đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao của tỉnh Nghệ An từ ngày 24 tháng 6. Nhưng sau đó tất cả chìm vào quên lãng. Ông biết người ta đã không đưa đơn khiếu nại đó ra ngoài. Sau đó cũng có khiếu nại một vài lần nữa nhưng họ đều không đưa. Đó là lý do tuyệt thực để đòi lại quyền lợi chính đáng của ông và phản đối những việc làm sai trái của cán bộ trại giam số 6.’
Gia Minh: Ngoài những thông tin ông Hải cho cháu biết, cháu có còn nói được gì với ông không?
Bà Dương Thị Tân: Cháu cũng nói được với bố vài câu, động viên bố nên giữ gìn sức khỏe; nhưng theo như cháu nói câu cuối cùng ông là ‘ông quyết tâm thực hiện quyết định của mình, dù ông có thể chết trong tù, đến khi nào họ trả lời cho ông những đơn khiếu nại của ông.
Bây giờ có con trai tôi ở đây, anh có thể nói chuyện với cháu vài câu.
Anh Nguyễn Trí Dũng: Trước hết cũng xin lỗi Đài vì khi bước ra khỏi trại, Đài có gọi lần đầu tôi có nhấc máy, nhưng lúc đó có một nhóm người không mặc sắc phục họ hùng hổ xông tới, tôi rất ngại họ sẽ giật máy hay có động tác gì khác, nên lúc đó tôi đành phải cúp máy và hai mẹ con lên xe về ngay. Bây giờ mới có thể trả lời Đài.
Gia Minh: Không có gì. Mọi người đang mong muốn biết được tình trạng của ông Nguyễn Văn Hải trong tù, vậy khi Nguyễn Trí Dũng gặp và thấy ông thế nào, xin trình bày lại.
Anh Nguyễn Trí Dũng: Bắt đầu lúc 3 giờ, sau khi mẹ và tôi cố gắng vào yêu cầu họ trả lời cho thăm gặp hay không cho thăm gặp ông Nguyễn Văn Hải. Từ sáng cho đến lúc đó họ không thể nào trả lời được bằng luật nên họ cho đi vào. Nhưng không ngờ khi vào đến bên trong họ tách tôi và mẹ tôi ra. Họ đưa cho tôi một tờ giấy và yêu cầu viết theo mẫu tờ giấy đó và ký vào họ mới xúc tiến việc cho thăm gặp. Nội dung tờ giấy này có 4 khoản nhưng tôi còn nhớ 2 khoản: hoàn toàn tuân theo mọi chỉ dẫn của cán bộ trại giam; khoản thứ hai là khuyên phạm nhân làm đúng theo qui định của trại giam và cải tạo tốt. Tôi hoàn toàn không đồng ý với hai khoản đó vì rất tối nghĩa ở điểm là phải làm theo tất cả những yêu cầu của cán bộ trại giam. Tôi trả lời tôi có thể ký 100 tờ làm theo đúng pháp luật, nhưng không cam kết làm đúng lời của cán bộ yêu cầu vì ở những trại giam khác đã có tiền lệ và rất nhiều việc xảy ra như vậy rồi: không cho ông Hải nói về phiên xử phúc thẩm, không cho nói những gì mà gia đình tôi bị đàn áp thế nào ở bên ngoài; đó cũng như sức khỏe là việc của gia đình thôi mà họ không cho nói; thì tôi hoàn toàn không đồng ý với bản đó và không ký. Họ có vẻ như không cho gặp và lúc đó họ bắt đầu…
Gia Minh: Alo, alo..
Cuộc nói chuyện bị gián đoạn tại đó. Trong suốt hơn một giờ sau, chúng tôi liên tiếp gọi nhưng đường dây liên lạc không thông.
Xin phép được nhắc lại ông Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày là người từng tham gia các cuộc biểu tình Nam hồi cuối năm 2007 và đầu năm 2008 chống Trung Quốc gây hấn đánh chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt.
Ông là một thành viên của Câu Lạc Bộ Nhà giáo Tự Do chuyên nêu ra những tình trạng tham nhũng , tồi tệ của chính quyền Việt Nam hiện nay.
Ông bị bắt đầu tiên với tội danh trốn thuế, nhưng sau khi mãn án tù trốn thuế, ông bị giam ngay lại với tội danh tuyên truyền chống nhà nước. Phiên xử sơ thẩm hồi ngày 24 tháng 9 năm ngoái ông bị tuyên án 12 năm tù giam. Phiên phúc thẩm vào tháng 12 sau đó giữ nguyên mức mà tòa sơ thẩm đã tuyên.