mardi 30 juillet 2013

Kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Việt


Nguyễn Khanh, GĐ ban Việt Ngữ 2013-07-26


043_dpa-pa_1485F4002C80DDC6-305.jpg
Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang 
bắt tay cùng Tổng thống Hoa Kỳ Obama 
sáng 25/7/2013 tại Nhà Trắng.AFP photo
 

Sáng thứ Năm ngày 25 tháng 7 năm 2013, tại Washington DC, chủ tịch nước VN Trương Tấn Sang đã gặp gỡ Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama để thảo luận về những vấn đề mà cả hai quốc gia cùng quan tâm. Anh Nguyễn Khanh vừa từ Nhà Trắng trở về và rất mừng được gặp anh tại phòng thu hình của Đài Á châu Tự do.
Nguyễn Khanh: Dạ vâng cũng xin mừng được gặp lại chị Diễm Thi và cũng không quên gởi lời chào đến quí khán thính giả của Đài Á châu Tự do.
Được đánh giá cao tuy còn những bất đồng
Diễm Thi: Thưa anh cuộc gặp gỡ sáng nay được đánh giá như thế nào và những thành quả là những điểm nào?
Nguyễn Khanh: Tôi nghĩ rằng nếu nói là đánh giá thì người ta đánh giá rất là cao. Tất cả những cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo với nhau luôn luôn là những cuộc gặp gỡ cấp cao. Đặc biệt là cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo với Tổng thống Hoa Kỳ thì đương nhiên còn được đánh giá cao hơn nữa. Có rất nhiều điều mà tôi nhận thấy thành quả  hai bên đạt được trong cuộc gặp gỡ.
Trước hết chúng ta phải nhìn như thế này: cuộc gặp gỡ được dự trù chỉ 45 phút đồng hồ, chị Diễm Thi và quí khán thính giả của Đài Á châu Tự do thử tưởng tượng, 1 tiếng 15 phút sau thì anh em nhà báo chúng tôi mới được gặp hai nhà lãnh đạo; Tức là kéo dài khoảng thời gian đàm phán với nhau tới 30 phút nữa. Điểm đó chứng tỏ phải có những chuyện quan trọng. Đó là điểm thứ nhất.
Điểm thứ nhì như lời hai nhà lãnh đạo nói với báo chí thì họ đã trình bày là họ đã thẳng thắn với nhau và họ đã thảo luận một cách nghiêm chỉnh với nhau trong rất nhiều lĩnh vực, từ lĩnh vực ngoại giao, lĩnh vực kinh tế cho đến kinh tế, quốc phòng, vấn đề biển Đông và ngay cả vấn đề nhân quyền. Cả hai ông đều bảo rằng vẫn còn có những số điểm mà hai bên vẫn chưa đạt được những thỏa thuận hay là rõ ràng hơn là vẫn còn có những bất đồng với nhau như là vấn đề nhân quyền; Nhưng ít nhất thì theo tôi thấy điểm quan trọng là cả hai nhà lãnh đạo, ông Barack Obama và ông Trương Tấn Sang đều đồng ý là đã đến lúc chúng ta nên đẩy quan hệ lên một nấc cao hơn. Đồng thời họ biết khi mà họ đẩy quan hệ như vậy là họ sẽ có cơ hội để họ tiếp tục thảo luận và đi tìm mẫu số chung cho những điểm mà họ vẫn chưa giải quyết được ngày hôm nay.
Một trong những bất đồng rõ ràng là vấn đề nhân quyền và vấn đề tự do tôn giáo. Đó cũng là một trở ngại và ai cũng hiểu rõ là trở ngại đó ai cũng nhìn  thấy là ít nhiều nó cũng có ảnh hưởng mối quan hệ giữa hai quốc gia.
- Nguyễn Khanh

Về vấn đề kinh tế, cái điểm quan trọng nhất mà tôi nhìn thấy qua những lời phát biểu của hai nhà lãnh đạo thì từ bây giờ cho đến cuối năm là họ sẽ hoàn tất đàm phán về bản Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, chúng ta thường gọi tắt là TPP. Nhân tiện nói về vấn đề Thái Bình Dương thì ông Obama cũng như là ông Trương Tấn Sang đều bảo rằng là chúng tôi ủng hộ lập trường của Việt Nam. Đó cũng là cái điểm mà tôi cho rằng đó cũng là thành quả. Điểm khác nữa, cuối cùng thì Tống thống Barack Obama cho biết rằng là ông được ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước Việt nam, mời sang thăm Việt Nam. Ông nói rằng là ông đã nhận lời và ông hứa là ông sẽ cố gắng thực hiện cái điều này trước khi ông rời Nhà Trắng, tức là trước năm 2016.
Diễm Thi: Thế thì liệu quan hệ của hai nước có tiến triển tốt hơn như là hai ông đã trình bày với báo chí không,  thưa anh Khanh?
Nguyễn Khanh: Tôi nghĩ là có. Tôi tin rằng điều đó có. Lý do mà tôi tin rằng có rất là dễ hiểu, xin thưa cùng với chị và quí khán thính giả của Đài Á châu Tự do. Trước cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo thì các nhà giới chức của Tòa Bạch ốc có nói với anh em nhà báo chúng tôi là Washington nhận được những tín hiệu đánh đi từ Hà nội, những tín hiệu đó cho biết là chúng tôi muốn gần hơn với các bạn, chúng tôi muốn hợp tác mạnh hơn với các bạn.
Và kết quả người ta nhìn thấy rõ ràng hai nhà lãnh đạo bảo với nhau là chúng ta vẫn còn những bất đồng nhưng chúng ta phải gặp nhau, chúng ta sẽ nâng cấp gặp gỡ lên ở mức độ cao hơn để chúng ta trước hết tiếp tục thảo luận để làm tốt đẹp hơn cho mối quan hệ và đồng thời giải quyết những bất đồng đó. Đây là nhìn nhận của tôi.
Một trong những bất đồng rõ ràng là vấn đề nhân quyền và vấn đề tự do tôn giáo. Tổng thống Barack Obama nói rất rõ với anh em nhà báo chúng tôi là nhiều vấn đề như vấn đề nhân quyền, vấn đề tự do bày tỏ quan điểm , tự do báo chí , tự do tôn giáo.....ông có đặt vấn đề đó ra với ông Trương Tấn Sang và ông nói đủ cho chúng ta hiểu là Washington muốn thúc đẩy Hà Nội, hay nói đúng hơn là Washington vẫn đang thúc đẩy Hà nội làm những vấn đề đó. Đó cũng là một trở ngại và ai cũng hiểu rõ là trở ngại đó ai cũng nhìn  thấy là ít nhiều nó cũng có ảnh hưởng mối quan hệ giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, nhìn chung trong buổi gặp gỡ này thì tôi nhận thấy có vẻ mọi chuyện tiến triển tốt đẹp như ý hai bên mong đợi.

Đôi bên cùng có lợi
Untitled-1-250.jpg
CT Trương Tấn Sang và TT Obama tại Nhà Trắng sáng 25/7/2013. RFA photo 
Diễm Thi: Còn nhận xét riêng của anh Khanh thì sao?
Nguyễn Khanh: Trong cương vị của một nhà báo, tôi thấy tôi hài lòng với cuộc gặp gỡ và kết quả của cuộc gặp gỡ vừa mới kết thúc cách đây chỉ mấy giờ đồng hồ ở Nhà Trắng giữa chủ tịch nước là ông Trương Tấn Sang và Tổng thống Hoa Kỳ, ông Brack Obama. Trong cương vị của một người Mỹ gốc Việt, tôi cũng hài lòng về kết quả của cuộc gặp gỡ đó. Trong cương vị của một người Việt Nam sống trong cộng đồng Việt Nam và trong cương vị của một người Việt Nam đang cư ngụ ở nước mỹ, tôi cũng vẫn hài lòng với kết quả của cuộc gặp gỡ đó. Có lẽ đây cũng là điểm mà tôi thấy khá lý thú. Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Obama tiếp các nhà lãnh đạo của các nước Asian.
Chị để ý thấy thì từ đầu năm đến giờ thì ông đã tiếp Tiểu Vương Brunei và sau đó ông tiếp Thủ tướng Singapore, ông tiếp Tổng thống Miến Điện; Và ông Trương Tấn Sang là nhà lãnh đạo thứ tư của Asian được mời đến Nhà Trắng. Đối với Việt Nam thì ông Trương Tấn Sang cũng không phải là người đầu tiên đặt chân vào Nhà Trắng. Chị thấy trước đó thì chúng ta có ông Phan Văn Khải, chúng ta có ông Nguyễn Minh Triết, chúng ta cũng có ông Nguyễn Tấn Dũng . Bây giờ là đến ông Trương Tấn Sang.
Tôi đã có dịp có mặt cả 4 lần thì tôi phải thú thật ở lần này thì tôi nhìn thấy ông Sang là người “tươi” nhất. Ông “tươi” nhất có lẽ do tín hiệu ông bắn cho Washington, ít nhiều thì ông cũng nhìn thấy tín hiệu bắn trở lại từ Washington-Tức là chúng tôi cũng muốn làm bạn với cac bạn, chúng tôi cũng muốn mở rộng vòng tay đón tiếp các bạn với tư cách là những người bạn. Vấn đề còn lại là vấn đề tiến triển ra sao.
Cái đó cũng còn tùy, tùy ở Washington cũng có mà tùy ở Hà Nội cũng có. Với cá nhân tôi thì tôi tin là tùy ở Hà Nội nhiều hơn. Nói một cách khác, tôi mường tượng thấy một hình ảnh của một cậu con trai và một cô con gái gặp nhau, hai người làm quen với nhau, hai người nói yêu nhau. Ngày hôm nay có thể là buổi dạm ngõ để cho hai họ gặp nhau nhưng mà nói chuyện sẽ có đám hỏi và đám cưới thì có lẽ chuyện đó cũng phải vài năm nữa.
Diễm Thi: Đó là những nhận xét riêng của anh Khanh đúng không ạ. Xin cảm ơn anh Khanh rất nhiều.